Mối bận tâm lớn của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2024 và cả 2025 là áp lực bán ròng từ khối ngoại. Mức bán ròng kỷ lục hơn 94 nghìn tỉ năm ngoái đã khiến VNIndex không thể vượt qua mốc 1.300 điểm dù dòng tiền nội đã tham gia mạnh mẽ và hấp thụ tốt lượng cung này.
Thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) cho thấy trong quý đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài dành hơn 95.472 tỉ đồng để mua cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, ETF và chứng quyền trong năm 2024. Ở chiều ngược lại, họ bán ra hơn 121.410 tỉ đồng.
Như vậy trong 3 tháng đầu năm, khối ngoại bán ròng khoảng 25.938 tỉ đồng. Nếu chỉ tính các quý đầu năm, đây là mức cao nhất trong 25 năm qua kể từ khi TTCK thành lập. Còn khi tính chung, mức bán ròng chỉ kém quý 2.2024. Trong quý đầu tiên, FPT là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng lớn nhất.
Đáng chú ý, Việt Nam hiện đang nỗ lực để nâng hạng thị TTCK và đã đạt được nhiều tiến triển đáng kể. Trong giai đoạn chuẩn bị nâng hạng, các nhà đầu tư nước ngoài thường đổ ròng vào thị trường. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài lại bán ròng khá mạnh.
Khối ngoại bán ròng liên tục trong quý 1/2025
Theo báo cáo của SGI Capital, thị trường luôn đồng thuận về sự hấp dẫn của TTCK Việt Nam cũng như khả năng sớm thăng hạng sẽ thu hút dòng vốn ngoại, nhưng thực tế đang diễn ra trái ngược. Việt Nam là thị trường bị bán ròng mạnh 4/5 năm gần đây với tỷ lệ bán lớn bậc nhất khu vực nếu tính trên vốn hóa hay tổng giá trị nhà đầu tư ngoại đang nắm giữ.
Công bằng mà nói, định giá thị trường Việt Nam không hấp dẫn hơn nhiều so với các thị trường khác dù phần lớn vốn hóa thuộc nhóm có rủi ro chu kỳ cao như ngân hàng, tài chính và bất động sản. Bởi vậy, kỳ vọng dòng vốn ngoại quay lại mua ròng trong 2025 sẽ khó khả thi nếu định giá chưa đủ rẻ và rủi ro tỷ giá vẫn hiện hữu.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, TS Phan Phương Nam, Đại học Luật TP.HCM cho rằng nguyên nhân đầu tiên là sự chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và các nền kinh tế phát triển, đặc biệt là Mỹ.
"Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì lãi suất cao hoặc hạ lãi suất chậm hơn dự kiến đã khiến cho dòng vốn có xu hướng chảy ngược về các thị trường an toàn hơn như Mỹ, thay vì các thị trường cận biên và mới nổi như Việt Nam", ông Nam nêu.
Tiếp theo, những bất ổn tiềm tàng từ nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng góp phần làm gia tăng tâm lý thận trọng.
“Chính điều này đã khiến cho nhiều quỹ đầu tư quốc tế co cụm, giảm phân bổ vốn vào các thị trường cận biên, mới nổi – nơi vốn được xem là nhạy cảm với biến động địa chính trị. Việc bị rút tiền từ nguyên này này không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà tình trạng tương tự cũng xảy ra ở TTCK Thái Lan, Indonesia hay Philippines”, ông Nam nói.
Cũng theo ông Nam, tỷ suất sinh lời từ hoạt động đầu tư tại TTCK Việt Nam chưa hấp dẫn như một số thị trường phát triển (DowJones, Nasdaq), cùng với đó giá đồng USD mạnh hơn cũng khiến các tổ chức này phải chịu thêm phần bù chi phí. Điều này khiến nhiều quỹ đầu tư đã chuyển hướng đầu tư sang những thị trường mà tỷ suất sinh lời cao hơn.
Lý giải về việc cổ phiếu công nghệ bị bán khá nhiều, ông Nam cho rằng đây là hoạt động bình thường. Việc bán này bản chất là chốt lời khi mà nhà đầu tư đã đạt được lời nhuận kỳ vọng. Ngoài ra, đây cũng có thể xem là một trong các dấu hiện tạo đỉnh của chứng khoán công nghệ.
TS Phan Phương Nam, Đại học Luật TP.HCM
Ông Nam cho hay trước diễn biến về thuế quan của Mỹ, khả năng cao sẽ làm cho khối ngoại có tiếp tục bán ròng ít nhất trong ngắn hạn (từ tháng 4 đến khoảng quý 3.2025).
“Lý do là tâm lý tiêu cực từ thuế quan, vì mức thuế cao sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Mỹ - nơi chiếm khoảng 28% kim ngạch xuất khẩu; áp lực tỷ giá gia tăng, đồng Việt Nam mất giá khiến tài sản định giá bằng kém hấp dẫn với khối ngoại, vốn đầu tư bằng USD”, ông Nam nêu.
Ngoài ra, TS Nam cho rằng rằng với chính sách bảo hộ của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump, dòng vốn có xu hướng rút khỏi các thị trường mới nổi để quay về các thị trường phát triển hơn.
Tuy nhiên, ông Nam cũng nhìn nhận, xu hướng bán ròng có thể giảm dần hoặc đảo ngược vào cuối năm 2025 nếu Việt Nam đàm phán thành công với Mỹ để giảm mức thuế hoặc được miễn trừ cho một số mặt hàng chiến lược.
Ngoài ra, việc nâng hạng thị trường được thực hiện thành công cũng sẽ giảm được bán ròng. Bởi lẽ nếu Việt Nam được FTSE Russell xem xét nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi vào tháng 9.2025 thì có thể thu hút dòng vốn bị động (500 triệu - 1 tỉ USD) và vốn chủ động, giảm áp lực bán ròng.
Chia sẻ tại cuộc họp báo của Bộ Tài chính mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài luôn có sự thay đổi - "lúc rút ra, lúc đưa tiền vào". Riêng trong quý 1, dòng vốn biến động mạnh hơn bình thường, do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, bao gồm chiến lược đầu tư, chính sách quỹ và tâm lý thị trường.
"Chúng ta đã đáp ứng được các tiêu chí pháp lý, đảm bảo tính minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, việc xếp hạng còn phụ thuộc vào đánh giá chủ quan từ các tổ chức quốc tế. Mục tiêu cuối cùng là phát triển TTCK Việt Nam theo hướng thực chất, ổn định và bền vững. Khi đạt đến chất lượng đó, việc nâng hạng sẽ là bước chuyển tất yếu", ông Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Lam Thanh