Năm 1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp tiến hành khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng. Điều đó làm cho mâu thuẫn giữa nhân dân ta với thực dân Pháp càng thêm gay gắt. Trước tình hình đó, nhân dân Nam bộ không còn con đường nào khác là đứng lên đấu tranh giành quyền sống, giành độc lập, tự do.
Để khẩn trương chuẩn bị khởi nghĩa, từ ngày 21 đến 27-7-1940, đồng chí Tạ Uyên triệu tập Hội nghị Xứ ủy mở rộng tại xã Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) với sự tham dự của đại diện 19/21 tỉnh Nam kỳ. Hội nghị đã quán triệt tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (11-1939), để từ đó, thống nhất chủ trương khẩn trương chuẩn bị khởi nghĩa và đề ra những công việc cần trước mắt. Hội nghị bầu đồng chí Tạ Uyên làm Bí thư Xứ ủy.
Đình Long Hưng - nơi cơ quan tỉnh Mỹ Tho đóng trong những ngày Khởi nghĩa Nam kỳ. Ảnh: Tư liệu
Vào đêm 22, rạng sáng ngày 23-11-1940, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam kỳ, tất cả các tầng lớp nhân dân đã nhất tề nổi dậy đồng loạt tại nhiều địa phương như: Gia Ðịnh, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long.. với tinh thần quyết liệt, khí thế tiến công mạnh mẽ của nhân dân Nam kỳ đánh vào hệ thống cai trị của thực dân Pháp và bọn tay sai, nhiều đồn bót, công sở của địch bị phá. Tại một số nơi, chính quyền địch hoang mang, tan rã, chính quyền cách mạng được thành lập ở một số vùng nông thôn Nam kỳ.
Cùng với toàn xứ Nam kỳ, tại tỉnh Mỹ Tho lúc bấy giờ cũng đang ráo riết chuẩn bị chu đáo về mọi mặt cho cuộc khởi nghĩa. Trước đó, ngày 12-8-1940, Ban Quân sự tỉnh Mỹ Tho (tổ chức tiền thân của Lực lượng vũ trang tỉnh Tiền Giang ngày nay) được thành lập do đồng chí Nguyễn Hữu Thường, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Đây là tỉnh thành lập Lực lượng vũ trang sớm của cả nước.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, vận động khởi nghĩa trong toàn tỉnh Mỹ Tho, cụ thể là ở các quận Châu Thành, Cai Lậy, Chợ Gạo, An Hóa, Cái Bè được đẩy mạnh, diễn ra với nhiều hình thức khác nhau như: Tổ chức mít tinh diễn thuyết, kêu gọi quần chúng đấu tranh chống khủng bố, chống bắt lính, chống sưu cao thuế nặng… Đồng thời, nhiều địa phương đã đưa cán bộ, đảng viên cài vào hàng ngũ địch nắm thông tin kịp thời, xác định thời cơ để chuẩn bị cuộc khởi nghĩa diễn ra.
Đầu tháng 11-1940, Tỉnh ủy họp ở xã Thạnh Phú (quận Châu Thành) để kiểm tra tình hình chuẩn bị khởi nghĩa; tập trung lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền theo từng khu vực, nhằm tạo nên thế mạnh áp đảo, đánh chiếm cơ quan đầu não của địch ở thị xã, thị trấn, giành quyền làm chủ về tay nhân dân…
Vào khoảng 20 giờ ngày 22-11-1940, lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy được chuyển đến địa điểm liên lạc của Tỉnh ủy tại cầu đúc Trung Lương (xã Trung An). Mệnh lệnh khởi nghĩa nêu rõ lúc 0 giờ ngày 23-11, sẽ đồng loạt nổi dậy khởi nghĩa, đánh chiếm các đồn, nhà việc của địch…
Đình Long Hưng (xã Long Hưng, quận Châu Thành) được Ban Khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho chọn làm trụ sở của chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho. Đêm 22 đến ngày 23-11-1940, các xã trong tỉnh Mỹ Tho đồng loạt nổi dậy khởi nghĩa với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, từ người già, người trẻ, từ bần nông, trung nông, phú nông, thợ thủ công, tiểu chủ đến cả trí thức, địa chủ… đều nhất tề đứng lên tham gia vào cuộc đấu tranh giành chính quyền.
