Khởi nghiệp từ sức trẻ

Khởi nghiệp từ sức trẻ
2 giờ trướcBài gốc
Anh Nguyễn Hữu Nghĩa tạo thu nhập ổn định từ mô hình chăn nuôi bò sữa
Xưa nay gia đình chỉ gắn bó với việc trồng trọt, nhưng nhờ cơ duyên trong những lần tìm tòi, học hỏi qua các buổi tập huấn của địa phương, anh Nguyễn Hữu Nghĩa đã biết đến mô hình chăn nuôi bò sữa. “Tôi mong muốn từ những lợi thế sẵn có ngay trên chính mảnh đất quê hương của mình như điều kiện, khí hậu, thổ nhưỡng thì bản thân là một người trẻ cần phải làm như thế nào đó để tìm ra hướng đi phát triển kinh tế hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình cũng như từ đó, có thể góp sức mình vào vào sự phát triển chung của xã hội…”, anh Nghĩa nói.
Xung kích trong khởi nghiệp, nghĩ là làm, cùng sự cần cù, chịu khó sau nhiều năm nghiên cứu kỹ thuật chăn nuôi bò sữa, năm 2015 từ sự hỗ trợ, đồng hành của địa phương mà trực tiếp là Đoàn xã, anh Nghĩa đã vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và chính thức thực hiện mô hình chăn nuôi bò sữa với hệ thống chuồng trại quy mô khép kín. Không những mạnh dạn đổi mới nếp nghĩ, cách làm trong việc lao động sản xuất, anh Nguyễn Hữu Nghĩa còn sáng tạo, đầu tư thêm các trang thiết bị nhằm tối ưu hóa công năng, giảm sức lao động, tăng năng suất cho công việc.
Anh Nghĩa chia sẻ: Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò, gia đình đã đầu tư phát triển 1,1 ha đất trồng cỏ và bắp. Bên cạnh đó, để tránh gây ra tình trạng lãng phí và thiếu hụt thức ăn; đồng thời, tiết kiệm thời gian, nguồn lực, anh Nghĩa đã nghiên cứu, đầu tư máy băm cỏ giúp bò có thể ăn cả phần thân của cây cỏ và máy vắt sữa giúp quá trình vắt sữa được tiến hành nhanh và nhiều hơn. Đến nay, tổng đàn bò của anh có là 20 con, trong đó, khai thác sữa gần 4.000 lít/tháng, trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí gia đình thu nhập khoảng 300 triệu đồng.
“Nuôi bò sữa không quá khó, nguồn thức ăn chủ yếu cho bò cũng dễ kiếm như cỏ, bắp ủ chua, cám… Tuy nhiên, để đạt được những hiệu quả rõ rệt trong chăn nuôi bò sữa, người nông dân khi mới bắt đầu nuôi cần phải kiên trì và đặc biệt quan tâm đến việc theo dõi sức khỏe của đàn bò, để phòng, tránh và kịp thời có phương án điều trị các bệnh thường gặp ở bò, như: viêm vú, liệt dạ cỏ… Đây có thể được coi là khâu khó khăn và quan trọng nhất trong quá trình chăn nuôi bò sữa”, anh Nghĩa thông tin.
Để tiếp tục có những kết quả vượt trội trong chăn nuôi bò sữa cũng như ổn định, tăng thu nhập cho gia đình, anh Nghĩa dự định sẽ mở rộng quy mô đàn bò sữa và đầu tư thêm các trang thiết bị hiện đại, nâng cao năng suất cho đàn bò. Song song đó, nhằm giúp đỡ các hộ nông dân và các bạn trẻ trên địa bàn muốn tiếp cận và có nhu cầu biết, hiểu thêm về mô hình chăn nuôi bò sữa, anh Nghĩa đã, đang chủ động để người dân tới tham quan mô hình của mình, cùng chia sẻ kinh nghiệm và cùng học với bà con. Từ đó, góp phần phát huy tinh thần đoàn kết và hỗ trợ cùng nhau phát triển, giảm nghèo bền vững.
Theo anh Bùi Hồng Đạt - Bí thư Đoàn xã Tu Tra, anh Nguyễn Hữu Nghĩa là một tấm gương sáng của thanh niên xã nhà cần noi theo. Vừa là Bí thư chi đoàn thôn năng động, nhiệt tình trong các phong trào xã hội, là thành viên tích cực của tổ dân phòng tự quản đảm bảo an ninh trật tự, tuần tra vào ban đêm ở cơ sở, anh Nghĩa còn chăm chỉ lao động, sản xuất làm kinh tế giỏi.
Để triển khai tốt việc đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, Bí thư Đoàn xã Tu Tra cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các nguồn vốn vay sản xuất, kinh doanh; đặc biệt, là nguồn vốn vay ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Tính đến nay, vốn vay ủy thác do Đoàn quản lý là hơn 6,74 tỷ đồng.
Cùng với đó, tuyên truyền triển khai cho đoàn viên, thanh niên tham gia đối thoại với lãnh đạo UBND huyện do Ban Thường vụ Huyện Đoàn và UBND huyện phối hợp thực hiện để có những giải pháp tháo gỡ những vấn đề mà thanh niên trên địa bàn đang quan tâm như: chuyển đổi số trong thanh toán; hỗ trợ việc làm, định hướng nghề nghiệp, chính sách hậu phương quân đội để thanh niên phát triển kinh tế; các vấn đề vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên; việc hỗ trợ vốn vay cho giáo viên trẻ... các vấn đề về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Ngoài ra, phối hợp làm tốt công tác hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh niên; qua đó, huy động các nguồn lực hỗ trợ thanh niên trong tìm việc và lập nghiệp. Phối hợp với các ngành liên quan tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho thanh niên nông thôn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
HƯƠNG LY
Nguồn Lâm Đồng : https://baolamdong.vn/ban-tre/202411/khoi-nghiep-tu-suc-tre-fbb2502/