Khởi nghiệp thành công với cây dược liệu

Khởi nghiệp thành công với cây dược liệu
7 giờ trướcBài gốc
Mở rộng vùng nguyên liệu, xây dựng đặc sản đặc trưng
Sinh ra và lớn lên tại Tam Kỳ - Quảng Nam, nhưng sau khi tốt nghiệp đại học, chị Lương Thị Mỹ Huệ (42 tuổi) có cơ duyên công tác tại Huyện ủy Đăk Tô, tỉnh Kon Tum. Trong quá trình làm việc công chức tại đây, chị ấp ủ kế hoạch khởi nghiệp với cây dược liệu vùng Tây Nguyên.
Khẳng định khởi nghiệp không dễ dàng, chị Lương Thị Mỹ Huệ cho biết, nhờ có dãy núi Ngọc Linh mà Kon Tum có nguồn dược liệu phong phú, chất lượng cao với 853 loài thực vật có khả năng sử dụng làm thuốc, nổi bật như sâm Ngọc Linh, sâm dây, đương quy, sa nhân tím...
Tuy nhiên, dược liệu đa phần được khai thác từ tự nhiên hoặc trồng tự phát, chủ yếu bán thô chứ chưa được chú trọng vào chế biến, xây dựng thương hiệu, chưa phát triển được kinh tế tương xứng với tiềm năng.
Đặt mục tiêu xây dựng đặc sản đặc trưng cho tỉnh Kon Tum nói chung và huyện Đăk Tô nói riêng, năm 2018, Lương Thị Mỹ Huệ thành lập Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên (Thảo dược Tây Nguyên). Thông qua việc trồng và chế biến từng bước nâng cao giá trị các loài dược liệu, tạo công ăn việc làm, giúp người dân đồng bào thiểu số phát triển kinh tế bền vững, giảm đốt nương làm rẫy và phụ thuộc vào rừng.
Thừa hưởng nguồn dược liệu sạch sẵn có, chất lượng cao, trữ lượng dồi dào của núi Ngọc Linh, Công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên tạo ra được những sản phẩm chất lượng, dược tính cao giúp nâng cao sức khỏe cho người tiêu dùng. Ảnh: Tiểu Thúy
Kể về hành trình khởi nghiệp, chị chia sẻ: “Đầu năm 2019, sau khi đi thực tế tại Đồng Nai, Vĩnh Long, Tây Ninh,… tôi tìm hiểu thuần hóa khổ qua rừng để trồng tại Đăk Tô. Từ một hộ dân trồng thử nghiệm 3 sào ban đầu đã phát triển mở rộng vùng nguyên liệu với diện tích hơn 10ha. Tiếp đó, tôi kết hợp phụ nữ địa phương phát triển thành công gần 4ha sâm dây Ngọc Linh tại thôn Đăk Sanh, xã Văn Lem, huyện Đăk Tô. Đây là đột phá quan trọng bởi từ trước đến nay sâm dây Ngọc Linh chủ yếu tập trung ở 2 huyện Tumơrông và Đăk Lây chứ chưa được trồng thành công tại Đăk Tô”.
Thành công mở rộng vùng nguyên liệu, Thảo dược Tây Nguyên mạnh dạn ký hợp đồng với các điều khoản minh bạch, bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá ổn định bao gồm quả và đọt non khổ qua rừng, củ và lá sâm dây… để người dân yên tâm sản xuất.
Đồng thời, công ty đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị để sản xuất ra các sản phẩm đặc sản chất lượng của Kon Tum như: trà sâm dây Ngọc Linh DATO; trà khổ qua rừng DATO; mứt sâm dây Ngọc Linh; bánh sâm dây Ngọc Linh; nấm hương rừng; lá xông giải cảm…
Bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu quý
Không chỉ thừa hưởng nguồn dược liệu sạch sẵn có, chất lượng cao, trữ lượng dồi dào của núi Ngọc Linh, Thảo dược Tây Nguyên còn xây dựng chuỗi liên kết với đồng bào Xê Đăng sống quanh chân núi Ngọc Linh trồng các loại dược liệu vùng Ngọc Linh trong điều kiện bán tự nhiên, dưới những cánh rừng tự nhiên.
Tại đây, các loại thảo dược được trồng trong môi trường gần gũi với tự nhiên nhất, ít được chăm bón phân, không dùng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, tận dụng lợi thế sẵn có từ rừng để tạo ra nguồn dược liệu sạch sẵn có, chất lượng cao.
“Với phương pháp canh tác đó, chúng tôi tạo ra nguồn nguyên liệu ổn định, có chất lượng cao, tương đương với việc khai thác tự nhiên, giúp bảo tồn được nguồn dược liệu quý của vùng đất này và tạo ra các sản phẩm với chất lượng tốt, nâng cao sức khỏe cho người tiêu dùng trong và ngoài nước” - chị Lương Thị Mỹ Huệ tự hào.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, hiện nay sản phẩm của Thảo dược Tây Nguyên đã có lợi thế vùng miền và có thế mạnh tại hệ thống siêu thị lớn như Co.opmart, AEON... Trong đó, trà sâm dây Ngọc Linh là sản phẩm được nhiều người tin dùng khi làm từ 95% sâm dây, không trải qua quá trình nấu cao nên giữ được phần lớn dược tính của sâm dây. Trà sâm dây Ngọc Linh DATO là sản phẩm OCOP 3 sao và là đặc sản được nhiều khách du lịch chọn mua khi đến Kon Tum.
Tự tin với sản phẩm chất lượng, thời gian tới, Thảo dược Tây Nguyên sẽ tiến hành xây dựng vùng nguyên liệu sâm dây Ngọc Linh, khổ qua rừng đạt tiêu chuẩn GACP (Thực hành tốt trồng trọt và thu hái), xây dựng nhà xưởng đạt tiêu chuẩn ISO 22000, tiếp tục cải tiến bao bì cho các sản phẩm hiện tại để định hướng đến việc xuất khẩu.
Tiểu Thúy
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/khoi-nghiep-thanh-cong-voi-cay-duoc-lieu.html