Khơi dậy truyền thống giáo dục, khoa bảng

Khơi dậy truyền thống giáo dục, khoa bảng
4 giờ trướcBài gốc
Ngày đầu diễn ra Triển lãm đã thu hút đông đảo học sinh tham quan, tìm hiểu.
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nội dung Triển lãm đã được chắt lọc từ hàng trăm tư liệu nhằm tái hiện lại quá trình hình thành và phát triển của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một trong những di sản quan trọng bậc nhất của Thủ đô Hà Nội, biểu tượng của văn hiến và trí tuệ Việt. Qua đó, soi chiếu và giải mã những tinh hoa văn hóa và truyền thống hiếu học, tôn vinh danh nhân văn hóa lịch sử của vùng đất đế đô Ninh Bình.
“Thông qua Triển lãm, chúng tôi mong muốn giới thiệu đến Nhân dân Ninh Bình, nhất là các bạn trẻ một cái nhìn toàn cảnh về Di tích tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội, đồng thời tìm hiểu thêm truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo và danh nhân khoa bảng Ninh Bình. Triển lãm cũng sẽ giúp công chúng có thêm một nguồn tư liệu phong phú, bổ ích đối với việc nghiên cứu, tìm hiểu về Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám và truyền thống giáo dục khoa bảng của tỉnh Ninh Bình” - Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu khẳng định.
Triển lãm gồm hai chủ đề chính. Chủ đề “Văn Miếu Quốc Tử Giám - Tinh hoa đạo học Việt Nam” với các nội dung: Ngôi đền tri thức, Vun đắp hiền tài, Hành trình khoa cử, Sử đá lưu danh, truyền tải thông điệp Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi hội tụ tinh hoa của đạo học Việt Nam, trong đó có sự đóng góp quan trọng của các vị danh nhân văn hóa: Vua Lý Thánh Tông, vua Lý Nhân Tông, vua Lê Thánh Tông và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An.
Chủ đề “Truyền thống khoa bảng Ninh Bình” với các nội dung: Khoa cử Ninh Bình, Di tích Nho học, Bảng vàng đề tên, điểm lại quá trình phát triển của giáo dục khoa bảng Ninh Bình với sự hiện hữu của các Văn miếu, Văn từ, Văn chỉ và đặc biệt là dấu ấn của 10 vị Tiến sĩ dưới các triều đại quân chủ.
Với không gian và nội dung trưng bày trang trọng, ấn tượng, hấp dẫn, có tính thẩm mỹ cao và ý nghĩa giáo dục sâu sắc cùng nhiều hoạt động trải nghiệm như: In họa tiết bia Tiến sĩ Văn Miếu Thăng Long, Tranh Đông Hồ (Bắc Ninh); Trải nghiệm sử dụng công nghệ hiện đại: hỏi đáp với cụ rùa AI, kính thực tế ảo, màn hình tương tác, trình chiếu 3D mapping…, Triển lãm đã thực sự tạo sức hút đối với người xem, nhất là các bạn trẻ ngay trong ngày đầu mở cửa.
Thùy Linh, học sinh lớp 10A6, Trường THPT Ninh Bình - Bạc Liêu nói rằng bản thân em rất yêu thích môn lịch sử, vì vậy em đã từng đến thăm Văn miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội, nhưng khi đó em còn nhỏ tuổi, chưa hiểu hết được ý nghĩa của từng không gian trưng bày. Lần này, thật tuyệt vời khi em được “gặp lại” Di tích đặc biệt Văn miếu Quốc Tử Giám thu nhỏ ở ngay quê hương mình thông qua cuộc Triển lãm.
Thùy Linh đã dành nhiều thời gian để tham quan, tìm hiểu không gian trưng bày tái hiện cuộc đời và những đóng góp của ba vị vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông; thầy giáo Chu Văn An cùng những người có tầm ảnh hưởng như Nguyên phi Ỷ Lan và một số danh nhân khoa bảng tiêu biểu.
