Khơi dậy niềm tự hào về lịch sử dân tộc, quê hương

Khơi dậy niềm tự hào về lịch sử dân tộc, quê hương
4 giờ trướcBài gốc
Cán bộ phường Thịnh Đán trò chuyện với sư trụ trì chùa Đán bên cây đa do Đại tướng trồng trong khuôn chùa Đán khi về thăm cán bộ, nhân dân phường Thịnh Đán (ngày 13/8/1998).
Một ngày đầu Đông, khi nắng sớm chan hòa khắp không gian, chúng tôi thong thả dạo bước vào chùa Đán, tọa lạc tại phường Thịnh Đán. Bên ấm trà Tân Cương, chúng tôi nghe vẳng tiếng chuông thỉnh, thấy lòng vô cùng an yên. Trụ trì chùa, thầy Thích Đạo Quảng giới thiệu: Chùa Đán xưa là một ngôi chùa nhỏ của làng Đán do nhân dân xây dựng vào thời Nguyễn. Chùa bị tiêu thổ trong kháng chiến và phải đến những năm 90 của thế kỷ XX mới được xây dựng lại.
Điều đặc biệt ở chùa Đán là trong khuôn viên có ngôi nhà sàn thấp thoáng kiến trúc của đồng bào Tày, Nùng, được chọn làm nơi để tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ai đến vãn cảnh, sau khi tham quan kiến trúc chùa, dâng hương đức Phật cũng đều đến ngôi nhà sàn, kính cẩn tưởng nhớ Đại tướng - người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Mọi người cũng không quên ra thăm cây đa do Đại tướng trồng khi về thăm cán bộ, nhân dân phường Thịnh Đán ngày 13/8/1998.
Đồng chí Trần Xuân Dương, Bí thư Đảng ủy phường Thịnh Đán: Lịch sử Đảng bộ phường có ghi lại, khi trồng cây đa này, Đại tướng đã trò chuyện thân tình với cán bộ và nhân dân Thịnh Đán về những ngày chiến đấu đánh quân Nhật ở thị xã Thái Nguyên vào tháng 8-1945: “Lúc trước, khi bộ đội ta đến đây, dân làng Đán đã đùm bọc và giữ bí mật rất tốt cho quân cách mạng. Ngày nay dân làng Đán cần phấn đấu gương mẫu, đoàn kết, làm ăn giỏi như mong muốn của Bác Hồ”.
Theo một số người cao tuổi của phường kể lại: Trước Cách mạng Tháng Tám, chùa Đán được trưng dụng làm nơi tụ họp bàn bạc chuyện đánh Pháp, đuổi Nhật của cán bộ Việt Minh. Ngày 16/8/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đưa quân chủ lực từ Tân Trào sang giải phóng thị xã Thái Nguyên đã lựa chọn chùa làm nơi tập kết quân, dân, chỉ huy tiến đánh quân Nhật trong trung tâm thị xã.
Sư trụ trì chùa Đán dâng hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà lưu niệm Đại tướng trong khuôn viên chùa Đán.
Cũng tại nơi đây, đồng chí đã phổ biến kế hoạch tác chiến và giao nhiệm vụ cho các đơn vị tiến đánh Nhật tại tỉnh lỵ Thái Nguyên. Sáng 20/8/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy quân giải phóng xuất phát từ chùa Đán, cùng quân dân tiến đánh, bao vây quân Nhật, giải phóng thị xã Thái Nguyên.
Rời chùa Đán, chúng tôi cho xe chạy chầm chậm ra trung tâm TP. Thái Nguyên. Ngay gần quảng trường Võ Nguyên Giáp, trên đường Đội Cấn, phường Trưng Vương là di tích Đình Hàng Phố. Sử sách ghi chép lại, Đình được xây dựng năm 1919, thời Vua Khải Định năm thứ 4 để thờ tám vị tướng, đứng đầu là Dương Tự Minh.
Thời kỳ Pháp thuộc, Đình là nơi các chức sắc đến tế lễ, có tổ chức lễ hội vào dịp rằm tháng Giêng để người dân đến cầu tài, cầu phúc. Đình Hàng phố bị tiêu thổ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đến nay chỉ còn là địa điểm trong ký ức xa xưa.
Nhằm giữ gìn, phát huy giá trị di tích lịch sử, năm 2004, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã dựng bia ghi dấu địa điểm Đình Hàng Phố. Quan sát kỹ, tôi đọc được nội dung được khắc lên tấm bia: Ngày 19/8/1945, Bộ Chỉ huy Việt Nam Giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã đặt chỉ huy Sở tại Đình có sự tham gia của quân đồng minh, đã bao vây, tấn công quân Nhật, giải phóng thị xã Thái Nguyên, tạo uy thế cho cao trào Tổng khởi nghĩa trong Cách mạng Tháng Tám”.
Năm 2004, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã dựng bia ghi dấu địa điểm Đình Hàng Phố, nằm trên đường Đội Cấn, phường Trưng Vương (TP. Thái Nguyên).
Cách di tích Đình Hàng Phố vài trăm mét là khu chủ sự Nhà Đèn, vốn là một công trình kiến trúc do thực dân Pháp xây dựng nhằm phục vụ cho việc đóng chiếm thị xã. Sau này, Nhà Đèn được dùng làm kho cung cấp lương thực thực phẩm cho Việt Nam giải phóng quân Thái Nguyên.
Cũng như 2 di tích nói trên, Nhà Đèn đã bị tiêu hủy trong kháng chiến. Các tư liệu lịch sử chỉ còn lại hình ảnh tư liệu Nhà Đèn là nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp nói chuyện với 600 lính bảo an. Địa điểm di tích nằm trên trục đường Nha Trang, phường Trưng Vương ngày nay.
Thăm các điểm di tích, tôi cứ hình dung lực lượng Việt Nam giải phóng quân hùng dũng, tràn đầy khí thế, quyết tâm tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên năm xưa. Tôi cũng tưởng tượng ra vẻ mặt hân hoan của hàng nghìn người dân khi ngày 20/8/1945, thị xã được giải phóng.
Tôi khẽ nhắm mắt, bỗng nghe, giữa dòng xe cộ tấp nập đi lại mỗi ngày của phố thị, lời hùng thiêng sông núi vọng về, như nhắc nhớ các thế hệ sau hãy biết trân trọng, gìn giữ thành quả nền độc lập tự do mà thế hệ trước đã vất vả giành lấy. Mong sao, các điểm trong cụm di tích này sẽ tiếp tục được cấp ủy, chính quyền và nhân dân chung tay bảo tồn, tôn tạo. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy niềm tự hào về lịch sử đấu tranh giành độc lập và bảo vệ quê hương cho lớp lớp người dân Thái Nguyên...
Duy Phương
Nguồn Thái Nguyên : https://baothainguyen.vn/quoc-phong-an-ninh/80-nam-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-anh-hung/202411/khoi-day-niem-tu-hao-ve-lich-su-dan-toc-que-huong-90213d3/