Khơi thông điểm nghẽn đầu tiên của điểm nghẽn thể chế

Khơi thông điểm nghẽn đầu tiên của điểm nghẽn thể chế
8 giờ trướcBài gốc
Gỡ điểm nghẽn thể chế từ luật gốc
Theo kế hoạch, dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) (sau đây gọi là dự thảo Luật) sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, khai mạc ngày 12.2 tới đây, theo quy trình tại một kỳ họp với trình tự, thủ tục rút gọn.
“Việc xây dựng và thông qua Luật theo quy trình rút gọn ở thời điểm này chính là khơi thông điểm nghẽn đầu tiên của điểm nghẽn về thể chế”, PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, nói trong tọa đàm “Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật - nhìn từ dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi)” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 10.2.
Theo PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ, chúng ta đang bước vào một kỷ nguyên mới với những mục tiêu rất cao, trong đó có việc tăng trưởng hai con số trong những năm tới. Để đạt được những mục tiêu này, chúng ta phải tháo gỡ được điểm nghẽn của thể chế như lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nói, mới có thể khơi thông được các nguồn lực, thúc đẩy sáng tạo và phát triển. “Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là đạo luật gốc quy định thẩm quyền, quy trình xây dựng pháp luật, vì vậy, chúng ta phải tháo gỡ từ chính đạo luật này, làm cơ sở cho việc đẩy nhanh tiến trình và nâng cao chất lượng cải cách thể chế”, PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ phân tích.
Toàn cảnh Talkshow Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật - nhìn từ dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Ảnh: Quang Khánh
Bộ Tư pháp được Chính phủ giao chủ trì xây dựng dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Ông Trần Anh Đức, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp, cho biết, sửa Luật ở thời điểm này nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đổi mới mạnh mẽ quy trình xây dựng pháp luật, đặc biệt là Kết luận số 119-KL/TW của Bộ Chính trị; đồng thời khắc phục những hạn chế sau hơn 8 năm thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Bên cạnh đó, việc trình Quốc hội thông qua Luật theo quy trình một kỳ họp nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các luật về tổ chức bộ máy sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp bất thường lần này, cả về thẩm quyền ban hành văn bản và trong việc tổ chức thi hành pháp luật.
“Chúng ta làm luật theo dòng chảy của cuộc sống”
“Giới chuyên môn chúng tôi đánh giá dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) đã thể chế được chủ trương, định hướng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về đổi mới tư duy, quy trình xây dựng pháp luật”, TS. Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, cho biết.
Một trong những yêu cầu đổi mới mà TS. Dương Thị Thanh Mai tâm đắc nhất đó là: pháp luật phải bám sát với yêu cầu của thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu phát triển; xây dựng pháp luật phải lấy tổ chức và cá nhân, doanh nghiệp làm trung tâm. “Tư tưởng này đã thể hiện nhất quán trong dự thảo Luật, bắt đầu từ việc thay đổi quy trình lập pháp của Quốc hội”.
Chẳng hạn, theo dự thảo Luật, UBTVQH sẽ chủ trì xây dựng Định hướng lập pháp nhiệm kỳ của Quốc hội, trình Bộ Chính trị phê duyệt. UBTVQH ban hành kế hoạch triển khai thực hiện ngay sau khi Định hướng được phê duyệt và theo đó, Chính phủ có thể chủ động giao các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì xây dựng chính sách, soạn thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết ngay từ thời điểm này. Chương trình lập pháp hằng năm sẽ do UBTVQH quyết định (thay vì do Quốc hội quyết định như hiện nay) với trình tự, thủ tục đơn giản. Trường hợp cần thiết để giải quyết ngay vấn đề bất cập, phát sinh từ thực tiễn, cơ quan trình sẽ trình dự án luật, nghị quyết để Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra, UBTVQH cho ý kiến và quyết định bổ sung vào Chương trình lập pháp hằng năm.
Với quy định mới như vậy, thời gian từ khi các bộ, ngành đề xuất xây dựng luật tới lúc luật được đưa vào Chương trình lập pháp hàng hằng năm chỉ mất vài tháng thay vì 18 tháng như trước để kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. “Giới chuyên môn chúng tôi hay nói với nhau, như vậy là chúng ta làm luật theo dòng chảy của cuộc sống, không có cắt đứt không, có đứt đoạn, không chờ đợi mà là luôn sẵn sàng”, TS. Dương Thị Thanh Mai nói.
Không phải “đổi vai” mà là “trả lại đúng vai”
Một yêu cầu quan trọng khác, theo PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ, đó là tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm dân chủ, chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, minh bạch, hiệu quả và dễ tiếp cận. “Dự thảo Luật đã thấm nhuần sâu sắc quan điểm này, thể hiện ở một số đổi mới quan trọng”, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ, nhận xét.
Ví dụ, dự thảo Luật đã tách bạch quy trình chính sách với quy trình soạn thảo luật. Theo PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, đây là một cải cách quan trọng bởi quy trình chính sách hiện khá phức tạp, nhiều thủ tục không thực sự cần thiết. Theo luật hiện hành, với một dự án luật, các cơ quan của Quốc hội phải thẩm tra 2 lần: thẩm tra chính sách và sau đó là thẩm tra dự thảo luật. Còn theo dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), quy trình chính sách hoàn toàn thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan trình luật.
“Cơ quan trình là người đề xuất xây dựng luật, cũng là người lựa chọn, quyết định và thông qua các chính sách; các cơ quan của Quốc hội chỉ thẩm tra dự thảo luật sau khi đã được hoàn chỉnh, trình Quốc hội. Như vậy, quy định mới vừa đơn giản hóa thủ tục, tiết kiệm thời gian, tiền bạc, đẩy nhanh quy trình xây dựng luật, vừa tăng tính chủ động, tính tự chịu trách nhiệm của cơ quan trình luật”, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ cho biết.
