Khơi dậy khát vọng hoàn lương

Khơi dậy khát vọng hoàn lương
3 giờ trướcBài gốc
Phạm nhân nữ tại Trại giam Xuân Lộc tham gia trả lời câu hỏi có thưởng trong chương trình hoạt động nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Ảnh: N.Sơn
Thấu hiểu và mong muốn giúp nữ phạm nhân đang chấp hành án có thêm động lực vươn lên cải tạo tốt, nhiều năm nay, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh và Trại giam Xuân Lộc đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động dành cho nữ phạm nhân, nhất là vào dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ, Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam hàng năm.
“Không để ai bị bỏ lại phía sau”
Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh Phí Thị Thu Hà cho biết, năm 2016, Hội LHPN tỉnh và Trại giam Xuân Lộc chính thức ký kết chương trình phối hợp. Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, 2 đơn vị đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân nữ. Thực hiện chương trình phối hợp từ năm 2016 đến nay, Hội LHPN tỉnh và Trại giam Xuân Lộc đã phối hợp tổ chức 9 cuộc nói chuyện chuyên đề, 5 cuộc thi, tặng gần 5,5 ngàn phần quà, 200 cuốn sách cho nữ phạm nhân đang chấp hành án tại Trại giam Xuân Lộc.
Thượng tá LÊ ĐÌNH HƯƠNG, Phó giám thị Trại giam Xuân Lộc, mong các cơ quan, đoàn thể, đặc biệt là Hội LHPN tỉnh, tiếp tục dành sự quan tâm, hỗ trợ để công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân nữ ngày càng hiệu quả hơn.
Trong đó, các chuyên đề chủ yếu tập trung vào nội dung tuyên truyền, giáo dục đạo đức, phẩm chất phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; vận động nữ phạm nhân rèn luyện 4 phẩm chất phụ nữ Việt Nam thời kỳ mới (tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang); thương yêu và chia sẻ; vươn lên sau vấp ngã; hy vọng vào ngày mai; khởi nghiệp… Thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề đã góp phần tiếp thêm động lực để phạm nhân nữ đang chấp hành án phạt vươn lên trong quá trình
cải tạo.
Tiếp nối những kết quả đã đạt được, nhân kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam năm nay, 2 đơn vị tổ chức ôn lại truyền thống 94 năm của tổ chức Hội. Đồng thời, tổ chức Hội thi Tìm hiểu kiến thức pháp luật về cuộc sống cho phạm nhân. Qua phần thi kiến thức, ghép ảnh tuyên truyền, phạm nhân nữ hiểu thêm về các nội quy cơ sở giam giữ; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với phạm nhân trên con đường hoàn lương.
Đặc biệt, trong hội thi, nữ phạm nhân còn có cơ hội tìm hiểu nội dung của Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17-8-2023 của Chính phủ quy định về chính sách tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, cơ sở sản xuất, kinh doanh có sử dụng người lao động là người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để đào tạo nghề, sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm…
Qua đó, giúp nữ phạm nhân hiểu rằng, bản thân dù đã từng mắc sai lầm nhưng họ không hề cô đơn, mà ngược lại luôn nhận được sự bao dung, đồng hành của xã hội trên con đường hoàn lương.
Khát khao ngày trở về
Phát biểu tại Hội thi Tìm hiểu kiến thức pháp luật và cuộc sống; tặng quà cho các nữ phạm nhân nhân Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam, Phó giám thị Trại giam Xuân Lộc, thượng tá Lê Đình Hương cho rằng, trong mỗi phạm nhân nữ luôn tiềm ẩn những phẩm chất cao quý, tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam cần được trân trọng, thổi ngọn lửa yêu thương, niềm tin về một tương lai tươi sáng. Vì thế, sự khoan dung, chia sẻ của xã hội, trong đó có Hội LHPN tỉnh, là sự khích lệ, động viên, khơi dậy khát vọng hoàn lương trong mỗi phạm nhân nữ.
Gần 5 năm về trước, chị N.D. chấp hành án phạt tại Phân trại 5 với mức án 7 năm tù giam. Thời gian đầu, nghĩ đến 2 con mới 6 tuổi và 4 tuổi không có mẹ bên cạnh, chị luôn thấy hối hận về những việc đã làm. Từ khi vào Trại giam Xuân Lộc, mỗi dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 hay Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 20-10,
chị D. được tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề. Sau mỗi lần nghe báo cáo viên nói chuyện, khát khao trở về với gia đình trong chị lại được nhen nhóm.
Chị K.N. chịu mức án 4 năm chỉ vì hành vi dại dột của mình. Chị N. kể, chồng chị đột ngột qua đời, để lại cho chị một con nhỏ. Mặc dù có gia đình hỗ trợ nhưng thời điểm ấy chị N. luôn cảm thấy buồn bã và tìm đến ma túy. Lần đầu mua ma túy, chưa kịp sử dụng thì chị bị công an bắt về hành vi tàng trữ ma túy. Từ khi bị bắt, trải qua những ngày trong trại giam, chị N. như tỉnh ngộ.
Chị N. chia sẻ, 4 năm tù giam là cái giá quá đắt, chị hy vọng câu chuyện của chị là bài học, là lời cảnh tỉnh cho những ai có ý định dại dột như chị.
“Chỉ còn 8 tháng nữa, tôi sẽ hoàn thành thời gian chấp hành án trở về với gia đình. Những bài học có được sau 4 năm tù giam sẽ là hành trang để tôi hoàn lương, làm lại cuộc đời, làm tròn trách nhiệm của một người mẹ, là một công dân có ích cho xã hội” - chị N. bộc bạch.
Nga Sơn
Nguồn Đồng Nai : https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202410/khoi-day-khat-vong-hoan-luong-0da06e4/