Giao dịch sàn HoSE phiên 14/1.
VN-Index đóng cửa phiên 14/1 ở mốc 1.229,07 điểm, giảm 6,5 điểm so với kết phiên trước. HNX-Index giảm 1,35 điểm còn UPCoM giảm 0,1 điểm. Thanh khoản lại về mức cực thấp với hơn 8.500 tỷ đồng giao dịch trên kênh khớp lệnh. Trong đó, khối ngoại chiếm hơn 2.000 tỷ đồng và bán ròng hơn 630 tỷ đồng trên sàn HoSE.
FPT bị bán ròng mạnh nhất 189 tỷ đồng, kế đến là VPB 59 tỷ đồng, MSN 43 tỷ đồng; MWG, SSI hơn 30 tỷ đồng; VHM, GMD hơn 20 tỷ đồng… Chiều ngược lại, VGC được mua ròng mạnh nhất với giá trị 29 tỷ đồng. FRT cũng được mua ròng hơn 18 tỷ đồng; còn lại khối ngoại chỉ mua ròng vài tỷ đồng ở một số mã như KBC, GAS, SAB, VIB…
Khối ngoại đẩy mạnh rút ròng trên thị trường chứng khoán trong bối cảnh chỉ số Dollar Index (DXY) đo lường sức mạnh đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt gần đây tăng mạnh. Từ ngày 3/1/2025, DXY vượt trên 109 điểm, đồng USD đạt mức cao nhất trong 2 năm qua khi kỳ vọng tăng trưởng kinh tế Mỹ vượt trội và lãi suất được nước này duy trì ở mức cao.
VN30 giảm mạnh hơn, mất hơn 9 điểm và lùi về mốc 1.289,23 điểm, cho thấy áp lực bán lớn hơn nhắm vào nhóm cổ phiếu lớn. Đa số các mã trong nhóm đều giảm giá, dẫn đầu là VRE -3,6%, HDB -2,5%, MSN -2%, CTG -2%, FPT -1,7%, POW -1,3%, GVR -1,3%... Trong đó, HDB và MSN là hai mã “rơi” mạnh thời gian qua.
HDB của HDBank kết phiên ở mức giá 21.150 đồng/cp, giảm gần 20% so với mức đỉnh xác lập hồi cuối tháng 12/2024. MSN của Masan kết phiên ở mức giá 63.700 đồng/cp – thấp nhất kể từ tháng 12/2023 và giảm 20% so với hồi đầu tháng 10/2024.
Chiều tăng trong VN30 có BVH +2,6%, PLX +2,2%; BCM, GAS, SAB, STB, VNM giảm nhẹ. TPB, VHM, VIB đứng tham chiếu.
Các nhóm ngành đều chìm trong sắc đỏ. Nhóm ngân hàng ghi nhận HDB và CTG giảm mạnh nhất, còn lại chủ yếu giảm nhẹ hoặc đứng tham chiếu. Chiều tăng có VAB +2,3%; KLB, LPB, SGB, STB tăng nhẹ.
Nhóm chứng khoán sau phiên hồi phục hôm qua lại quay đầu. VND giảm 2,6%, lùi về giá 11.250 đồng/cp. Đây cũng là một trong những mà bị dòng tiền “ghẻ lạnh” thời gian qua. Từ đầu tháng 11/2024 đến nay, cổ phiếu của VNDirect liên tục đi xuống với mức giảm hơn 26%.
Đa số các mã chứng khoán khác cũng ở chiều giảm, như APG -4%, BSI 2,1%, BVS -2%, FTS -1,4%, SHS -1,8%, TVB -2,1%, VDS -1,4%, SSI -0,8%, VIX -0,9%, HCM -0,9%... Đi ngược xu hướng chung là HAC tăng trần, HBS +7,6%, SBS +4,4%. Ngoài ra còn có TCI, VFS, ORS, MBS, BMS cũng tăng nhẹ.
Tại nhóm bất động sản, NVL tiếp tục giảm sâu 5,7%, lùi về giá 8.950 đồng/cp – thấp nhất trong lịch sử niêm yết. Trong ba phiên gần đây, cổ phiếu của Novaland liên tục “thủng đáy”, vốn hóa doanh nghiệp hiện chỉ còn gần 17.500 tỷ đồng.
Trong nhóm bất động sản còn ghi nhận VRE cũng “thủng đáy”, giảm sâu 3,6% và lùi về giá 16.100 đồng/cp; BCG của Bamboo Capital giảm 3,7% lùi về giá 5.700 đồng/cp – thấp nhất kể từ tháng 3/2023.
Các mã giảm đáng kể khác là CEO -1,7%, DXG -1,7%, TCH -1,8%, PDR -1,9%, QCG -6,5%, SCR -1,5%, DXS -4%, NTL -1,8%; VIC, DIG, VPI, KDH, IDC, SIP, NLG, SZC… giảm nhẹ. Ngược lại, SJS duy trì đà tăng tốt, tăng hơn 5% lên giá 92.500 đồng/cp – gần sát vùng đỉnh. KBC cũng tăng 2,5%, ngoài ra còn có BCM, AGG, DTD, IJC, TDC… tăng nhẹ.
Tại các nhóm ngành khác, một số cổ phiếu giảm mạnh là HVN -2,9%, GMD -2,9%, BMP -3,1%, YEG -5,1%, NKG -2,2%...
Phạm Ngọc