Ngày 19-4, ngày hội "Khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên" lần thứ VII do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, UBND TP HCM chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức đã chính thức diễn ra tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, với nhiều diễn đàn, hội thảo, tọa đàm thu hút đông đảo sinh viên, các doanh nghiệp (DN), các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ và THPT.
Hỗ trợ và thúc đẩy khởi nghiệp
Cách nay 7 năm, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025" (Đề án 1665). Sau nhiều năm triển khai với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, Đề án 1665 đã tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn ngành giáo dục.
Bộ GD-ĐT cho biết từ năm 2020 đến 2024, số lượng các dự án khởi nghiệp của sinh viên là 33.808 dự án, tính trung bình mỗi năm có 5.635 dự án. Số lượng các dự án khởi nghiệp của học sinh THCS, THPT là 8.700 dự án, tính trung bình mỗi năm có 1.465 dự án. Số lượng DN khởi nghiệp, khởi nguồn do cơ sở giáo dục ĐH ươm tạo từ năm 2020 đến nay xấp xỉ 300 DN. Số DN khởi nghiệp gọi được vốn từ các nhà đầu tư là 12 DN, số vốn lớn nhất là 1 tỉ đồng/dự án.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi cùng các đại biểu tham dự diễn đàn về khởi nghiệp tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM. Ảnh: HUẾ XUÂN
Tại hội thảo "Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong kỷ nguyên kinh tế số", TS Lê Thị Hằng, Phó Cục trưởng Cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và Giáo dục thường xuyên (Bộ GD-ĐT), nhấn mạnh GDNN có vai trò quan trọng trong việc khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo và tư duy khởi nghiệp cho người học.
TS Lê Thị Hằng chia sẻ: "Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tại các cơ sở GDNN vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Năng lực của đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính và sự kết nối với hệ sinh thái bên ngoài còn hạn chế, chưa đạt được kết quả như mong đợi".
Bên cạnh việc chia sẻ những mô hình khởi nghiệp hiệu quả, bà Hằng đề nghị các chuyên gia GDNN bàn bạc thêm về những thách thức trong hỗ trợ khởi nghiệp tại các cơ sở, đồng thời cần đề xuất các giải pháp mang tính đột phá.
ThS Hồ Thu Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Kiên Giang, cho biết có một số khó khăn, thách thức mà học sinh, sinh viên khởi nghiệp đang gặp phải như: thiếu kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp; chương trình đào tạo chưa theo kịp xu hướng - vẫn mang tính lý thuyết, thiếu tính thực tiễn; thiếu vốn và cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp; thiếu hệ sinh thái khởi nghiệp kết nối hiệu quả; những thách thức từ mặt trái của công nghệ; rào cản ngôn ngữ và hội nhập quốc tế...
Trong chuỗi các hội thảo, diễn đàn, ông Nguyễn Anh Thi, cố vấn cấp cao Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại TP HCM, cho biết ĐH cung cấp tài năng cho hệ sinh thái khởi nghiệp, là nơi cung cấp công nghệ, trường ĐH là nơi cung cấp cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm cho khởi nghiệp. Mục tiêu của ĐH là phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Khởi nghiệp không dành cho tất cả sinh viên, thống kê chỉ khoảng 2% - 3% sinh viên có thiên hướng khởi nghiệp. Theo ông Thi, hạn chế trong việc khởi nghiệp ở trường ĐH hiện nay là trong trường ĐH chưa hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp. Qua nghiên cứu các nước, để hiệu quả cần một hệ thống khởi nghiệp toàn diện được dẫn dắt bởi sinh viên và nhà trường.
Cần giải pháp đột phá
Đề xuất cơ chế, chính sách đột phá, ông Thi đề nghị cần quy định bộ tiêu chí đánh giá hoạt động khởi nghiệp của cơ sở ĐH; quy định cơ cấu tối thiểu cho hoạt động khởi nghiệp; quy định cơ chế hợp tác công - tư linh hoạt, thực chất, hiệu quả nhằm phát huy nguồn lực xã hội cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp; hình thành quỹ quốc gia hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp.
