Cuộc sống người đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn
Phía Đông Nam của tỉnh có 35 DTTS, với 104.066 người, sống quây quần với đồng bào Kinh ở 45 xã, phường và đặc khu. So với mặt bằng chung của vùng, đời sống của người đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, không đồng đều; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, với nhiều nguyên nhân, trong đó có xuất phát điểm thấp.
Những năm qua, chính quyền địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững, giúp vùng đồng bào DTTS có cuộc sống ổn định, ấm no và phát triển. Nhờ đó, địa phương đã khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của bà con, tạo sức bật giảm nghèo bền vững. Điều này thể hiện ở các xã thuần và xen ghép đồng bào DTTS như: Đông Giang, Hàm Thạnh, Hàm Tân...
Nổi bật là thôn Suối Máu, xã Hàm Tân, có nhiều hộ nghèo vươn lên khá giả, xây nhà mái Thái tiền tỷ. Điển hình như: các hộ Mang Thị Dự, Mang Tâm, Trần Văn Tâm... Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng thôn Suối Máu cho biết, trong thôn có nhiều hộ xây nhà cao cửa rộng, nhờ con cái lớn lên chịu khó làm ăn, biết tằn tiện trong chi tiêu. Trước đó, họ là những hộ nghèo, nay đã thoát nghèo trở thành khá giả, đóng góp nhiều cho địa phương làm đường giao thông nông thôn và cho các quỹ của thôn.
Một hộ nghèo đồng bào DTTS ở xã Hàm Tân thoát nghèo và xây nhà mái Thái
Ngoài ra, tuyến đường từ thôn đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông; đường trong thôn, xóm, nội đồng được cứng hóa; trạm y tế xã được kiên cố hóa, đạt chuẩn y tế quốc gia. 99,5% hộ dân trong thôn được sử dụng điện lưới quốc gia. Hệ thống điện, viễn thông, giao thông, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục... được quan tâm bố trí, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của bà con.
Tuy vậy, nhìn chung, đời sống đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn do một bộ phận trình độ còn thấp, khả năng tiếp cận và áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất hạn chế. Nhiều gia đình chưa thực sự nỗ lực vươn lên trong sản xuất, phát triển kinh tế, còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chế độ chính sách nhà nước, hỗ trợ của xã hội. Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... Trong khi phương thức canh tác của đồng bào DTTS còn lạc hậu, chưa biết liên kết cùng nhau để tạo ra sản phẩm cho giá trị lợi nhuận cao. Vì vậy, thu nhập bình quân đầu người vùng DTTS vẫn còn thấp. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến công tác giảm nghèo gặp nhiều khó khăn.
Trong buổi làm việc với chính quyền địa phương về chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đã nói đến những lo ngại về phát triển vùng DTTS. Mặc dù đã có nhiều chính sách đầu tư, nhưng hiệu quả thực tế ở một số địa phương còn thấp, chưa tạo được sự chuyển biến rõ nét trong đời sống đồng bào. Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu vẫn dang dở, sinh kế người dân chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Nguyên Bộ trưởng đề nghị chính quyền các cấp cần rà soát kỹ nhu cầu thực tế, tăng cường trách nhiệm trong quản lý và sử dụng nguồn lực, đồng thời phát huy vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện chương trình để tránh tình trạng đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện tốt chính sách dân tộc...
Ninh Chinh