Hẹn mấy lần, rồi chúng tôi cũng gặp được anh Nguyễn Văn Hoàng, sinh năm 1985 ở xóm Rãnh, xã Toàn Sơn (Đà Bắc). Anh trồng hơn 600 cây đào, nhận chăm sóc hơn 200 cây và nhận chăm sóc cây cảnh cho một số đơn vị, nhà dân ở thành phố Hòa Bình nên dịp cuối năm, Tết Nguyên đán anh rất bận.
Anh Nguyễn Văn Hoàng, xóm Rãnh, xã Toàn Sơn (Đà Bắc) chăm sóc đào bán dịp Tết.
Anh Hoàng từng đi làm ở nhiều nơi, làm nhiều nghề để kiếm sống, trong đó có nghề chăm sóc cây cảnh. Anh được làm và học nghề tại một cơ sở trồng và chăm sóc cây cảnh ở thành phố Hòa Bình. Sau nhiều năm tích lũy được kinh nghiệm thực tế và học hỏi thêm kiến thức, anh quyết định trồng đào bán dịp Tết với diện tích hơn 1.000m2 của gia đình. Đây là diện tích mà nhiều năm trước gia đình trồng sắn, mía nhưng không hiệu quả. Không có vốn, anh tích lũy tiền làm công để mua những cây phôi. Với kiến thức và kinh nghiệm, anh đã gặt hái được thành công. Sau 6 năm làm riêng vườn, nhà anh hiện nay đã trở thành địa chỉ của nhiều người chơi cây và các thương lái tìm đến dịp cuối năm. Ngoài trồng, chăm sóc cây để bán, gia đình anh còn nhận chăm sóc đào thuê. Sau Tết, khách hàng có thể thuê chăm sóc cây để cuối năm mang cây về chơi tiếp. Dịp Tết năm nay, anh có hơn 600 cây đào để bán. Anh cũng nhận chăm sóc thuê 200 cây đào.
Anh Hoàng chia sẻ: Nghề trồng đào cảnh đòi hỏi tỉ mỉ, nhất là đối với cây phôi trồng năm đầu tiên. Đây cũng là thời điểm vất vả nhất. Người trồng đào cảnh muốn cây phát triển theo ý mình phải kỳ công uốn nắn, tạo hình mới cho ra những thế cây độc, lạ. Tôi thường dùng dây nhôm để uốn cành, tạo thế. Ngoài nắm được kỹ thuật, phải tìm hiểu kỹ thời tiết để đào ra hoa đúng dịp Tết.
Anh Hoàng dự kiến cho đào ra hoa đúng dịp Tết đạt trên 80%. Với công việc trồng đào, chăm sóc đào Tết đã tạo việc làm thường xuyên cho 4 người trong gia đình và 5 người làm thời vụ. Có chút vốn, anh mở rộng diện tích đầu tư trồng cây công trình, cây cảnh, nhận chăm sóc cây cảnh cho các cơ quan, gia đình ở thành phố Hòa Bình. Năm 2023, trừ các khoản chi phí đầu tư, gia đình anh thu về trên 300 triệu đồng. Theo anh Hoàng, những năm gần đây, quá trình đô thị hóa nhanh, nhu cầu trồng, chơi cây cảnh, nhất là cây đào Tết ngày càng cao nên nghề trồng và chăm cây cảnh phát triển.
Ông Bàn Tiến Thành, Trưởng xóm Rãnh cho biết: Xóm Rãnh là một trong những xóm khó khăn nhất của xã Toàn Sơn. Với địa hình chia cắt, chủ yếu đồi núi, diện tích đất canh tác ít. Xóm có 164 hộ, chủ yếu sống bằng nghề trồng rừng, trồng sắn và mía. Những năm gần đây, trồng trọt gặp nhiều khó khăn do đầu ra bấp bênh, công lao động và chi phí phân bón cao nên nhiều người không còn mặn mà với làm nông nghiệp. Tuy nhiên, xóm có lợi thế gần thành phố Hòa Bình, nắm bắt lợi thế đó, anh Nguyễn Văn Hoàng đã khởi nghiệp với nghề trồng đào Tết và dịch vụ chăm sóc cây cảnh cho các gia đình ở thành phố. Hướng đi của anh Hoàng mới, phù hợp, tạo thu nhập cho gia đình và việc làm thời vụ cho bà con trong xóm. Từ mô hình này, chúng tôi tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, đem lại giá trị cao.
Việt Lâm