Khi cuộc khởi nghĩa nổ ra, đồng chí Nguyễn Thị Thập cho liên lạc đến các xã truyền lệnh khởi nghĩa và huy động nhân dân đồng loạt nổi dậy.
Đồng chí Nguyễn Thị Thập về thăm lại căn cứ Nam kỳ khởi nghĩa năm xưa. Ảnh: Tư liệu.
Tại khu vực Tam Hiệp (thuộc quận Châu Thành) do đồng chí Nguyễn Thị Thập chỉ huy có lực lượng tự vệ khá mạnh. Sau khi tổ chức nổi dậy tại làng Thân Cửu Nghĩa và Long An, Ủy ban khởi nghĩa đưa lực lượng đến xóm Nhơn Huề, làng Tam Hiệp phối hợp với lực lượng tại chỗ đánh trống mõ, giương cao lá cờ đỏ sao vàng, cờ đỏ búa liềm kéo đến bao vây bót Chợ Bưng.
Còn ở các quận Cai Lậy, Chợ Gạo, thị xã Mỹ Tho, nhận lệnh khởi nghĩa của Xứ ủy Nam kỳ, Ủy ban khởi nghĩa đã huy động đông đảo nhân dân đứng lên khởi nghĩa giành quyền làm chủ ở nhiều nơi. Từ ngày 23 đến ngày 30-11-1940, toàn tỉnh Mỹ Tho có 75/124 làng (xã) giành được quyền làm chủ.
Ngay trong ngày 23-11-1940, chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho được thành lập và tổ chức mít tinh, có hơn 3.000 người dự tại đình Long Hưng. Đồng chí Phan Văn Khỏe, Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, Trưởng ban Khởi nghĩa được cử làm Chủ tịch; đồng chí Nguyễn Thị Thập phụ trách Thường trực Ủy ban Cách mạng; đồng chí Nguyễn Văn Thường phụ trách quân sự…
Có thể thấy rằng, dấu ấn trong cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ ở tỉnh Mỹ Tho ngày đó cho đến nay vẫn vẹn nguyên mang giá trị lịch sử sâu sắc. Đó là hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng năm cánh xuất hiện trên ngọn cây bàng trước đình Long Hưng một băng rôn được treo với dòng chữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc” - biểu tượng của tinh thần yêu nước, yêu tự do tung bay phấp phới. Đó còn là hình ảnh của một nhân cách cao cả, một khí phách hiên ngang, tài chỉ huy mưu lược của người nữ anh hùng Nguyễn Thị Thập - người phụ nữ bụng mang dạ chửa, lấy khăn rằn nịt bụng, chỉ huy lực lượng tự vệ xông vào chiếm đồn, đánh bót anh dũng, hiên ngang và oanh liệt vô cùng.
Cuộc khởi nghĩa của nhân dân tỉnh Mỹ Tho nói riêng và của nhân dân Nam bộ nói chung nổ ra trong điều kiện chủ quan và khách quan chưa chín muồi. Mặc dù chính quyền cách mạng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhưng đã để lại nhiều bài học vô giá, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc với những chặng đường lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc sau này, mà trước hết là bài học về nắm bắt và vận dụng thời cơ tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng.
Phát huy hào khí, tinh thần chiến đấu oanh liệt và ý chí quật cường của nhân dân ta trong Khởi nghĩa Nam kỳ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang luôn nêu cao tinh thần chủ động, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, chung sức, đồng lòng, quyết tâm phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ tỉnh, chuẩn bị thật tốt cho việc tiến tới Đại hội đảng các cấp; góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII, tiến tới Đại hội XIV của Đảng.
LÊ NGUYÊN