Bà Lê Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và ươm tạo - Trường ĐH Ngoại thương, cho rằng sinh viên tốt nghiệp thường đi làm 6 - 7 năm rồi mới khởi nghiệp vì vậy vai trò của trường là ươm tạo tinh thần và con người, xây dựng hệ sinh thái, kết nối với DN… "Môi trường ĐH là không gian chia sẻ hiểu biết, kinh nghiệm, hợp tác, thúc đẩy khởi nghiệp. Đại diện Trường ĐH Ngoại thương đề xuất khung năng lực về đổi mới sáng tạo cho người học, xây dựng cơ chế chia sẻ nhà trường - DN" - bà Hà góp ý.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM trưng bày một sản phẩm thể hiện ý tưởng khởi nghiệp. Ảnh: HUẾ XUÂN
Để hiện thực hóa tầm nhìn và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp học đường, đặc biệt là trong GDNN, cô Nguyễn Thị Kim Phương, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ FPT Polytechnic, đề xuất thiết lập mô hình liên kết chặt chẽ giữa bốn bên, gồm: Nhà nước, nhà trường, DN và sinh viên. Trong đó, vai trò của nhà nước là bảo đảm định hướng thông qua các chính sách, hỗ trợ tài chính và tạo môi trường pháp lý thuận lợi…
Ở bậc phổ thông, ông Đỗ Đức Quế, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông - Bộ GD-ĐT, cho rằng để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục khởi nghiệp trong trường phổ thông, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm trong giai đoạn 2025-2030, như xây dựng chương trình giáo dục khởi nghiệp chính thức trong trường phổ thông (phát triển tài liệu hướng dẫn tích hợp nội dung khởi nghiệp vào các môn học phù hợp như công nghệ, tin học, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp); thí điểm triển khai chương trình học khởi nghiệp tại một số trường phổ thông; xây dựng mạng lưới DN khởi nghiệp trẻ, sẵn sàng đồng hành với các trường phổ thông, hỗ trợ học sinh trong quá trình hiện thực hóa ý tưởng. Đồng thời, phát triển các chương trình thực tập, trải nghiệm thực tế tại DN để học sinh được tiếp cận và giải quyết các bài toán thực tiễn của xã hội.
Từng bước hiện thực hóa hoài bão
Phát biểu tại các diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi khẳng định học sinh, sinh viên đang sở hữu những lợi thế quý giá: tuổi trẻ, trí tuệ, sức khỏe và thời gian. Bà Chi khuyến khích các em giữ gìn vẻ đẹp trí tuệ, bắt đầu từ những hành động nhỏ nhưng thiết thực, từng bước hiện thực hóa hoài bão. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia sẽ mở ra cơ hội lớn cho thế hệ trẻ. Đồng thời, cần xây dựng môi trường ĐH thành môi trường của học thuật, nghiên cứu và sáng tạo. Bà lưu ý học sinh, sinh viên nên xây dựng hệ giá trị khởi nghiệp vững chắc và sẵn sàng đối mặt với rủi ro.
Khát vọng phải đủ lớn
Tại diễn đàn "Cảm hứng khởi nghiệp từ các doanh nhân", sinh viên, học sinh và các khách mời được nghe chia sẻ về hành trình đi lên của các DN, sự kiên định mục tiêu lẫn những thăng trầm trên con đường khởi nghiệp.
Truyền cảm hứng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, chia sẻ những câu chuyện đúc rút từ trải nghiệm thực tế của bản thân mà theo ông, điều quan trọng nhất là phải học để mỗi bước khởi nghiệp trở nên vững vàng hơn. Ông cho rằng phải học đi trước khi học chạy; muốn đi xa thì đi cùng nhau; thái độ quyết định thành công hơn trình độ; biết xây dựng mục tiêu, lập kế hoạch, dự toán chi phí và quản trị rủi ro; kỹ năng thuyết phục. Ông cũng khuyên các bạn trẻ đừng bỏ học để theo đuổi đam mê và đừng suy nghĩ viển vông.
Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc đào tạo Quỹ Trung Nguyên Legend, lưu ý để khởi nghiệp cần phải có khát vọng lớn, có năng lực lõi, biết hạn chế của mình là gì để kết nối nguồn lực, phải lên được kế hoạch thực thi và dám thất bại. Theo ông, vốn để khởi nghiệp là quan trọng nhưng quan trọng hơn là khát vọng của mình đủ lớn chưa? Dám thất bại, liều lĩnh nhưng có 3 thứ không được phạm sai lầm là không đánh đổi sức khỏe, không bất chấp để vi phạm pháp luật, giữ gìn nhân phẩm danh dự - đây là tài sản lâu dài của mình.
Doanh nhân Lê Yên Thanh, nhà sáng lập ứng dụng BusMap, cho rằng người trẻ mới có kiến thức chuyên môn chứ chưa có kỹ năng, kinh nghiệm nên cần đi làm để tích lũy kiến thức, kỹ năng, tài chính trước khi muốn khởi nghiệp.
HUẾ XUÂN - HUY LÂN