“Đây là những tấm gương mẫu mực, đặt nền móng cho sự phát triển nền Quốc học, tạo nên tầng lớp tri thức trong xã hội Việt Nam thời quân chủ. Triển lãm đã cho em cơ hội được tiếp nhận, mở mang thêm rất nhiều kiến thức về truyền thống khoa bảng, trong đó có cả khoa bảng của quê hương Ninh Bình. Từ đó, có thêm động lực để thế hệ trẻ chúng em vươn lên trong học tập”- Thùy Linh chia sẻ.
Ninh Bình là vùng đất có vị trí địa lý đặc biệt, được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, cùng bề dày lịch sử văn hóa lâu đời. Thế kỷ X là kinh đô đầu tiên của của Nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầy đủ đầu tiên ở nước ta gắn với sự nghiệp của 6 vị vua thuộc ba triều đại: Đinh-Tiền Lê - Lý.
Trên nền tảng tự nhiên và lịch sử đó, con người Ninh Bình đã xây dựng nên một vùng đất văn hóa đặc sắc. Con người Ninh Bình có truyền thống hiếu học, trân trọng đào tạo nhân tài và khuyến khích việc học hành, thi cử. Trong gia ,việc học hành được chú trọng, trong xã hội, giá trị của học hành được đề cao.
Theo các tư liệu lịch sử, riêng thời phong kiến, kể từ khoa thi đầu tiên (năm 1075) đến khoa thi cuối cùng ở miền Bắc (năm 1918), Ninh Bình có hơn 200 người đỗ đạt (Trạng nguyên, Bảng nhãn, Hương cống, Cử nhân) tại các khoa thi. Các nhà khoa bảng đã có đóng góp lớn cho sự nghiệp xây dựng đất nước.
Trong các nhà khoa bảng Ninh Bình có nhiều người trở thành nhà văn hóa lớn nổi tiếng của đất nước, có những đóng góp nổi bật trong lịch sử dân tộc, tiêu biểu như Thái phó Trương Hán Siêu thời Trần, Tiến sĩ Ninh Tốn thời Lê, Trạng Bòng Vũ Duy Thanh, danh nhân Phạm Thận Duật, Vũ Phạm Khải thời Nguyễn...
Các văn miếu, văn từ, văn chỉ được xây dựng ở nhiều địa phương trong tỉnh để thờ Tiên Thánh, Tiên hiền và các vị đỗ đạt trong vùng và các danh nhân khoa bảng tiêu biểu, như: Văn miếu tỉnh Ninh Bình, Văn miếu phủ Yên Khánh, Văn từ huyện Yên Khánh, Văn chỉ làng La Mai...
Tham gia Triển lãm là cơ hội để học sinh tìm hiểu về truyền thống khoa bảng của quê hương mình.
Kế thừa và phát huy truyền thống của Cố đô Hoa Lư ngàn năm văn hiến, hiếu học, trọng hiền tài, trong những năm qua, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Ninh Bình luôn quan tâm, chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, sự nghiệp trồng người. Tỉnh ta luôn đứng trong những tỉnh, thành phố top đầu về giáo dục.
Đồng chí Vũ Thanh Lịch, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết: Triển lãm “Văn Miếu - Quốc Tử Giám với truyền thống giáo dục khoa bảng Ninh Bình” lần đầu tiên được tổ chức tại Ninh Bình. Triển lãm có ý nghĩa quan trọng, tái hiện lại quá trình hình thành và phát triển của Văn Miếu -Quốc Tử Giám và vinh danh truyền thống giáo dục, khoa bảng của tỉnh Ninh Bình đến với công chúng, cán bộ và Nhân dân; giới thiệu, tuyên truyền rộng rãi đến cán bộ, đảng viên, Nhân dân về truyền thống hiếu học, văn hiến của tỉnh Ninh Bình, góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, truyền thống hiếu học, khoa bảng.
Với ý nghĩa đặc biệt ấy, hy vọng rằng Triển lãm sẽ thu hút được đông đảo công chúng, đặc biệt là các em học sinh, các thầy, cô giáo cùng quan tâm, tìm hiểu, tham quan và trải nghiệm trong thời gian diễn ra Triển lãm từ ngày 15/11 đến ngày 25/12/2024.
Đào Hằng-Minh Đường
Nguồn Ninh Bình : https://baoninhbinh.org.vn/khoi-day-truyen-thong-giao-duc-khoa-bang-429417.htm