Khởi nghiệp từ xưởng may gia công

Khởi nghiệp từ xưởng may gia công
3 giờ trướcBài gốc
Như nhiều bạn trẻ khác, tốt nghiệp THPT, Quỳnh Hoa xin vào làm việc tại Công ty TNHH Một thành viên Vietpan Pacific Word (Hiệp Hòa). Trau dồi kinh nghiệm qua nhiều vị trí nên những công việc, yêu cầu kỹ thuật của ngành may chị đều nắm rõ. Sau 3 năm, tay nghề vững vàng, được sự ủng hộ của gia đình, năm 2018, chị Quỳnh Hoa về quê mở một xưởng may. Ban đầu, xưởng chỉ có 8 máy may, chủ yếu là những chị em trong thôn nhận hàng của các công ty về gia công chi tiết may, hoàn thiện, đóng gói và trả hàng.
Chia sẻ về quyết định khởi nghiệp, chị Quỳnh Hoa chia sẻ: “Ban đầu, tôi gặp không ít khó khăn về nhân công, máy móc, nguồn hàng nhưng sau đó mọi thứ nhanh chóng được giải quyết. Để duy trì các đơn hàng, tôi trực tiếp theo dõi sản phẩm, tay nghề công nhân, bảo đảm chất lượng hàng hóa, tiến độ giao hàng”. Lâu dần, hoạt động của xưởng đi vào nền nếp và mang lại thu nhập đáng kể.
Chị Giang Quỳnh Hoa (người đứng) luôn sát sao công việc, bảo đảm chất lượng và tiến độ giao hàng.
Sự cẩn thận trong từng sản phẩm đã giúp xưởng may của chị Quỳnh Hoa được bạn hàng tin tưởng. Để công việc kinh doanh phát triển hơn, năm 2021, chị bàn với em trai Giang Văn Tân (SN 2001) vay vốn mở rộng sản xuất. Từ xưởng may nhỏ ở trong thôn, chị đã xây dựng xưởng ra khu đất mới của gia đình với diện tích gần 300 m2. Cùng đó, đầu tư mua máy may, máy cắt, máy vắt sổ... để hoàn thiện dây chuyền sản xuất. Quy mô mở rộng hơn, hai chị em quyết định thành lập Công ty TNHH Đức Bảo. Theo đó, chị gái lo việc chuyên môn còn em trai quản lý hành chính, tài chính. Công ty chuyên gia công sản phẩm may mặc cho một số đơn vị ở các tỉnh, TP lân cận như: Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên.
Thời điểm doanh nghiệp mới thành lập ở xã Thanh Vân có nhiều lao động đi làm ăn xa trở về quê do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bởi vậy, công ty của Quỳnh Hoa đã nhanh chóng tuyển dụng được một số công nhân có tay nghề. Đối với những người chưa biết sẽ được đào tạo và hỗ trợ lương cơ bản. Hiện nay, tại đây luôn có từ 20 - 30 công nhân làm việc thường xuyên, mức lương trung bình 7 - 9 triệu đồng/người/tháng. Chị Nguyễn Thị Thơ (SN 1985) ở thôn Thanh Vòng đã có 4 năm làm việc ở đây cho biết: “Tuy thu nhập không cao bằng các tỉnh ngoài song làm việc ở đây khá thuận lợi vì gần nhà, tôi không phải trả tiền thuê trọ, có thời gian chăm sóc các con và tăng gia sản xuất để cải thiện thu nhập”.
Theo lãnh đạo UBND xã Thanh Vân, doanh nghiệp của chị Quỳnh Hoa đã góp phần tích cực tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương. Ngoài công việc tại xưởng, chị cũng thường xuyên tham gia các hoạt động, phong trào do xã phát động. Chị Quỳnh Hoa và em trai là tấm gương tiêu biểu về thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn xã.
Bài, ảnh: Khôi Nguyên
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/khoi-nghiep-tu-xuong-may-gia-cong-173252.bbg