Đã lâu rồi người dân Việt Nam mới được chứng kiến một đại lễ cấp quốc gia được tổ chức trọng thể trong sáng ngày 30/4, tại TP.Hồ Chí Minh – Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025). Sự kiện chính trị, lịch sử đặc biệt quan trọng này đã thu hút hơn 10.000 người tham gia, bao gồm các lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên và đại diện các tầng lớp nhân dân, đại biểu khách mời…
Đại bác khai hỏa trong không khí trang nghiêm, hào hùng mở đầu lễ Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Ảnh: VGP/Lê Anh
Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn người dân, du khách quốc tế đã tập trung tại các tuyến đường trung tâm để chờ đón xem lễ diễu binh, diễu hành có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Nhiều người đến từ chiều ngày 29/4, mang theo bạt, đồ ăn và nước uống và thức trắng đêm để chọn cho mình một vị trí theo dõi thuận lợi.
Không khí lễ kỷ niệm sôi động cả TP.Hồ Chí Minh từ nhiều ngày qua và lan rộng khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Cờ đỏ sao vàng bay phấp phới hòa cùng tiếng nhạc hào hùng vang lên khắp nơi, mang đến nhiều cung bậc cảm xúc và niềm tự hào trong mỗi người dân. Như lời Bác Hồ kính yêu từng dạy: “Chúng ta có quyền tự hào mà nói với thế giới rằng, dân tộc Việt Nam đã đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ. Đó không chỉ là chiến thắng quân sự, mà còn là chiến thắng của lòng yêu nước, của tinh thần quật cường và ý chí kiên cường dân tộc”.
Với mỗi người dân Việt Nam, không khí của lễ kỷ niệm đã khơi gợi lại những ký ức hào hùng, những chiến công hiển hách của các bậc cha anh đã anh dũng chiến đấu, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Những màn diễu binh trang nghiêm, hình ảnh bộ đội Cụ Hồ, lực lượng vũ trang rầm rập bước đều tại buổi lễ đã làm sống lại những trang sử vàng chói lọi của dân tộc Việt Nam. Qua đó, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và niềm tự hào dân tộc trong mỗi người dân, đặc biệt là hun đúc tinh thần “sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc” của thế hệ trẻ hôm nay.
Trong bối cảnh hiện nay, mỗi người dân Việt Nam đều ý thức rằng, giờ đây tinh thần yêu nước không chỉ là ký ức, mà còn là trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam; không phải chỉ thể hiện qua những hoạt động tưởng nhớ, tri ân công lao của các thế hệ đi trước, mà phải thể hiện qua việc nỗ lực học tập tốt hơn, làm việc hiệu quả hơn, sáng tạo hơn, đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Bởi lẽ, độc lập, hòa bình hôm nay là thành quả không dễ có được, nên càng phải trân trọng và gìn giữ.
Vậy nên, trong bất cứ hoàn cảnh nào, dân tộc Việt Nam cũng không bao giờ ngủ quên trên chiến thắng; luôn ghi nhớ công lao trời biển của các bậc cha anh đã anh dũng chiến đấu, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đồng thời, khắc sâu lời căn dặn của Bác Hồ: “Diễu binh không phải để phô trương, mà là lời tuyên bố với thế giới: Dân tộc này sẵn sàng đứng dậy, sẵn sàng chiến đấu, và không thế lực nào được phép coi thường. Duyệt binh không phải để vui mắt, mà để nhắc con cháu: Muốn có hòa bình, phải giữ lấy khí phách. Muốn có độc lập, phải cảnh giác từng giờ… Nếu quá lâu không khẳng định sức mạnh, thế hệ sau dễ ngủ quên trên chiến thắng, dễ quên máu xương cha ông…”
Lời căn dặn đó của Bác Hồ nhất định phải ngấm sâu vào trong máu thịt của mỗi người dân Việt Nam. Bởi lẽ, đó là ngọn đuốc soi đường để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; đưa đất nước Việt Nam tiến nhanh, tiến xa hơn nữa và đi đến bến bờ vinh quang trong Kỷ nguyên phát triển mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
ĐỨC NGUYỄN