Khởi động năm 2025 với Nghị quyết 57

Khởi động năm 2025 với Nghị quyết 57
4 giờ trướcBài gốc
Đổi mới mô hình tăng trưởng lấy khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực chủ yếu.
Như lời Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phát triển theo chế độ xã hội Xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”.
Để có kỷ nguyên vươn mình, hai chủ trương lớn đã được triển khai đồng bộ trong năm 2025 là chống lãng phí và tinh gọn bộ máy. Vì sao phải chống lãng phí? Vì chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” có vị trí tương đương với chống tham nhũng.
Thực tế, lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần cảnh báo về tệ nạn lãng phí: “Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến... Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi nạn lãng phí tai hại hơn nạn tham ô”.
Từ khi đời sống kinh tế phát triển, biểu hiện lãng phí càng rõ ràng. Để chống lãng phí, đã có nhiều văn bản quán triệt. Ngày 21-12-2012, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 21-CT/TW về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Ngày 25-12-2023, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 27-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Và ngày 8-10-2024, có thêm Quy định 189-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Chống lãng phí khó hơn chống tham nhũng, vì sự lãng phí diễn ra ở rất nhiều hình thức khác nhau.
Lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, cá nhân khi thủ tục hành chính rườm rà, dịch vụ công trực tuyến chưa thuận tiện và thông suốt.
Lãng phí cơ hội phát triển của địa phương, của đất nước do bộ máy nhà nước có nơi, có lúc hoạt động chưa hiệu quả, một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, thiếu năng lực, né tránh, đùn đẩy công việc, sợ trách nhiệm; do chất lượng, năng suất lao động thấp.
Lãng phí tài nguyên thiên nhiên; lãng phí tài sản công do quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, trong đó giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa, xử lý thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước; sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, các dự án sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước; thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia, các gói tín dụng hỗ trợ phát triển an sinh xã hội hầu hết rất chậm.
Lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của nhân dân diễn ra dưới nhiều hình thức.
Còn tinh gọn bộ máy cần được hình dung như thế nào? Tinh gọn bộ máy đã được đề cập nhiều lần suốt hàng chục năm qua, nhưng kết quả vẫn khá hạn chế. Chỉ riêng việc tách và nhập xã, huyện ở các địa phương cũng nảy sinh không ít rắc rối và dây dưa.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam là quốc gia có đơn vị cấp tỉnh nhiều nhất trong khu vực châu Á. Vì vậy, Việt Nam phải chi đến 70% ngân sách, để trả lương cho đội ngũ cán bộ và các hoạt động hành chính.
Có một thực tế đáng băn khoăn, sau nhiều lần cải cách hành chính thì bộ máy tổ chức của một số cấp, một số ngành vẫn giữ nguyên số lượng nhân sự. Thậm chí, có nơi còn “phình” ra, khi thành lập thêm một số đơn vị trực thuộc và xuất hiện những vị trí việc làm mang tính “trung gian”, khiến quá trình tinh giản biên chế gặp nhiều trở ngại.
Dù thấy rõ giá trị của việc tinh gọn bộ máy, nhưng khi tiến hành một số nơi cảm thấy “tâm tư” do quan hệ nể nang. Phương pháp “một cửa một dấu” ít phát huy được ý nghĩa tích cực, mà chuyển thành “một cửa nhiều dấu”, và hệ lụy “cha chung không ai khóc” do chỗ nọ “vô hiệu hóa” chỗ kia. Khi chưa quyết liệt tinh gọn bộ máy, người dân vẫn phải hứng chịu nhiễu nhương do cán bộ đùn đẩy lẫn nhau.
Để tinh gọn bộ máy đảm bảo “hiệu năng” và “hiệu lực”, cốt lõi vẫn nằm ở con người. Cơ cấu lại bất kỳ đơn vị nào cũng cần cán bộ đáp ứng đòi hỏi cụ thể về năng lực và phẩm chất.
Có lẽ phải nghiêm túc đặt lại vấn đề: Liệu các cuộc thi tuyển viên chức và công chức đã hoàn toàn tuân thủ nguyên tắc trong sáng và chất lượng hay chưa? Những đối tượng biên chế có trình độ tương xứng, hay còn trông cậy các yếu tố khác? Tinh gọn bộ máy không thể “hiệu quả” nếu vẫn còn những dạng cán bộ dửng dưng “thứ nhất ngồi lì, thứ nhì đồng ý”.
Không thể chấp nhận dạng cán bộ ích kỷ chỉ quan tâm đến nồi canh niêu cơm riêng tư, mà thờ ơ với được mất của môi trường xung quanh. Không thể chấp nhận dạng cán bộ “quan tám cũng ừ, quan tư cũng gật”, không biết sốt ruột vì sự ì ạch trong lĩnh vực mình đang dự phần trước sự vận động không ngừng đi lên văn minh của thế giới hội nhập.
Tinh gọn bộ máy chắc chắn được bắt đầu ở những cán bộ dám nghĩ dám làm để cống hiến cho Tổ quốc, phụng sự cho dân tộc.
Cùng với chống lãng phí và tinh gọn bộ máy, năm 2025 cũng mở ra nhiều hứa hẹn tương lai, khi có Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Cùng với Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, cũng đã thành lập Hội đồng Tư vấn quốc gia về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước.
Nghị quyết 57 chỉ rõ 7 nhiệm vụ giải pháp để thực hiện. Trong đó nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Muốn hội nhập sâu rộng trong một thế giới số, có nhiều việc phải khẩn trương và quyết liệt, như xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia…
Theo tinh thần Nghị quyết 57, đến năm 2045 khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Việt Nam sẽ có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.
Đồng thời, tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số tương đương các nước phát triển; tối thiểu có 10 doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến và thu hút thêm ít nhất 5 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam.
TÂM HUYỀN
Nguồn SGĐT : https://dttc.sggp.org.vn/khoi-dong-nam-2025-voi-nghi-quyet-57-post119738.html