Khởi nghiệp thành công từ mô hình nuôi chim bồ câu Pháp

Khởi nghiệp thành công từ mô hình nuôi chim bồ câu Pháp
9 giờ trướcBài gốc
Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của anh Mai Xuân Lâm mang hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2011, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, anh Mai Xuân Lâm làm việc tại một doanh nghiệp thi công công trình ở Hà Nội. Dân công trình cuộc sống nay đây, mai đó, thậm chí có những chuyến công tác dài ngày ở nước ngoài, nhưng chính những lúc như thế anh nhận thấy, công việc này không thật sự thích hợp với bản thân. Với mong muốn có một công việc ổn định, ít phải đi lại, nên anh quyết định trở về quê lập nghiệp.
Ban đầu, anh Lâm chỉ nuôi một vài đôi chim bồ câu Pháp để chơi. Qua quá trình nuôi thử, thấy chim bồ câu Pháp dễ nuôi, thức ăn đơn giản - chủ yếu là thóc và ngô, thịt chim là thực phẩm giàu dinh dưỡng nên anh đã tự tìm tòi kiến thức, kỹ thuật nuôi giống chim bồ câu Pháp.
Năm 2019, được sự giúp đỡ từ gia đình, anh Lâm vay thêm vốn ngân hàng để đầu tư vào mô hình nuôi chim bồ câu Pháp. Anh nhận thầu 3.000m2 đất ruộng của xã san lấp nền, xây dựng chuồng trại để khởi nghiệp với mô hình nuôi chim bồ câu Pháp, quy mô 120 đôi chim bố mẹ. Ban đầu do thiếu kinh nghiệm trong việc chăm sóc, cũng như cách thức sắp xếp xây dựng chuồng trại chưa khoa học dẫn tới tình trạng chim ốm yếu và chết nhiều. Không nản chí, anh quyết tâm học hỏi thêm kỹ thuật chăn nuôi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ sự cần cù, chịu khó, nắm vững kỹ thuật nuôi, đến nay mô hình nuôi chim bồ câu Pháp đã mang lại hiệu quả và cho thu nhập cao.
Anh Lâm cho biết: Để nuôi chim bồ câu thực sự hiệu quả thì khâu chọn giống là quan trọng nhất. Con giống được lựa chọn phải khỏe mạnh, lông mượt, nhanh nhẹn và không có dị tật. Ngoài ra, chuồng trại cũng phải được đầu tư kiên cố, ngăn thành từng dãy lồng, mỗi dãy lồng lại được chia thành từng ngăn để nuôi từng loại chim bố mẹ, có hệ thống cấp nước uống tự động cho chim, có quạt thông gió bảo đảm chuồng trại luôn thoáng mát. Trong quá trình nuôi chú trọng các đợt uống vắc-xin phòng bệnh, sử dụng các loại men vi sinh trộn lẫn vào thức ăn, nước uống hoặc phun khử trùng tại khu chuồng trại để giảm mùi hôi, tăng sức đề kháng cho chim.
So với các giống chim bồ câu khác, bồ câu Pháp dễ nuôi, ít dịch bệnh, có khả năng sinh sản đều và cao. Mỗi con bồ câu mái sau 4 - 5 tháng tuổi bắt đầu đẻ lứa đầu, mỗi lứa đẻ 2 trứng. Sau 40 ngày chim mái sinh sản lứa tiếp theo. Trung bình mỗi cặp chim giống đẻ từ 9 - 10 lứa/năm. Đến nay, bình quân mỗi tháng mô hình nuôi chim bồ câu của anh Lâm xuất ra thị trường khoảng 1.500 đôi chim bồ câu thương phẩm và bồ câu giống; trừ chi phí, mỗi năm thu lãi trên 500 triệu đồng.
Theo anh Lâm, hiện nay thịt chim bồ câu rất được ưa chuộng. Do đây là nguồn thực phẩm bổ dưỡng, được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn, nhu cầu cao nên nhiều lúc không đủ số lượng cung cấp. Với kinh nghiệm 6 năm nuôi chim bồ câu Pháp, giờ đây anh có thể chủ động về kỹ thuật nuôi và chăm sóc chim. Tuy nhiên, anh vẫn không ngừng học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm từ các chủ trại và tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi nói chung, kỹ thuật nuôi chim bồ câu nói riêng. Bên cạnh đó, anh luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch bệnh với các chủ mô hình khác.
Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp của gia đình anh Lâm là điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi, mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được Đoàn xã Đông Quang khuyến khích phát triển. Cùng với phát triển kinh tế gia đình, anh Lâm tích cực tham gia các phong trào, hoạt động hội và giúp đoàn viên, thanh niên trên địa bàn mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống, đóng góp tích cực cho sự phát triển của quê hương.
Bài và ảnh: Thanh Huê
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/khoi-nghiep-thanh-cong-tu-mo-hinh-nuoi-chim-bo-cau-phap-248564.htm