Khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của giáo viên

Khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo của giáo viên
3 ngày trướcBài gốc
Ban tổ chức trao danh hiệu Giáo viên dạy giỏi THPT- GDTX cấp tỉnh năm học 2024 - 2025 cho các thầy cô giáo -Ảnh: M.L
Hơn 1 tháng sau khi tham dự Hội thi Giáo viên dạy giỏi trung học phổ thông - giáo dục thường xuyên (THPT- GDTX) cấp tỉnh năm học 2024 - 2025, cô giáo Trần Thị Lan, Trường THCS & THPT Bến Quan (huyện Vĩnh Linh) vẫn còn nhiều cảm xúc bởi sự hào hứng của học sinh khi tham gia tiết học mà cô giảng dạy.
“Đây là năm học đầu tiên mà chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được triển khai trong toàn cấp. Vì thế, việc vận dụng một cách sáng tạo các phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực, tạo sự hứng thú cho học sinh trong những bài học mới, lần đầu tiên được đưa vào sách giáo khoa là một thách thức đối với giáo viên”, cô Lan chia sẻ.
Với trăn trở này, cô Lan đã bỏ nhiều thời gian tìm hiểu cách làm sao để học sinh thích thú mỗi khi đến giờ học Địa lý. Nắm bắt tâm lý học sinh thích những trò chơi trực quan sinh động, nên ngoài sách giáo khoa, cô có ý tưởng “Thiết kế trò chơi từ Google form và mã Code trong dạy học chuyên đề “Đô thị hóa” môn Địa lý lớp 10”. Ý tưởng này đã mang lại sự hứng khởi, lớp học trở nên sôi nổi theo phương pháp “học mà chơi, chơi mà học” .
Không riêng gì bài dự thi của cô Lan để lại ấn tượng, theo đánh giá của Ban tổ chức Hội thi Giáo viên dạy giỏi THPT- GDTX cấp tỉnh năm học 2024 - 2025, giáo viên tham gia hội thi có sự đầu tư, tìm tòi, nghiên cứu rất nghiêm túc. Các bài dự thi chủ yếu tập trung vào hai nhóm lĩnh vực: nâng cao chất lượng dạy học các nội dung trong chương trình GDPT 2018 và ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát triển các năng lực đặc thù của bộ môn. Điển hình có các ý tưởng: “Sử dụng phương pháp sơ đồ cây xác suất để giải các bài toán xác suất trong chương trình GDPT 2018” của cô giáo Lê Nữ Quỳnh Anh, Trường THPT Bùi Dục Tài; “Sử dụng phần mềm Stellarium và Eyes on the solar system hỗ trợ học sinh trong học tập chuyên đề học tập Vật lý 10” của thầy giáo Mai Chiếm Thọ, Trường THPT Gio Linh; “Xây dựng, sử dụng website tích hợp học liệu số - ChatBot AI nhằm nâng cao hiệu quả dạy học chủ đề trao đổi chất chuyển hóa năng lượng thực vật - Sinh học 11” của cô giáo Lê Thị Thanh Tâm, Trường THPT thị xã Quảng Trị; “Sử dụng trò chơi trong dạy học môn Tin học nhằm nâng cao hiệu quả học tập của học sinh lớp 10 ở Trường THPT Đakrông” của cô giáo Dương Thị Thanh Hoài, Trường THPT Đakrông...
Mới đây, cô giáo Nguyễn Thị Thắm, ở Trường THCS Phan Đình Phùng, TP. Đông Hà được Ban giám khảo cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Quảng Trị năm 2024 chú ý bởi ý tưởng “Xây dựng thư viện số giáo dục hỗ trợ việc dạy và học chương trình giáo dục phổ thông” mà cô dự thi. Ý tưởng này đã lọt vào vòng chung kết và được ban tổ chức cuộc thi đánh giá cao. Ý tưởng của cô Thắm là ứng dụng nhiều công nghệ Hi - tech; trí tuệ nhân tạo (AI), các công cụ, mô hình 3D, VR để linh hoạt chuyển đổi các loại dữ liệu số khác nhau, từ đó xây dựng nguồn tư liệu, học liệu, giáo án điện tử cùng các tài liệu khác giúp việc dạy và học của giáo viên, học sinh trở nên trực quan, sinh động hơn.
Cô Thắm chia sẻ: Dự án này trở thành hiện thực sẽ mang lại lợi ích cho cả học sinh, giáo viên và nhà trường. Đối với giáo viên dự án, giúp tìm kiếm và chuẩn bị tài liệu dạy học dễ dàng; đánh giá năng lực học sinh qua dữ liệu từ thư viện số. Thư viện số giáo dục cũng giúp học sinh tiếp cận tri thức đa dạng, mọi lúc, mọi nơi; tăng hứng thú học tập qua trải nghiệm công nghệ. Khi hệ thống thư viện số phát triển sẽ giúp kết nối các trường học và cơ sở giáo dục với nhau, tạo cơ hội chia sẻ tài nguyên và kiến thức, góp phần hiện đại hóa hạ tầng giáo dục, tiết kiệm chi phí. Được biết, trong giai đoạn đầu, dự án sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu nhằm hỗ trợ một số môn như Khoa học tự nhiên bậc THCS và THPT bằng mô hình thí nghiệm 3D, riêng các môn Lịch sử và Địa lý, Giáo dục địa phương sẽ sử dụng các công nghệ GIS, VR...
Trong thời gian tới, cô Thắm sẽ hoàn thiện cơ sở dữ liệu cùng với việc đồng bộ cơ sở dữ liệu số giáo dục, công cụ học tập, dữ liệu địa lý, lịch sử và các công cụ hỗ trợ trực tiếp dưới dạng kế hoạch bài dạy, bài giảng E-learning, bộ đề thi... kể cả đưa thêm các công cụ AI nhằm đáp ứng việc dạy và học theo chương trình GDPT 2018.
Để hỗ trợ, khuyến khích cán bộ, giáo viên ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào thực tiễn dạy học, vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi thiết kế bài giảng E-learning năm học 2023-2024; phối hợp một số đơn vị liên quan tổ chức tập huấn cho hơn 600 cán bộ quản lý, giáo viên từ tiểu học đến THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên về ứng dụng AI trong giảng dạy.
Theo ông Mai Huy Phương, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, hiện nay sự phát triển của công nghệ số đã xây dựng nguồn thông tin, tài liệu học tập đồ sộ trên không gian mạng, rất thuận lợi để mọi người tiếp cận. Sở luôn khuyến khích, động viên cán bộ, giáo viên phát huy năng lực, chủ động tham khảo, sử dụng các công vụ hỗ trợ thông minh AI, IoT, các thư viện tài liệu lớn để soạn bài giảng, bài kiểm tra đánh giá năng lực học sinh một cách nhanh chóng, khoa học.
Qua đó phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng, hỗ trợ học sinh phát triển phẩm chất, năng lực người học, chủ động khai thác, lĩnh hội kiến thức. Thời gian tới, sở tiếp tục huy động và ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đảm bảo các điều kiện làm việc cần thiết cũng như xây dựng môi trường, tạo động lực để giáo viên phát huy năng lực, sức sáng tạo của bản thân.
Mai Lâm
Nguồn Quảng Trị : http://www.baoquangtri.vn/khoi-day-tinh-than-doi-moi-sang-tao-cua-giao-vien-190726.htm