Khôi phục sản xuất, xử lý những vấn đề đặt ra sau bão số 3

Khôi phục sản xuất, xử lý những vấn đề đặt ra sau bão số 3
3 giờ trướcBài gốc
Ươm lại những mầm xanh
So với các địa phương trong tỉnh, huyện Lục Ngạn bị thiệt hại nặng nhất về cây ăn quả do bão với khoảng 5 nghìn ha, trong đó chủ yếu là cam, bưởi, vải thiều, táo. Sau khi bão tan, lũ rút, cùng với thống kê thiệt hại, địa phương đã chỉ đạo quyết liệt các biện pháp khôi phục sản xuất để nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân.
Tu bổ, cải tạo nâng cấp đê tả Thương, đoạn qua xã Xuân Hương (Lạng Giang) để bảo đảm an toàn, tăng năng lực chống lũ.
Tại xã Phì Điền - "thủ phủ" táo của huyện, những chồi non bắt đầu vươn lên trong nắng, bà con đang tất bật chăm sóc vườn tược với hy vọng vớt vát được chút nào hay chút đó. Bão số 3 đã khiến toàn bộ 200 ha táo trong xã đang ra quả non bị rụng hết. Bà Bùi Thị Lệ, thôn Mai Tô trồng 6 sào táo được 8 năm tuổi. Gốc cây nào cũng to, chắc chắn, mỗi năm thu về hàng chục triệu đồng. Được cảnh báo về bão, bà đã chằng buộc các cành nhánh cẩn thận nhưng vẫn không thể chống chọi lại sức gió quá lớn. “Với táo, lứa hoa đầu quyết định năng suất nên hỏng lứa này coi như mất mùa. Mưa tạnh, nắng ráo, tôi dọn vườn, bón phân cho táo. Hiện cây đã ra hoa lứa hai, đậu quả nhỏ, hy vọng vẫn được giá lúc thu hoạch. Hơn nữa, chăm sóc lúc này cũng là giúp cây thêm lực, tăng năng suất trong năm sau” - bà Lệ chia sẻ.
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và PTNT, cơ bản khoảng 1,7 nghìn ha táo của huyện không thể cho thu hoạch trong năm 2024. Ngoài ra, nhiều diện tích cam, bưởi ngập nước, mưa nhiều bị rụng quả, giảm năng suất. Ông Lưu Anh Đức, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Đặc thù của táo là sau khi thu hoạch quả mới đốn hạ cành, để lại gốc rồi chồi mầm cho vụ sau nên hiện chúng tôi vẫn khuyến cáo bà con chăm sóc gốc, cành, có thể đón lứa hoa sau dù quả nhỏ”.
Ngoài táo, các loại cây ăn quả khác cũng được người dân chăm sóc, khắc phục sau bão. Tại thôn Trại Ba, xã Quý Sơn, bà con đang xới xáo mặt luống cây có múi, tưới nước kích rễ; phun bổ sung phân bón qua lá cho cây đang nuôi quả; đồng thời phòng trừ một số đối tượng sâu bệnh như: Sâu vẽ bùa, nấm…
Cùng với cây ăn quả, việc khôi phục rau màu, cây lâm nghiệp, chăn nuôi cũng đang được khẩn trương thực hiện trong toàn tỉnh. Những thửa ruộng "sáng lúa, chiều màu" ngày một tăng. Đây cũng là một trong những giải pháp tăng diện tích cây vụ đông so với dự kiến của tỉnh để bù đắp một phần thiệt hại về sản xuất nông nghiệp do bão lũ. Đồng thời tiếp nhận, đề xuất hỗ trợ giống, phân bón từ các nguồn để người dân tái sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, bảo đảm thực phẩm phục vụ thị trường những tháng cuối năm.
