Giao thông “đi trước một bước”
Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Ngày 21/1/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ giai đoạn 2021-2025; trong đó, xác định rõ một trong tám mục tiêu cụ thể, đó là: "Tập trung đầu tư xây dựng các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh như Cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, tuyến tránh thành phố Sơn La, Cảng hàng không Nà Sản; tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; hoàn thành mục tiêu cứng hóa 100% đường đến trung tâm xã".
Bước vào triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TU, tỉnh Sơn La còn 7 xã chưa có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. Tại Kỳ họp chuyên đề lần thứ 9, HĐND tỉnh Sơn La khóa XV tổ chức ngày 8/11/2022 đã thông qua Nghị quyết số 44/2022/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ một phần từ ngân sách Nhà nước cho từng nội dung công việc cụ thể thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 98% đối với xã khu vực III và bản đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực I, khu vực II; hỗ trợ 95% đối với xã khu vực II (trừ các bản đặc biệt khó khăn); 90% đối với các xã khu vực I (trừ các bản đặc biệt khó khăn) theo dự toán được duyệt để thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường đến trung tâm xã; xây dựng đường giao thông từ xã đến bản, liên bản, đường trục chính của bản; xây dựng đường nội bản, tiểu khu; xây dựng đường trục chính nội đồng.
Đường về bản du lịch Tà Số, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu.
Ông Đào Tài Tuệ, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Sơn La, cho biết: Sở đã chủ động phối hợp, tham gia lập quy hoạch tỉnh, đề xuất các phương án, giải pháp phát triển mạng lưới giao thông tích hợp vào quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Phối hợp các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố tham mưu với tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện và quyết liệt nhiều giải pháp. Ngày 10/3/2024, HĐND tỉnh Sơn La đã thông qua Nghị quyết số 299/NQ-HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, đoạn tuyến thuộc địa bàn tỉnh Sơn La. Các nghị quyết của HĐND tỉnh được ban hành kịp thời giúp cho việc triển khai các nhiệm vụ đầu tư hạ tầng giao thông thuận lợi và hiệu quả.
Đại biểu cắt băng chính thức thông xe tuyến tránh Thành phố Sơn La.
Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU và các nghị quyết của HĐND tỉnh, sự nỗ lực của tỉnh Sơn La được ghi nhận qua việc triển khai 3 dự án giao thông trọng điểm. Đến nay, đã hoàn thành đưa vào khai thác tuyến quốc lộ 6- tuyến tránh thành phố Sơn La, đáp ứng nhu cầu đi lại, giảm tải ùn tắc, tai nạn giao thông trong khu vực trung tâm Thành phố. Tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cơ chế giao địa phương đầu tư cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu, dự kiến khởi công tháng 9/2025 và hoàn thành đưa vào khai thác tháng 9/2028. Tích cực nghiên cứu, đề xuất nhiều phương án đầu tư Cảng hàng không Nà Sản. Về quy hoạch, kiến nghị, bảo vệ và được Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đưa Cảng hàng không Nà Sản vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050…
Về đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống đường giao thông trên địa bàn tỉnh, đối với quốc lộ, do khó khăn về nguồn vốn, nên các đoạn tuyến quốc lộ chưa được đầu tư cải tạo, nâng cấp, thay vào đó, Sở Giao thông vận tải đã tham mưu cho tỉnh tăng cường bố trí vốn bảo trì, sửa chữa, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Đối với phát triển hệ thống đường địa phương, tỉnh Sơn La đã thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư 30 dự án giao thông đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, với tổng chiều dài 427 km.
Đổ bê tông tuyến đường liên xã tại huyện Vân Hồ.
Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tỉnh Sơn La đã hoàn thành cứng hóa thêm gần 20 km đến trung tâm hai xã Hua Nhàn, huyện Bắc Yên và xã Quang Minh, huyện Vân Hồ. Còn lại gần 70 km đến trung tâm 5 xã thuộc dự án đường nối quốc lộ 37, huyện Bắc Yên, với quốc lộ 279D, huyện Mường La, đang được chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2024 theo đúng tiến độ, hoàn thành mục tiêu nghị quyết đặt ra sớm trước 1 năm.
Đến nay, tỉnh Sơn La đang tích cực triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, sửa chữa, nâng cấp 468,6 km đường giao thông tại các điểm tái định cư thuộc Đề án 666, với tổng kinh phí 640,5 tỷ đồng và nâng cấp, mở rộng 122,5 km đường liên xã, liên bản thuộc Đề án 88, tổng kinh phí 648,7 tỷ đồng.
Thi công tuyến đường liên xã Mường Chanh - Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn.
Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Bí thư Tỉnh ủy, khẳng định: Để hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết, Sơn La phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương trong việc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, an toàn kết nối các khu du lịch, điểm du lịch; cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ đáp ứng nhu cầu lưu trú, ăn uống và các nhu cầu khác của khách du lịch.
Các đại biểu cắt băng khánh thành tuyến đường Võ Nguyên Giáp, thành phố Sơn La.
Từng sinh sống và làm việc tại Sơn La, sau nhiều năm chuyển công tác, có dịp về lại Sơn La, ông Đào Mạnh Tiến, nguyên Phó Ban Ngoại vụ giai đoạn 1991-1994, nay là Sở Ngoại vụ tỉnh Sơn La, chia sẻ: Tôi thật sự bất ngờ trước sự đổi thay của Sơn La, nhất là hệ thống đường giao thông. Tuyến quốc lộ 6 lên Sơn La mở rộng, hạ độ dốc, mở khúc cua, thời gian di chuyển rút ngắn còn 6-8 tiếng. Các tuyến đường tới các huyện, xã được rải nhựa, bê tông thuận lợi đi lại 4 mùa. Khi dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu hoàn thành sẽ là “cú huých” để tỉnh Sơn La phát triển lên tầm cao mới.
