Chị Lý Thị Ninh (bên trái) trao đổi với chị em trong Hợp tác xã về việc đa dạng hóa các sản phẩm.
Chị Lý Thị Ninh bảo: "Tôi sinh ra và lớn lên tại xã Chế Cu Nha, là xã với hơn 90% người dân là đồng bào Mông. Nghề dệt thổ cẩm từ lâu đã gắn liền với cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người Mông nơi đây và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mang nét văn hóa độc đáo của phụ nữ Mông. Để tạo ra những sản phẩm thổ cẩm hay bộ trang phục độc đáo thì phải qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của đôi bàn tay người phụ nữ Mông, như: trồng lanh, se sợi, in sáp, nhuộm chàm và thêu thùa… Những năm gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, các sản phẩm may công nghiệp với nhiều mẫu mã và giá cả phù hợp đã phần nào làm lu mờ đi các sản phẩm thêu dệt truyền thống. Mong muốn giữ gìn, phát triển nghề truyền thống và tạo thêm công ăn việc làm cho chị em, tôi ấp ủ ý định thành lập tổ hợp tác dệt thêu thổ cẩm”.
Năm 2009, được sự quan tâm của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp và sự hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu, Liên kết và Phát triển thủ công mỹ nghệ (Craft Link), Tổ hợp tác Thêu dệt thổ cẩm xã Chế Cu Nha được thành lập, chị Lý Thị Ninh giữ vai trò Tổ trưởng.
Để hiểu rõ hơn về thị trường, thông qua tổ chức Hội LHPN, chị Ninh chủ động xin đi học tập kinh nghiệm ở các địa phương khác, đồng thời tham gia các lớp tập huấn về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh do Hội tổ chức. Bản thân chị cũng tự tìm hiểu, nghiên cứu trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội để học hỏi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức phục vụ công việc.
"Lúc mới thành lập, Tổ hợp tác cũng gặp nhiều khó khăn như tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm, chị em chưa có kinh nghiệm, nhưng qua quá trình hoạt động, Tổ hợp tác ngày càng lớn mạnh, từ 10 thành viên ban đầu, qua thời gian số thành viên đã tăng lên 25 người” - chị Lý Thị Ninh chia sẻ.
Năm 2020, chị Ninh đã mạnh dạn đưa sản phẩm của Tổ hợp tác tham gia Cuộc thi ý tưởng Phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động với chủ đề "Phụ nữ khởi nghiệp - Kết nối thành công”. Vượt qua 922 ý tưởng của phụ nữ toàn quốc, ý tưởng của chị là một trong 68 ý tưởng xuất sắc lọt vào vòng Chung kết và được tôn vinh trao giải "Tác động xã hội góp phần giảm nghèo bền vững” với giải thưởng gần 400 triệu đồng. "Tôi đã dùng số tiền từ giải thưởng đó trang bị thêm cho Tổ hợp tác của chúng tôi 1 máy dập ly vải, 5 máy khâu công nghiệp để phục vụ cho chị em trong quá trình sản xuất hàng hóa. Nhờ đó, sản phẩm làm ra được nhiều hơn, phong phú hơn, thu nhập cho các thành viên trong Tổ hợp tác được tăng thêm, bình quân từ 5 - 7 triệu đồng/người/tháng” - chị Ninh cho hay.
Qua quá trình hoạt động, số thành viên của Tổ hợp tác cứ ngày một nhiều thêm và các sản phẩm cũng đa dạng, đầu ra cho sản phẩm ổn định hơn. Trên cơ sở phát triển của Tổ hợp tác, năm 2024, chị Ninh mạnh dạn đăng ký thành lập HTX. HTX Thêu dệt thổ cẩm Mông Style được thành lập với gần 50 thành viên tham gia. Các thành viên luôn tìm tòi, sáng tạo, học hỏi kinh nghiệm để tạo ra sản phẩm với nhiều mẫu mã đa dạng đáp ứng nhu cầu của khách hàng và quảng bá nét đẹp văn hóa, con người Mù Cang Chải.
"Các sản phẩm làm ra ngoài trang phục nam và nữ còn có vỏ gối, túi, ví, khăn trải bàn, ba lô, con vật, móc treo chìa khóa, dây buộc tóc, túi đeo, hoa tai… Tất cả những sản phẩm trên được làm từ cây lanh trồng trên nương, qua bàn tay khéo léo và sự tỉ mẩn của phụ nữ Mông mà thành sợi lanh dệt vải” - chị Ninh tự hào kể. Nếu như năm 2015, doanh thu của Tổ hợp tác chỉ là 200 triệu đồng thì đến năm 2024 đã lên 1 tỷ đồng.
Ngoài việc duy trì các hoạt động của HTX, chị Ninh còn chủ động tham gia hướng dẫn dạy 6 lớp nghề thêu thổ cẩm truyền thống của đồng bào Mông cho hơn 250 hội viên các xã bạn để lan tỏa thêm tình yêu với nghề truyền thống trong chị em.
Trong nhiều diễn đàn, hội nghị về vấn đề khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức, câu chuyện về sự thành công của chị Lý Thị Ninh đã được chia sẻ như một minh chứng rõ nét về tinh thần khởi nghiệp, về tình yêu với nghề truyền thống và sự vươn lên không an phận của người phụ nữ dân tộc thiểu số.
Thu Hạnh