Dự thảo Luật cũng đã phát huy vai trò, tính chủ động và chịu trách nhiệm toàn diện của các cơ quan trình luật, đặc biệt là vai trò của Chính phủ trong việc chịu trách nhiệm đến cùng về dự án luật do mình trình. Theo đó, cơ quan trình sẽ chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan thẩm tra trong việc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật. PGS.TS Đinh Dũng Sỹ cho rằng, đây không phải là sự “đổi vai” mà là “trả lại đúng vai” của cơ quan trình luật trong quá trình trình và bảo vệ quan điểm, chính sách của mình trước Quốc hội về dự án luật của mình.
Theo các diễn giả tham gia tọa đàm, thời gian qua, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tư pháp đã làm việc rất khẩn trương với tinh thần đổi mới để có được dự thảo Luật thể chế hóa rất nhiều quan điểm, tư duy mới trong xây dựng pháp luật, trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường tới đây. Nếu được Quốc hội nhất trí thông qua, Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.4.2025. Và với những điểm mới đột phá, Luật được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tiến trình cải cách thể chế, nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật, qua đó, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong kỷ nguyên mới.
TS. Dương Thị Thanh Mai, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp
Mong quyết tâm đổi mới sẽ biến thành hành động
Ảnh: Q. Khánh
Tôi mong và tin rằng, quyết tâm đổi mới tư duy xây dựng pháp luật sẽ biến thành hành động của các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ và các tổ chức đại diện cho Nhân dân. Trong quá trình xây dựng luật pháp, tất cả cùng đi theo một nhận thức mới, đó là bám sát yêu cầu của thực tiễn, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Tôi cũng rất kỳ vọng dự thảo Luật sẽ nâng cao một cách thật sự trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong việc xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
Về điều kiện bảo đảm để Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, tôi cho rằng có hai vấn đề quan trọng. Thứ nhất là nguồn nhân lực tốt ở cả cơ quan trình và các cơ quan thẩm tra. Thứ hai là về tài chính và kinh phí. Đầu tư cho xây dựng và thi hành thể chế là đầu tư cho phát triển phát triển, vậy thì phải tương xứng, đi cùng, đi kịp; quy trình tài chính phải thay đổi hoàn toàn và có dự phòng, để xử lý những vấn đề phát sinh.
PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ
Cần ít nhất 4 yếu tố để thực thi Luật hiệu quả
Ảnh: Q. Khánh
Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) đã thể hiện tư duy đổi mới về xây dựng pháp luật, vì vậy, kỳ vọng sẽ đem lại những lợi ích lớn.
Thứ nhất là việc đơn giản hóa các quy trình, thủ tục nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án luật, đáp ứng các yêu cầu đòi hỏi của cuộc sống, đồng thời, tiết kiệm được nguồn nhân lực cũng như tài chính. Thứ hai là trao quyền chủ động cho các cơ quan có thẩm quyền tham gia quy trình lập pháp, đặc biệt là cơ quan trình luật để chủ động hơn, linh hoạt hơn trong đề xuất, xây dựng các dự án luật trình Quốc hội. Lợi ích thứ ba rất quan trọng là đem lại không gian mở cho hoạt động xây dựng pháp luật nói chung để đáp ứng các yêu cầu phát triển của đất nước.
Để thực thi Luật này hiệu quả “ngay và luôn” cần có ít nhất 4 yếu tố. Đầu tiên, Chính phủ cần sớm soạn thảo và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, có hiệu lực đồng thời với Luật. Tiếp đến, phải tập huấn, tuyên truyền, phổ biến Luật. Đặc biệt, vai trò của Chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng, trong việc chỉ đạo quyết liệt, đưa quy trình lập pháp của Luật này sớm đi vào cuộc sống là rất quan trọng. Thứ tư là vấn đề nguồn lực, bao gồm con người và tài chính. Nếu chúng ta muốn đạt được mục tiêu của đánh giá tác động chính sách, phải có kinh phí để làm bài bản và thực chất, nếu không, các quy định, chính sách sẽ chỉ nằm trên giấy.
Ông Trần Anh Đức, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp
Nỗ lực, tập trung xây dựng văn bản hướng dẫn thi hành
Ảnh: Q. Khánh
Cá nhân tôi kỳ vọng Luật được ban hành sẽ tạo cơ sở cho công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo cơ chế linh hoạt, kịp thời ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xử lý các vấn đề phát sinh, nâng cao chất lượng văn bản.
Để kịp thời triển khai Luật, trên cơ sở dự thảo Luật, chúng tôi đã xác định những nội dung cần phải quy định chi tiết và tiến hành xây dựng dự thảo. Chúng tôi đang tranh thủ thời gian, cố gắng hết sức để bảo đảm khi luật có hiệu lực thì cũng ban hành nghị định của Chính phủ quy định chi tiết hoặc hướng dẫn thi hành, đặc biệt là với những nội dung chưa được quy định cụ thể trong luật mà mới quy định nguyên tắc.
Tôi cũng đồng thuận với ý kiến của các chuyên gia về những điều kiện bảo đảm thi hành luật, không có những điều kiện đó thì luật không thể đi vào cuộc sống. Trong đó, về nguồn nhân lực làm công tác xây dựng pháp luật, sắp tới chúng ta cũng phải tính đến việc hướng tới chuyên nghiệp hóa, thành thạo chuyên môn đúng theo định hướng của Đề án đổi mới quy trình xây dựng pháp luật của Đảng đoàn Quốc hội và trong Kết luận số 119-KL/TW của Bộ Chính trị.
Hà Lan
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/khoi-thong-diem-nghen-dau-tien-cua-diem-nghen-the-che-post404127.html