Kết nối, đánh thức tiềm năng kinh tế vùng
Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định mục đích đến năm 2030 là vùng phát triển xanh, bền vững toàn diện. Tầm nhìn đến năm 2045, là vùng phát triển xanh, bền vững, toàn diện là hình mẫu phát triển xanh của cả nước. Trong đó, xác định một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phương án phát triển giao thông vận tải, như: Xây dựng thành phố Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn trở thành các cực tăng trưởng, hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế vùng; ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông…; đưa Sơn La trở thành Trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp; đến năm 2030, hoàn thành các tuyến đường bộ cao tốc, tiền cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La… Tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh các tuyến đường bộ nối các địa phương với đường cao tốc, các đường vành đai biên giới, các tuyến đường quốc lộ kết nối vùng; nâng cấp Cảng hàng không Nà Sản; đầu tư một số tuyến đường thủy trong vùng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác kiểm tra thực địa tại đường băng Cảng hàng không Nà Sản.
Theo Quy hoạch tỉnh Sơn La thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, để tạo bước phát triển đột phá, nhiệm vụ quan trọng đầu tiên tỉnh Sơn La xác định là tập trung phát triển kết cấu hạ tầng gắn với đẩy mạnh đô thị hóa và nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, kết nối đô thị.
Với định hướng, chiến lược bài bản, sự quan tâm, đầu tư của Trung ương, địa phương hệ thống giao thông kết nối giữa Sơn La với các tỉnh trong vùng từng bước nâng cấp, như: Quốc lộ 6 nối Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc; tuyến cao tốc Hòa Bình - Sơn La đang được đầu tư xây dựng. Các tuyến quốc lộ 37, quốc lộ 279 kết nối Sơn La với các tỉnh Đông Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo thực hiện nghi thức khởi công dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu.
Dự án đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu đoạn qua tỉnh Sơn La dài khoảng 32,3 km; điểm đầu tại km 53 thuộc địa phận xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ và điểm cuối tại km 85+300 giao với quốc lộ 43 thuộc địa phận xã Phiêng Luông, huyện Mộc Châu.
Phối cảnh đường cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu giai đoạn 1 quy mô 2 làn xe.
Dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, phá thế độc đạo của quốc lộ 6 kết nối từ thủ đô Hà Nội lên tỉnh Sơn La và các tỉnh khu vực Tây Bắc, giúp giảm tải, tháo gỡ điểm nghẽn, cải thiện năng lực hạ tầng giao thông kết nối vùng, rút ngắn khoảng cách, thời gian di chuyển, giảm chi phí vận tải, nâng cao điều kiện an toàn giao thông. Đồng thời, tạo động lực thu hút đầu tư vào khu du lịch Quốc gia Mộc Châu; phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, như du lịch, công nghiệp, nông nghiệp và nhất là việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh Sơn La nói riêng và các tỉnh khu vực Tây Bắc nói chung.
Khởi hành đưa sản phẩm mận Sơn La về Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Tin vui với tỉnh Sơn La, ngày 19/11/2024, cặp Cửa khẩu Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, Việt Nam và Pa Hang của huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn, Lào, đã chính thức khai trương. Việc nâng cấp lên cửa khẩu quốc tế, theo quy định pháp luật và thỏa thuận của hai bên việc xuất, nhập cảnh, xuất nhập khẩu được mở rộng. Cụ thể là người, phương tiện, hàng hóa của nước thứ 3, như Thái Lan, Trung Quốc, Myanma… có thể qua lại, hoặc quá cảnh, liên vận, tạm nhập, tái xuất.
Lễ công bố khai trương cặp cửa khẩu quốc tế Lóng Sập, tỉnh Sơn La, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Pa Háng, tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào
Cặp của khẩu được khai trương còn mở ra cơ hội phát triển du lịch, kinh tế biên mậu, nhất là trong điều kiện huyện Mộc Châu đã được công nhận là Khu du lịch quốc gia, là điểm đến thiên nhiên khu vực hàng đầu thế giới; nhiều đơn vị xúc tiến, thương mại, khảo sát hoạt động du lịch đã tới tìm kiếm cơ hội khai tuyến Điện Biên, Mộc Châu, Hà Nội (Việt Nam) - Sầm Nưa, Viêng Xay, Xiêng Khoảng hoặc Luông Pha Băng (Lào).
Các đại biểu chứng kiến hoạt động xuất nhập khẩu qua cặp cửa khẩu quốc tế Lóng Sập, tỉnh Sơn La, nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Pa Háng, tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào..
Những "huyết mạch" được khơi thông đã mang lại diện mạo mới cho nhiều miền quê trong tỉnh, cuộc sống của nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no. Khi “đường lớn đã mở”, kết nối Thủ đô Hà Nội với vùng Tây Bắc, thu ngắn khoảng cách giữa các tỉnh miền núi với miền xuôi, sẽ tạo thêm động lực và cơ hội để tỉnh Sơn La tiếp tục vươn lên, sớm trở thành tỉnh trọng điểm nông nghiệp quốc gia, thuộc nhóm dẫn đầu vùng Tây Bắc và miền núi phía Bắc.
Quàng Hưởng - Minh Thu - Nguyễn Yến