Dấu ấn lịch sử
Xã Đăk Tơ Pang hiện có 484 hộ với 1.800 khẩu, trong đó, người Bahnar chiếm trên 90%. Mảnh đất này đã chứng kiến không ít hy sinh xương máu của các thế hệ đi trước để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Nói về quá khứ hào hùng trong những năm tháng tham gia kháng chiến của người dân trong xã, cựu chiến binh Đinh Văn Bưk (làng Đak Hway) không giấu được niềm tự hào.
Ông kể: “Đăk Tơ Pang là vùng căn cứ cách mạng của tỉnh. Thời kỳ chống Mỹ, tôi tham gia bộ đội địa phương, thuộc đơn vị C1. Ngày ấy, đàn ông lên đường tham gia kháng chiến, phụ nữ ở nhà tăng gia sản xuất để có lương thực, thực phẩm tiếp tế cho bộ đội. Biết bao gian khổ, hy sinh mới có được Đăk Tơ Pang như hôm nay”.
Diện mạo xã Đăk Tơ Pang ngày càng khởi sắc. Ảnh: H.S
Còn ông Đinh Văn Khép (cùng làng) thì cho hay: Thời chiến tranh, đây là vùng căn cứ cách mạng của tỉnh. Không ít thanh niên trong làng đã xung phong đi bộ đội. Thời đó, bà con dân làng vừa tham gia tải lương, đạn dược vừa tiếp tế thực phẩm cho bộ đội chủ lực. “Ngày ấy, dù thường xuyên thiếu đói lúc giáp hạt nhưng bà con sẵn lòng mang gạo ra rừng tiếp tế cho bộ đội, cán bộ hoạt động cách mạng và du kích địa phương”-ông Khép tâm sự.
Theo ông Khương Đình Huy-Chủ tịch UBND xã: Toàn xã có 24 liệt sĩ, 35 người có công với cách mạng, 17 thương-bệnh binh, 50 cựu chiến binh tham gia kháng chiến chống Mỹ và 2 người tham gia kháng chiến chống Pháp. Với những thành tích trong các cuộc kháng chiến, năm 1998, xã Đăk Tơ Pang vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Diện mạo mới
Rời làng Đak Hway, chúng tôi đến thăm làng Brăng. Từ xa, những ngôi nhà sàn mới dựng lên nép mình dưới màu xanh bạt ngàn của rừng bạch đàn, keo lai. Anh Diu-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Brăng-cho hay: “Năm 2024, làng Brăng có 4-5 hộ xây nhà mới, kinh phí xây dựng mỗi căn nhà khoảng 200-400 triệu đồng. Riêng gia đình tôi có 6 ha mì, bắp và lúa. Mỗi năm, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, tôi tích lũy được khoảng 100 triệu đồng. Với khoản tiền tích góp được, gia đình đã xây dựng 2 căn nhà sàn sát nhau với kinh phí khoảng 400 triệu đồng. Vợ chồng tôi cũng chăm lo cho 3 người con ăn học đầy đủ, trong đó, con gái lớn đang theo học tại Phân hiệu Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng ở Kon Tum”.
Nhờ chăm chỉ lao động, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều hộ cũng đã có cuộc sống ổn định. Đơn cử như gia đình anh Đinh Văn Dơng vừa khánh thành ngôi nhà sàn trị giá 200 triệu đồng. “Mấy năm nay, nông sản được mùa và được giá, gia đình tích góp được kinh phí để làm căn nhà mới khang trang cho con cái ở”-anh Dơng hồ hởi nói.
Người dân xã tham gia trồng rừng. Ảnh: H.S
Nói về phát triển kinh tế không thể không nhắc đến gia đình ông Đinh Văn Hroc ở làng Brăng. Với hơn 30 ha đất trồng rừng, mì và bắp, gia đình ông có thu nhập 200-300 triệu đồng/năm. Ông chia sẻ: “Trước đây, người Bahnar chủ yếu làm rẫy luân canh. Nhưng những năm gần đây, với sự hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi đã chuyển sang trồng rừng nên mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Đăk Tơ Pang cho biết: “50 năm sau giải phóng, kinh tế-xã hội của xã từng bước khởi sắc. Được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền và sự nỗ lực vươn lên của người dân, xã Đăk Tơ Pang đã khoác màu áo mới. Hệ thống điện đã phủ khắp các làng, đường bê tông đến tận thôn, trường học và trạm y tế được xây dựng khang trang. Chúng tôi đang triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 33 hộ dân và đặt mục tiêu hoàn thành trước tháng 5-2025. Điều đáng quý là trong quá trình phát triển kinh tế, người Bahnar ở Đăk Tơ Pang vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”.
Cũng theo ông Huy, hiện nay, Đăk Tơ Pang đã có những bước tiến đáng ghi nhận nhưng vẫn còn khó khăn. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tìm kiếm đầu ra ổn định cho nông sản, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế... là những vấn đề cần tiếp tục được quan tâm giải quyết. “Chúng tôi đang xây dựng đề án phát triển xã theo hướng bền vững, trong đó chú trọng phát triển các loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và có giá trị kinh tế cao. Xã sẽ tiếp tục vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao thu nhập”-ông Huy nhấn mạnh.
Rời Đăk Tơ Pang khi chiều đã xuống, hình ảnh những ngôi nhà sàn mới xây dựng hiện lên trong ánh hoàng hôn vẫn đọng mãi trong tâm trí chúng tôi. Đăk Tơ Pang đang ngày càng khởi sắc, là minh chứng sống động cho sự phát triển không ngừng của vùng đất và con người nơi đây.
Như lời ông Đinh Văn Bưk tâm sự: “Biết bao gian khổ, hy sinh mới có được Đăk Tơ Pang như hôm nay. Trên mảnh đất anh hùng, thế hệ con cháu sẽ tiếp nối truyền thống cha ông, vừa giữ gìn bản sắc văn hóa, vừa vươn lên làm giàu, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.
HOÀNH SƠN