Tiếp tục hoàn thiện kịch bản ứng phó với thiên tai
Bão số 3 gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến kinh tế. Chỉ một cơn bão đã gây thiệt hại khoảng 1/3 thu ngân sách của tỉnh trong một năm. Theo Cục Thống kê, ảnh hưởng của bão số 3 sẽ làm giảm tăng trưởng khu vực nông nghiệp khoảng 6% những tháng cuối năm, do đó khó đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm của tỉnh nên một trong những giải pháp quan trọng cần làm ngay sau bão là khôi phục sản xuất nông nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 9, đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần huy động các nguồn lực hợp pháp gia cố ngay các đoạn đê, kè xung yếu, hồ, đập bị hư hại; lập kế hoạch xây dựng lại, sửa chữa, nâng cấp, xây mới những công trình hư hỏng; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chương trình, kế hoạch, kịch bản phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, các dự án bố trí dân cư thiên tai cấp bách trên địa bàn tỉnh lồng ghép trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của từng địa phương, ngành, lĩnh vực.
Hiện các địa phương đang chủ động, tích cực huy động tối đa các nguồn lực để hỗ trợ cho các đối tượng bị thiệt hại. Cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi, bảo đảm chuỗi cung ứng giống cây trồng, vật nuôi khắc phục hậu quả bão, lũ. Được biết, tỉnh vừa phân bổ 7,9 tấn ngô giống từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho các huyện Lục Ngạn, Lạng Giang, Yên Thế và thị xã Việt Yên khắc phục thiệt hại sản xuất do bão số 3. Trước đó, hưởng ứng kêu gọi ủng hộ của Bộ Nông nghiệp và PTNT, nhiều doanh nghiệp đã hỗ trợ hàng trăm tấn phân bón, hạt rau giống, thóc giống cho người dân trong tỉnh.
Trong giai đoạn khó khăn này, hàng loạt hoạt động chăm lo, hỗ trợ ổn định đời sống người dân được thực hiện. Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp chú trọng hỗ trợ sinh kế theo phương châm "trao cần câu", không "trao con cá” để người được giúp đỡ có ý chí thoát nghèo, chủ động vươn lên trong cuộc sống. Đối với nguồn hỗ trợ thông qua Ủy ban MTTQ các cấp được phân bổ bảo đảm kịp thời, đúng quy định, đối tượng.
Sau bão, còn rất nhiều việc cần phải tập trung triển khai thực hiện. Cùng với khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân cần quan tâm củng cố hệ thống đê điều, thủy lợi; khắc phục, sửa chữa ngay những hạng mục hư hỏng trên các tuyến đường. Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) cho biết, đối với quốc lộ, Bộ GTVT đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để khắc phục hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông trên tuyến quốc lộ 31 và 279 do bão số 3 và mưa, lũ sau bão gây ra tại tỉnh Bắc Giang.
Đối với đường tỉnh, dự kiến sẽ triển khai thực hiện theo 2 dự án (dự án sửa chữa khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm giao thông trên các tuyến đường tỉnh; dự án xây dựng khẩn cấp cầu Tà Kang (thay thế ngầm Tà Kang đã bị lũ cuốn trôi) trên tuyến đường tỉnh 248, huyện Lục Ngạn. Về lâu dài, Sở rà soát các vị trí xung yếu, công trình cầu, ngầm, cống, các đoạn tuyến thường xuyên bị ngập hoặc có nguy cơ sạt trượt cao để tham mưu, đề xuất giải pháp xử lý, cải tạo, sửa chữa, giảm thiểu thiệt hại; đồng thời xem xét, tính toán kỹ các phương án thiết kế khi thẩm định dự án, thiết kế các công trình...
