Một trong những ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo về bảo vệ môi trường của nhóm sinh viên tham gia tại cuộc thi Startup Kite do HueIC tổ chức
Xuất phát từ đời thực
Ba của T.Q.T., sinh viên đến từ tỉnh Quảng Trị là người khuyết tật, nằm liệt giường suốt nhiều năm. Trong suốt quá trình học tập tại Huế, T. luôn day dứt về việc làm sao để ba mình có thể ngồi dậy, đi lại, hòa nhập cuộc sống. Thế là em đã mày mò, chế tạo thành công chiếc xe lăn điện tự nâng đầu. Đây là sản phẩm nghiên cứu sáng tạo không chỉ giúp em giành giải cao tại các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật, mà còn được một doanh nghiệp trong nước đặt hàng sản xuất với giá trị gần 1 tỷ đồng.
Nắm bắt nhu cầu ăn nhẹ, tiện lợi, ngon miệng, dễ dàng mang theo, nhóm sinh viên Trần Thị Khánh Huyền, Hoàng Ngọc Quỳnh Nga, Nguyễn Thị Thúy Hiền với sự hướng dẫn của giảng viên Nguyễn Thị Phương Nga đã thực hiện dự án khởi nghiệp sáng tạo "Xây dựng quy trình chế biến bánh ống quế truyền thống". Kết hợp kiến thức được học về công nghệ chế biến thực phẩm, hóa sinh, vi sinh thực phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm..., các bạn trẻ đã sáng tạo, chuẩn hóa từ một số loại bánh cổ truyền để đưa ra quy trình công nghệ sản xuất bánh ống quế tiện dụng, đặc trưng, phù hợp thị hiếu, khẩu vị người tiêu dùng.
Cô Nguyễn Thị Phương Nga, giảng viên Khoa Nhiệt lạnh, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế (HueIC) cho biết, từ bánh ống quế, nhóm còn sáng tạo phát triển thành các loại bánh mang nhiều hương vị khác nhau: Mặn, ngọt, chua cay, nhân thịt… hoặc kèm các gia vị thảo mộc truyền thống của Huế như rau húng quế, rau thơm, rau ngò tây… Các em đang chuẩn hóa thương hiệu sản phẩm và tham gia cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố.
Ở hướng tiếp cận từ góc nhìn môi trường, nhóm sinh viên ngành Công nghệ sinh học, HueIC nhận thấy, mỗi ngày, tại căn-tin của trường thải ra gần 5 - 6kg thực phẩm dư thừa. Thay vì bỏ đi, các em quyết định thử nghiệm mô hình tái sử dụng thực phẩm thừa để nuôi ruồi lính đen - một loài côn trùng có khả năng phân hủy hữu cơ rất hiệu quả, đồng thời cho ra nguồn protein sạch để làm thức ăn chăn nuôi.
Trần Bảo Phúc, sinh viên Khoa Kỹ thuật đô thị, HueIC cho hay, ý tưởng này không mới, nhưng chúng em đã kết hợp giữa "rác thải căn-tin" và "chuỗi thực phẩm tuần hoàn" để nuôi ruồi lính đen. Đây là một trong những ý tưởng sáng tạo tạo ra mô hình kinh doanh mới, phục vụ nguồn thức ăn sạch, giàu chất dinh dưỡng cho các cơ sở nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia cầm.
Ươm mầm ý tưởng sáng tạo
Hành trình của một ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo hay một đề tài nghiên cứu không bắt đầu bằng những lý thuyết trên giấy, mà khởi nguồn từ những điều rất thực tế. Đó có thể từ cuộc sống đời thường, từ những buổi thực hành trong xưởng, hay từ nỗi đau âm thầm của người thân... để các em học sinh, sinh viên trên địa bàn nghiên cứu, khởi nghiệp sáng tạo. Tại Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố năm 2024, theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ, cơ quan thường trực Ban tổ chức Cuộc thi, đây là năm có sự tham gia mạnh mẽ của các nhóm sinh viên, với nhiều ý tưởng, dự án mới lạ, đạt chất lượng cao trong lĩnh vực y dược, nông nghiệp, công nghệ... Trong đó, điển hình có các ý tưởng, dự án khởi nghiệp: "Mít ECO-BALANCE", "Dung dịch vệ sinh dành cho nam giới INFINITY", "Ứng dụng nâng cao năng lực thực hành lâm sàng thông qua thực tế ảo", "Nông nghiệp tái sinh và đổi mới sáng tạo sản phẩm thủ công truyền thống"... được đánh giá có tiềm năng phát triển sản phẩm.
Hiện nay, trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của địa phương, tại các trường đại học, cao đẳng nghề nghiệp trên địa bàn thành phố đã hình thành các trung tâm, câu lạc bộ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong sinh viên. Trong đó, có Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo Đại học Huế, Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo HueIC, Câu lạc bộ Khởi nghiệp nông nghiệp... Ngoài đội ngũ giảng viên đóng vai trò dẫn dắt, hướng dẫn các sinh viên nghiên cứu, sáng tạo, các trung tâm, câu lạc bộ này còn là nơi cung cấp các dịch vụ như không gian làm việc chung, hỗ trợ phòng fablab (phòng thí nghiệm chế tạo), đào tạo kỹ năng, kết nối doanh nghiệp và tổ chức các cuộc thi.
TS. Tôn Thất Đồng, giảng viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế cho rằng, hành trình đưa một ý tưởng khởi nghiệp từ trang giấy đến sản phẩm hoàn thiện cần một quá trình dài, đòi hỏi sự nỗ lực của sinh viên và sự đồng hành của nhà trường, thầy cô, doanh nghiệp và cả cộng đồng. "Chúng tôi không chỉ giảng dạy, mà còn là người đồng hành cùng sinh viên. Một ý tưởng hay vẫn chưa đủ, các em cần được hướng dẫn, dẫn dắt để biến ý tưởng hay, mới lạ thành sản phẩm phục vụ nhu cầu sản xuất và cuộc sống", thầy Đồng nói.
Cũng theo TS. Lê Văn Luận, Phó Hiệu trưởng HueIC, đối với những ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo khả thi, nhà trường sẽ tiếp tục ươm tạo sâu hơn qua việc trích quỹ đầu tư khởi nghiệp để hoàn thiện sản phẩm, hỗ trợ kết nối doanh nghiệp hợp tác phát triển, hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ, tư vấn pháp lý, tham gia các hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại...
Thời gian qua, tại các trường đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nhiều dự án khởi nghiệp sáng tạo tiêu biểu đã gọi vốn thành công ngay khi tham gia thuyết minh tại các cuộc thi về khởi nghiệp sáng tạo, sáng tạo kỹ thuật... Ngoài ra, nhiều sản phẩm nghiên cứu, khởi nghiệp sáng tạo xuất sắc có tiềm năng ứng dụng cao còn được doanh nghiệp đặt hàng phát triển sản phẩm mẫu, hoặc được các đơn vị, trường học đặt hàng để làm quà tặng lưu niệm, phục vụ giảng dạy, thương mại hóa sản phẩm, đem lại lợi ích thiết thực cho cuộc sống.
Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN