Từ kỹ sư đến nông dân thời 4.0
Anh Cao Thành Công (sinh năm 1995) theo học ngành kỹ thuật nhiệt lạnh, đã từng có công việc ổn định tại Hà Nội. Tuy nhiên, biến cố về sức khỏe khiến anh quyết định trở về quê hương, bắt đầu lại từ con số không với một lĩnh vực hoàn toàn mới - nông nghiệp.
Tình cờ tiếp cận với mô hình thủy canh từ một chương trình khuyến nông, anh Công bắt đầu mày mò từ những cây trồng đơn giản nhất. Anh đã lựa chọn cây rau má - loại cây tưởng chừng dân dã, phổ biến làm “đối tượng” thử nghiệm, với hy vọng sẽ tạo nên một mô hình sản xuất nông sản sạch, ổn định và dễ nhân rộng.
Mô hình rau má thủy canh tại nhà màng công nghệ cao của anh Cao Thành Công.
Điểm đặc biệt của mô hình không nằm ở quy mô, mà ở cách tổ chức. Năm 2023, gia đình anh Công quyết định đầu tư khoảng 500 triệu đồng, xây dựng hệ thống nhà màng công nghệ cao với tổng diện tích hơn 300m2, lắp đặt hơn 10.000 rọ nhựa trên 6 kệ chữ A và 1 kệ bán chữ A. Mô hình được thiết kế bài bản, toàn bộ cây rau má được trồng trong nhà màng theo hình thức thủy canh hồi lưu, sử dụng phân bón dinh dưỡng hữu cơ thay cho đất.
Với phương thức canh tác truyền thống, người nông dân thường phải đối diện với nhiều yếu tố ngoài tầm kiểm soát như thời tiết khắc nghiệt, chất lượng đất và nguy cơ sâu bệnh, mô hình thủy canh rau má của anh Cao Thành Công đã khắc phục được những vấn đề này nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại.
Anh Cao Thành Công thu hoạch rau má thủy canh.
Mô hình được xây dựng với hệ thống kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và lượng nước tự động qua các thiết bị cảm biến, đảm bảo điều kiện sinh trưởng ổn định cho cây rau má. Các chỉ số pH, nồng độ PPM được kiểm tra định kỳ để đảm bảo rau má sinh trưởng khỏe mạnh và đạt chất lượng cao. Đặc biệt, mô hình không sử dụng thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học, đáp ứng tiêu chuẩn sản phẩm sạch.
“Mô hình thủy canh giúp tôi giảm phụ thuộc vào đất và thời tiết. Có thể canh tác quanh năm và dễ dàng mở rộng”, anh Công chia sẻ.
Tuy nhiên, theo anh Công, một trong những khó khăn lớn nhất không nằm ở kỹ thuật hay chi phí đầu tư ban đầu, mà chính là việc duy trì sự ổn định nguồn nước đầu vào và môi trường dinh dưỡng cho cây. Rau má là loại cây thân bò, dễ nhiễm khuẩn nếu nguồn nước không đảm bảo hoặc các chỉ số pH, PPM dao động thất thường.
“Mỗi đợt thời tiết thay đổi thất thường, tôi phải điều chỉnh lại toàn bộ hệ thống dinh dưỡng để cây không bị vàng lá hay chết rễ. Nếu không giám sát sát sao, chỉ sau một thời gian ngắn có thể mất trắng cả mẻ rau”, anh Công bộc bạch.
Chu kỳ trồng ngắn, sản lượng ổn định, mang lại thu nhập cao. Đây là những yếu tố giúp nông nghiệp công nghệ cao dần chứng minh lợi thế so với phương thức truyền thống.
Rau má - từ loại cây hoang thành nông sản hàng hóa
Không dừng lại ở khâu trồng trọt, anh Công còn xây dựng một chuỗi tiêu thụ khép kín. Anh bắt đầu đưa sản phẩm rau má sạch đến tay người tiêu dùng thông qua quán nước ép đặt tại đường Đinh Tiên Hoàng, thành phố Phủ Lý.
Đây không chỉ là điểm bán hàng, mà còn là mắt xích đầu tiên trong chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản theo hướng trực tiếp, minh bạch và gắn với câu chuyện sản phẩm. Trước tín hiệu tích cực từ thị trường, thời gian gần đây, anh tiếp tục mở thêm một cơ sở mới ngay tại trung tâm thị trấn Tân Thanh (Thanh Liêm), mở rộng quy mô phục vụ, đồng thời từng bước xây dựng thương hiệu nước ép rau má gắn liền với quy trình canh tác sạch và chế biến tại chỗ. Mỗi ly nước ép là kết quả của quá trình canh tác sạch, chế biến tươi, không hương liệu.
Hiện nay, trên thị trường, rau má được bán với giá dao động từ 25.000 - 30.000 đồng/kg tùy loại. Đối với nước ép rau má thông thường, giá thành mỗi ly dao động trong khoảng 15.000 - 20.000 đồng.
