Cán bộ xã Hồng Ca tuyên truyền, vận động đồng bào Mông duy trì và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới.
>>
Từ định hướng đẩy mạnh Phong trào thi đua "Dân vận khéo” (DVK) gắn với tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị phát động, các mô hình, điển hình DVK trên địa bàn huyện Trấn Yên đã tập trung giải quyết những việc khó, việc mới, những nhiệm vụ cần phát huy sức mạnh và sự vào cuộc của toàn dân.
Trấn Yên đã chú trọng xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, thúc đẩy khởi nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế nông - lâm nghiệp theo chuỗi giá trị; phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường; du lịch xanh, bản sắc... trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương theo hướng "Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. "Khéo” trong vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, hiến đất làm đường, công trình phúc lợi... "Khéo” vận động các cá nhân, tổ chức tham gia xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh...
Ở lĩnh vực kinh tế, mỗi mô hình, điển hình DVK đã góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tác động rõ rệt, tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 103 mô hình ở lĩnh vực này không chỉ góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân mà còn tạo ra sự gắn kết trong cộng đồng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Có thể kể đến mô hình phát triển sản xuất gắn với nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm miến dong của Hợp tác xã (HTX) Miến dong Quy Mông. HTX hiện đã phát triển được 4 cơ sở sản xuất miến có thương hiệu, uy tín với sản lượng khoảng 100 tấn/năm, trị giá khoảng 6 tỷ đồng. Hay như mô hình vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang sản xuất chè theo hướng hữu cơ của HTX Chè Khe Năm, xã Hưng Khánh. Sản lượng chè búp khô trong năm qua của HTX đạt trên 1 tấn, trị giá gần 500 triệu đồng. Với gần 80 thành viên tham gia, HTX Chè Khe Năm đã phát triển được một số sản phẩm chủ lực là Chè xanh Hưng Khánh đạt OCOP 3 sao, Chè Bát tiên Hưng Khánh đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao và tiên phong mở hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ ở địa phương.
Từ thực tế công tác dân vận ở Trấn Yên, không khó để nhận ra, DVK thực sự đã đi vào những vấn đề rất thực chất, thiết thân của cuộc sống người dân chứ không chỉ dừng lại ở hình thức. Chính điều này đã làm nên sức mạnh lan tỏa và hiệu quả bền vững của công tác dân vận. Mô hình vận động hội viên nông dân tích cực tham gia xây dựng "Chi hội hạnh phúc” của Chi hội Nông dân thôn Quyết Tiến, xã Y Can là một điển hình. Chi hội đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng năng suất cho cây trồng, vật nuôi.
Thu nhập bình quân đầu người của hội viên năm 2024 đạt gần 56 triệu đồng; 98% số gia đình hội viên đạt "Gia đình văn hóa”; Chi hội đã giúp đỡ được 1 hộ trong thôn thoát nghèo. Đó còn là mô hình truyền lửa cho thế hệ trẻ trong giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Dao của cán bộ và nhân dân thôn Khe Đát, xã Tân Đồng.
Từ tâm huyết của đội ngũ cán bộ và người có uy tín trong thôn đã thành lập được Câu lạc bộ Hát giao duyên và thêu dệt khăn yếm; mở các lớp dạy nói, dạy hát tiếng Dao cho trẻ; vận động các gia đình sinh hoạt ở nhà sàn, mặc trang phục truyền thống của dân tộc Dao trong các dịp lễ, tết... Đó cũng là nỗ lực DVK trong xây dựng nông thôn mới ở vùng đồng bào Mông xã Mồng Ca.
Chia sẻ về những thành công trong công tác dân vận ở địa phương, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Hồng Ca Tráng A Sai khẳng định: "Phong trào DVK đã thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Minh chứng rõ nhất, điển hình nhất chính là thành công của công cuộc xây dựng nông thôn mới. Từ một xã nghèo, đặc biệt khó khăn, Hồng Ca sớm cán đích xã nông thôn mới của huyện Trấn Yên từ năm 2019. Thành quả này có đóng góp rất quan trọng của công tác dân vận”.
Tiếp nối thành quả của công tác dân vận, năm 2025, mỗi xã, thị trấn trên địa bàn huyện Trấn Yên đặt mục tiêu có ít nhất từ 10 mô hình DVK trở lên hoạt động có hiệu quả; duy trì 100% xã, thị trấn xây dựng các mô hình DVK trong vùng đồng bào có tôn giáo... tạo nền tảng vững chắc phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững, đặc biệt ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Minh Thúy