Khởi sắc bản làng

Khởi sắc bản làng
20 giờ trướcBài gốc
Nhờ những chính sách của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, nhiều xã, thôn, bản thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) của tỉnh từng bước khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đến các địa phương hiệu quả.
Trang trại nuôi chim bồ câu Pháp của gia đình anh Nguyễn Văn Tùng, thôn Cầu Dưới, xã Quang Sơn (Lập Thạch) đem lại doanh thu khoảng 3 tỷ đồng/năm.
Đến nay, sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản vùng đồng bào DTTS&MN đã phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, điển hình như vùng trồng cây dược liệu ở xã Tam Quan (Tam Đảo); mô hình tổ liên kết trồng rau su su tại thôn Làng Hà, xã Hồ Sơn (Tam Đảo); mô hình tổ liên kết trồng na dai tại xã Bồ Lý (Tam Đảo)…
Các điểm du lịch sinh thái kết hợp với văn hóa truyền thống đã và đang thu hút khách du lịch đến tham quan như Khu du lịch hồ Đại Lải, xã Ngọc Thanh (Phúc Yên), Vườn Quốc gia Tam Đảo, du lịch sinh thái gắn với di tích lịch sử tại Khu di tích lịch sử và danh thắng Tây Thiên (Tam Đảo)...
Giai đoạn 2022 - 2025, thực hiện lồng ghép với nội dung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu của Chương trình xây dựng nông thôn mới và Đề án xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh, có 11 xã, thị trấn vùng đồng bào DTTS&MN được phê duyệt đầu tư 65 công trình hạ tầng với tổng kinh phí đầu tư hơn 300 tỷ đồng.
Nhờ đó, các công trình giao thông, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhà văn hóa truyền thống, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học... được đầu tư sửa chữa, xây mới, phục vụ tích cực cho phát triển KT-XH, phục vụ dân sinh, làm thay đổi diện mạo nông thôn vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh đạt 61,2 triệu đồng/năm, tăng 1,2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều mới hằng năm giảm còn 0,98%, đặc biệt từ năm 2016, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp đạt 100%...
Những kết quả trên đã góp phần thay đổi diện mạo vùng đồng bào DTTS&MN của tỉnh, đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng các dân tộc nơi đây không ngừng được nâng cao.
Gia đình anh Triệu Văn Cường, xã Đạo Trù (Tam Đảo) là hộ tiêu biểu vươn lên phát triển kinh tế từ trồng và thu mua cây dược liệu từ nhiều năm nay cho biết: “Nhờ đánh thức được tiềm năng phát triển của chính đồng đất, núi rừng quê hương, gia đình tôi cũng như nhiều hộ dân trên địa bàn đã vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu từ trồng cây dược liệu.
Bên cạnh 2ha trồng cây dược liệu của gia đình, tôi còn thu mua, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nhiều hộ dân trong vùng. Sau khi trừ các khoản chi phí, bình quân mỗi năm lãi từ 120 - 150 triệu đồng”.
Không có được vị trí địa lý thuận lợi trong phát triển KT-XH nhưng từ nhiều năm nay, người dân xã Nhân Đạo (Sông Lô) mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng khấm khá, đủ đầy; xuất hiện nhiều mô hình tiên phong phát triển kinh tế, đem lại hiệu quả cao.
Điển hình như gia đình anh Lương Minh Sáng, thôn Hồng Sinh phát triển mô hình nuôi thả gà thịt với quy mô 2.000 con từ năm 2016, đến nay gia đình anh Sáng đã mở rộng diện tích chăn nuôi lên 11.000m2 với quy mô 1,2 vạn con.
Với quy trình chăn nuôi theo hướng VietGAP, 1 năm xuất bán 3 lứa và cung cấp 100 tấn thức ăn chăn nuôi/tháng cho các hộ dân chăn nuôi xung quanh vùng, gia đình anh đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Dự kiến Tết Nguyên đán năm nay, gia đình anh Lương Minh Sáng, thôn Hồng Sinh, xã Nhân Đạo (Sông Lô) thu về 200 triệu đồng từ xuất bán gà thịt.
Anh Sáng phấn khởi cho biết: “Sau khi được tham gia các lớp tập huấn về kiến thức chăn nuôi, trồng trọt do chính quyền địa phương phối hợp với các ngành liên quan tổ chức, cộng thêm tìm hiểu thông tin qua sách, báo, tôi đã mạnh dạn phát triển mô hình chăn nuôi gà thịt. Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm nay, gia đình tôi xuất bán 5.000 con, với giá dự kiến tương đương năm ngoái, đem về thu nhập 200 triệu đồng”.
Phấn đấu đến hết năm 2029, thu nhập bình quân đầu người/năm vùng đồng bào DSTTS&MN của tỉnh tăng 2 lần so với thời điểm hiện nay… các cấp chính quyền trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao ý thức tự vươn lên, giảm nghèo, phát triển KT-XH.
Huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại; đảm bảo tốt nhu cầu cấp điện, cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân…
Bài, ảnh: Ngọc Lan
Nguồn Vĩnh Phúc : https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/121767//khoi-sac-ban-lang