Một điều đáng lo ngại nữa là, dù bão đã qua đi nhưng nguy cơ sạt lở đất ở các huyện miền núi vẫn còn tiềm ẩn. Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 9, đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần huy động các nguồn lực hợp pháp gia cố ngay các đoạn đê, kè xung yếu, hồ, đập bị hư hại; lập kế hoạch xây dựng lại, sửa chữa, nâng cấp, xây mới những công trình hư hỏng, bảo đảm năng lực phòng, chống, ứng phó với tình huống thiên tai; đặc biệt lưu ý đến khu vực sạt lở, nguy cơ sạt lở để có hướng xử lý kịp thời; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chương trình, kế hoạch, kịch bản phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, các dự án bố trí dân cư thiên tai cấp bách trên địa bàn tỉnh lồng ghép trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của từng địa phương, ngành, lĩnh vực.
Ông Nguyễn Thanh Luân, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh:
Rà soát cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi suất vay cho khách hàng
Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam về triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, NHNN tỉnh đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn khẩn trương rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn. Các ngân hàng đã tiếp cận các hộ kinh doanh, doanh nghiệp vay vốn; phối hợp cùng chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội đánh giá, nắm bắt thiệt hại của khách hàng, từ có có phương án hỗ trợ; đặc biệt quan tâm những khoản vay đến hạn nhưng khách hàng không có khả năng trả nợ để cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay hoặc lập hồ sơ khoanh nợ.
Qua tổng hợp cho thấy, toàn tỉnh có khoảng 35 nghìn khách hàng bị thiệt hại do bão với dư nợ hơn 5,7 nghìn tỷ đồng. Đến ngày 30/9, nhiều khách hàng đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ hơn 3 tỷ đồng; miễn giảm lãi vay cho 735 khách hàng (dư nợ 325,8 tỷ đồng) với mức lãi suất giảm từ 0,5% - không quá 2%. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tổ chức 78 phiên giao dịch tại xã ngay sau bão, đáp ứng kịp thời vốn vay cho 706 khách hàng để khôi phục sản xuất kinh doanh với tổng số tiền gần 40 tỷ đồng; đồng thời thực hiện chưa thu lãi đến hết 31/12/2024 đối với khách hàng bị ảnh hưởng do bão số 3.
Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT:
Tập trung hướng dẫn chăm sóc cây trồng, vật nuôi
Để khắc phục thiệt hại do mưa bão, Sở đang tập trung hướng dẫn người dân khôi phục sản xuất. Trong đó, quan tâm thu hoạch lúa mùa, gieo trồng mở rộng cây vụ đông; tiêu độc khử trùng tái đàn vật nuôi, thủy sản; khôi phục sản xuất lâm nghiệp, mời gọi doanh nghiệp đến thu mua gỗ để hỗ trợ giảm thiệt hại cho người dân. Đối với trồng trọt, khuyến cáo các địa phương thu hoạch nhanh, lúa, rau màu đã đến thời kỳ thu hoạch, giải phóng đất sản xuất vụ đông; khuyến khích người dân mở rộng diện tích cây vụ đông để bù cho diện tích vụ mùa bị ảnh hưởng.
Đối với cây ăn quả có thể khôi phục thì tỉa cành, vệ sinh vườn, bón phân hữu cơ, vi sinh, phòng trừ sâu bệnh hại; cây bị đổ, gãy, chết không thể phục hồi cần chặt bỏ, chuẩn bị các điều kiện để trồng mới. Trên đàn vật nuôi, việc xử lý xác động vật chết, dựng lại lán trại đã hoàn tất, người dân đang sát trùng chuồng trại, bảo đảm an toàn dịch bệnh trước khi tái đàn; tăng cường vào đàn mới tại khu vực không bị ảnh hưởng. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, Sở hướng dẫn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện các thủ tục khai thác, tận dụng, tận thu gỗ rừng trồng thiệt hại, dựng, níu cây nghiêng, đổ, lèn chặt gốc để cây rừng tiếp tục sinh trưởng.
Khánh Vân
Bài, ảnh: Trường Sơn
Nguồn Bắc Giang : http://baobacgiang.vn/khoi-phuc-san-xuat-xu-ly-nhung-van-de-dat-ra-sau-bao-so-3-151154.bbg