Khơi dậy niềm tự hào dân tộc

Khơi dậy niềm tự hào dân tộc
3 giờ trướcBài gốc
“Tiếp lửa” thế hệ trẻ
Buổi nói chuyện lịch sử của Câu lạc bộ giáo dục truyền thống thế hệ trẻ thị xã Phước Long với học sinh Trường THPT thị xã Phước Long diễn ra sôi nổi và đầy ý nghĩa. Học sinh từng lớp xếp hàng ngay ngắn trên sân trường, phía trên là lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới càng khiến từng câu chuyện kể của các cựu chiến binh thêm trang nghiêm và xúc động. Những trận đánh ở chiến trường miền Nam; những tên đất, tên người đi vào sử sách… giúp các em hiểu thêm về lịch sử địa phương, từ đó ý thức tu dưỡng, nỗ lực phấn đấu trong học tập, rèn luyện. Em Vũ Thị Thúy Hiền chia sẻ: Qua câu chuyện của các bác cựu chiến binh kể, em thêm tự hào về lịch sử dân tộc. Đây là động lực thúc đẩy em nỗ lực hơn mỗi ngày để học tập, rèn luyện tốt.
Việc tuyên truyền lịch sử địa phương trong buổi sinh hoạt đầu tuần không chỉ phát huy ý nghĩa giáo dục, mà còn tạo được hứng thú cho học sinh trong học tập, lĩnh hội kiến thức
Giáo dục truyền thống và lịch sử địa phương là nội dung quan trọng trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt khi triển khai môn hoạt động trải nghiệm. Các trường học trên địa bàn Phước Long đã triển khai các nội dung giáo dục truyền thống thông qua việc tìm hiểu lịch sử địa phương, giúp học sinh khắc sâu những chiến công anh hùng, địa danh lịch sử, những giá trị truyền thống cao đẹp của dân tộc. Em Hà Thị Hồng Ngọc, học sinh Trường THPT thị xã Phước Long bày tỏ: Em may mắn được sinh ra trong thời bình nên khi nghe tuyên truyền, giáo dục những trang sử vàng, gợi nhắc về thời kỳ lịch sử, về những hy sinh của thế hệ ông cha đi trước, em cảm thấy vô cùng tự hào và biết ơn. Em tự hứa sẽ luôn nỗ lực vươn lên trong học tập, để xứng đáng với công lao và sự hy sinh to lớn ấy.
Trường học lồng ghép giáo dục lịch sử địa phương thông qua các chương trình ngoài giờ lên lớp, tham quan di tích, danh thắng, “địa chỉ đỏ” trên địa bàn thị xã Phước Long - Ảnh: Trương Hiện
Với các bạn trẻ, khi được “tiếp lửa” truyền thống qua những buổi nói chuyện chuyên đề, giao lưu với các nhân chứng lịch sử đã tạo thêm động lực để các em không ngừng rèn luyện, phấn đấu, hăng say học tập. Em Nguyễn Thị Bảo Hân, học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi bộc bạch: Qua buổi tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương của các bác cựu chiến binh đã đem đến cho em nhiều bài học ý nghĩa và kiến thức về lịch sử địa phương. Em rất biết ơn công lao của ông cha đã không tiếc máu xương hy sinh cho nền độc lập, hòa bình của dân tộc.
Tự hào lịch sử dân tộc
Giáo dục lịch sử địa phương giúp học sinh thêm hiểu về mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên; về những chiến công được đổi bằng máu xương, nước mắt và sự dũng cảm hy sinh của ông cha, từ đó không chỉ tự hào mà còn giúp các em ý thức không ngừng tu dưỡng, nỗ lực trong học tập, rèn luyện. Thầy Lê Duy Thái, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi cho biết: Không chỉ khuyến khích học sinh tìm hiểu lịch sử địa phương, nâng cao kiến thức, trong tiết học Lịch sử giáo viên còn lồng ghép những câu chuyện về lịch sử địa phương một cách phù hợp vào bài giảng. Tại thư viện, trường bố trí một số sách, tài liệu, hiện vật, tranh ảnh sưu tầm để các em tham quan, học tập.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (TX. Phước Long) tham gia trả lời các câu hỏi về lịch sử địa phương - Ảnh: Trương Hiện
Trong chuỗi hoạt động hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Phước Long, thị xã triển khai tổ chức tuyên truyền lịch sử địa phương tại các trường học trên địa bàn. Những trận đánh trong Chiến dịch đường 14 - Phước Long; vai trò, ý nghĩa của chiến thắng đường 14 - Phước Long đối với cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 được nhấn mạnh tại buổi tuyên truyền. Từ hoạt động này giúp học sinh củng cố kiến thức, hiểu rõ hơn về truyền thống hào hùng của dân tộc, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, từ đó thêm trân trọng, ra sức giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa địa phương và không ngừng rèn luyện, tu dưỡng. Ông Phạm Khoa Nam, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh thị xã Phước Long nhấn mạnh, tuyên truyền lịch sử hào hùng của quân và dân Phước Long, đặc biệt là chiến dịch mùa khô năm 1974, 1975 cho học sinh ở các trường trên địa bàn nhằm giúp tuổi trẻ hiểu thêm về chiến dịch và chiến tích hào hùng của ông cha. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào, lòng yêu nước trong thế hệ trẻ. Với sự trình bày ngắn gọn, dễ hiểu, lồng ghép những phần đố vui đã kích thích niềm hưng phấn học tập của học sinh, giúp các em có thêm kiến thức về lịch sử địa phương.
Học để hiểu, để tự hào về lịch sử, góp phần hình thành, bồi dưỡng tình yêu quê hương là mục tiêu của những giờ học lịch sử địa phương nói riêng. Với học sinh, khi được “tiếp lửa” truyền thống qua các buổi tuyên truyền sẽ giúp các em thêm hiểu, thêm yêu quê hương gắn với tình yêu đất nước, lòng tự hào về truyền thống lịch sử đấu tranh của ông cha ngay trên chính mảnh đất các em đang sống và học tập.
Thực hiện tuyên truyền, giáo dục theo phương châm trao đổi với các em về nội dung, sau đó qua hình thức trò chơi đố vui có thưởng liên quan đến nội dung tuyên truyền lịch sử địa phương, mỗi trường sẽ chọn nội dung riêng gắn với lịch sử địa phương mình. Ðiều này mang tính thiết thực, gắn liền với nơi các em học tập và sinh sống. Từ đó các em thêm hiểu, tự hào về lịch sử dân tộc, góp phần hình thành, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước và tinh thần phấn đấu vươn lên trong học tập, rèn luyện.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thị ủy Phước Long
NGUYỄN THỊ THANH HUYỀN
Anh Ngọc
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/164652/khoi-day-niem-tu-hao-dan-toc