Khởi nghiệp từ cà phê đặc sản

Khởi nghiệp từ cà phê đặc sản
6 giờ trướcBài gốc
Sinh ra trong gia đình thuần nông, anh Nguyễn Tiến Dũng đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm cùng cây cà phê. Có thời điểm, loài cây này bị chặt bỏ do giá rớt thê thảm. Vì thế, dù có công việc ổn định sau khi tốt nghiệp đại học nhưng anh Dũng vẫn luôn đau đáu suy nghĩ làm gì để nâng tầm giá trị cà phê.
Theo anh Nguyễn Tiến Dũng, sản phẩm cà phê Pure coffee được thị trường đón nhận rất tích cực. Ảnh: Q.T
“Gia đình tôi gắn bó với cây cà phê từ những năm 90 của thế kỷ trước và trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Có giai đoạn, giá cà phê giảm còn vài ngàn đồng/kg, thu không đủ chi phí. Tuy nhiên, tôi nhận thấy đây là loại cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đặc biệt là thị trường tiêu thụ cà phê rất rộng lớn, nhất là các sản phẩm sau chế biến”-anh Dũng cho biết.
Bên cạnh việc đầu tư tái canh vườn cà phê, anh Dũng còn chú trọng canh tác cà phê theo hướng hữu cơ bền vững. Đồng thời, anh dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu quy trình chế biến cà phê cũng như tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Năm 2022, anh Dũng cùng 2 người bạn góp vốn đầu tư cơ sở rang xay và chế biến cà phê nguyên chất mang thương hiệu Pure coffee với 2 dòng sản phẩm cà phê bột chính là pha phin và pha máy. Dù mới ra mắt hơn 2 năm nhưng Pure coffee đang dần khẳng định được thương hiệu trên thị trường.
Anh Dũng cho hay: “Hiện vùng nguyên liệu của chúng tôi có khoảng 8 ha được canh tác theo hướng hữu cơ, thu hái 100% hạt chín và sơ chế, chế biến, bảo quản trong môi trường sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Do đó, sản phẩm cà phê bột nguyên chất Pure coffee được thị trường đón nhận, không chỉ khách hàng lẻ mà hiện đã có nhiều quán cà phê trong và ngoài tỉnh tìm đến đặt hàng. Mỗi tháng, chúng tôi xuất bán khoảng 1-1,5 tấn cà phê bột”.
Anh Đỗ Đức Mạnh (thôn 3, xã Ia Pal, huyện Chư Sê) cho hay: “Tôi cũng là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm nên tiêu chí sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu.
Trên bao bì sản phẩm Pure coffee được in rõ các thông số, tiêu chuẩn trong quá trình sản xuất như có tem truy xuất nguồn gốc nguyên liệu cà phê hạt, chứng nhận an toàn thực phẩm, thời gian bảo quản…
Đặc biệt, Pure coffee được chế biến từ 100% hạt cà phê chín nên hương vị rất đậm đà, thơm dịu nhẹ, vị đắng thanh, ngọt hậu… Do đó, tôi thường mua để sử dụng cũng như làm quà biếu cho đối tác”.
Cà phê được thu hái 100% hạt chín nên chất lượng sản phẩm sau chế biến giữ được hương vị đậm đà. Ảnh: Q.T
Theo anh Dũng, thị trường tiêu thụ sản phẩm cà phê nguyên chất và sạch hiện còn khá lớn. Thời gian tới, ngoài việc sử dụng hạt cà phê do nhóm trồng, cơ sở sẽ liên kết với người dân trong vùng để mở rộng vùng nguyên liệu.
Đồng thời, vận động, hướng dẫn bà con nông dân trồng cà phê theo hướng hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm sạch, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng, giá trị nông sản. Cùng với đó, nghiên cứu tham gia Chương trình OCOP nhằm nâng tầm thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ông Nguyễn Hữu Tỵ-Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Chư Sê-cho rằng: Việc ngày càng có nhiều nông dân, hợp tác xã đầu tư chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm chất lượng là tín hiệu đáng mừng. Điều này không những góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà còn tạo việc làm, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Huyện sẽ tiếp tục tạo điều kiện để bà con nông dân và hợp tác xã phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương, nhất là tham gia Chương trình OCOP để nâng tầm giá trị, hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.
QUANG TẤN
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/khoi-nghiep-tu-ca-phe-dac-san-post323148.html