Tuy nhiên, sản phẩm từ mô hình rau má thủy canh của anh Cao Thành Công có giá trị cao hơn nhiều lần, bởi được canh tác hoàn toàn sạch, kiểm soát dinh dưỡng nghiêm ngặt, không hóa chất, không thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi bó rau má không chỉ là nông sản đơn thuần, mà là sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và được sơ chế ngay tại chỗ để giữ trọn dưỡng chất. Nhờ vậy, giá trị gia tăng của sản phẩm đã qua chế biến được nâng lên rõ rệt, tạo cơ hội lớn trong việc mở rộng thị trường và xây dựng thương hiệu riêng.
Bên cạnh đó, việc chế biến ngay tại nguồn giúp sản phẩm giữ được giá trị dinh dưỡng, đồng thời giải quyết bài toán đầu ra, điều mà không ít hộ sản xuất nhỏ gặp phải. Mỗi bó rau má đều trở thành nguyên liệu cho các sản phẩm giá trị gia tăng: nước ép, sinh tố, thạch rau má, bột rau má…
Hiện tại, vợ chồng anh tích cực xây dựng các kênh bán hàng qua mạng xã hội, đưa sản phẩm tiếp cận đông đảo người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm khách hàng quan tâm đến sức khỏe và thực phẩm sạch. Nhờ vậy, mô hình không chỉ tăng thu nhập cho gia đình, mà còn tạo việc làm cho lao động địa phương với mức thu nhập ổn định.
Dù mới bắt đầu chưa lâu, mô hình của anh Công đã thu hút sự quan tâm của nhiều thanh niên và hộ dân quanh vùng. Trong lúc nhiều người vẫn còn ngại ngần khi nhắc đến “nông nghiệp công nghệ cao”, mô hình này là minh chứng rõ nét cho việc: công nghệ không nhất thiết phải lớn, chỉ cần hiệu quả, phù hợp và tạo ra giá trị bền vững.
Trong bối cảnh tỉnh Hà Nam đang định hướng mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình của anh Công cho thấy tiềm năng lan tỏa mạnh mẽ. Không cần diện tích lớn, chỉ cần cách làm sáng tạo, phù hợp thực tiễn có thể tạo ra sinh kế ổn định và bền vững. Chính quyền địa phương cũng bước đầu ghi nhận mô hình này là điểm sáng trong phong trào thanh niên khởi nghiệp.
Từ cây rau má mở rộng tầm nhìn mới
Câu chuyện của anh Cao Thành Công không chỉ dừng ở cây rau má, mà còn là “lát cắt” rõ ràng cho một xu thế: khi người trẻ biết tìm đường, nông thôn không còn là nơi “lùi về”, mà là điểm khởi hành cho những mô hình sống - làm việc - sản xuất đầy tự chủ.
Từ một thanh niên kỹ thuật, đến người làm nông và chủ cơ sở chế biến, anh Công đang định nghĩa lại khái niệm “làm nông” theo cách riêng của thế hệ mới: kết hợp tri thức, công nghệ và thị trường.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Cao Thành Công cho biết, mục tiêu trước mắt là duy trì ổn định sản lượng, nâng cao chất lượng rau má thủy canh và hoàn thiện quy trình chế biến sản phẩm theo hướng đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Về lâu dài, anh dự định mở rộng diện tích trồng, đầu tư thêm máy móc, thiết bị sơ chế - chế biến, đồng thời xây dựng thương hiệu nước ép rau má riêng, tiến tới đăng ký tham gia chương trình OCOP của địa phương.
Rau má là nguyên liệu tiềm năng, nếu biết cách chế biến sản phẩm thì hoàn toàn có thể phát triển thành chuỗi giá trị bền vững.
“Tôi mong muốn xây dựng vùng chuyên canh rau má sạch, nếu có thời gian, tôi sẽ xây dựng mô hình gắn với du lịch trải nghiệm và dạy nghề miễn phí, đưa nông sản quê hương tiếp cận thị trường rộng lớn hơn”, anh Công chia sẻ.
Giữa vùng quê yên bình ở Hà Nam, mô hình rau má thủy canh không ồn ào, không rầm rộ. Nhưng lặng lẽ khẳng định một điều: nông nghiệp, nếu được làm bằng tư duy mới, công nghệ mới, hoàn toàn có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa thanh niên đi lên từ chính mảnh đất quê hương.
Khi người trẻ dấn thân với tinh thần chủ động, chịu khó học hỏi, biết nhìn vào nhu cầu thị trường và hành xử có trách nhiệm với môi trường, nông nghiệp không chỉ là “cần cù”, mà còn là “tri thức”. Câu chuyện rau má của anh Cao Thành Công vì thế không chỉ là một mô hình, mà là minh chứng cho một xu thế chuyển mình: nông nghiệp tử tế từ bàn tay người trẻ.
Lê Vân