“Không thể có kết quả trong ngày một, ngày hai”
Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV, tham gia ý kiến tại tổ về lĩnh vực văn hóa, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn chăm lo và đặc biệt quan tâm tới sự phát triển của văn hóa. Nhờ đó, lĩnh vực văn hóa không ngừng phát triển, trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc đúng định hướng “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” mà Nghị quyết Trung ương 5, Khóa XIII đã đề ra.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: X.Công
“Văn hóa đã có bước phát triển về mặt nhận thức và hành động, văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần mà còn hiện diện ở mọi lĩnh vực, là động lực phát triển bền vững đất nước và giữ vai trò điều tiết sự phát triển của xã hội. Văn hóa hiện diện trong kinh tế cũng như kinh tế có trong văn hóa”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Điểm qua nhiều hoạt động văn hóa lớn đã được tổ chức rộng khắp, có sức lan tỏa những điều tốt đẹp, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc đồng thời nâng cao nhu cầu hưởng thụ của nhân dân về văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Những thành quả này không chỉ là nỗ lực riêng của ngành văn hóa mà còn là kết quả của sự chung tay từ các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức hàng năm tại các thôn, làng tỉnh Kon Tum. Ảnh: HT
Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh: X.Trường
Chiều nay, 1.11, Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Cụ thể, theo tờ trình của Chính phủ, năm 2025 sẽ thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình; chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác... Giai đoạn 2026-2030 sẽ tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến năm 2030. Giai đoạn 2031-2035 sẽ tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra đến 2035.
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, điểm sáng đáng mừng trong lĩnh vực văn hóa thời gian qua đó là việc xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở ngày càng khởi sắc, đời sống văn hóa ở khu dân cư đang ngày càng được chú trọng, qua đó góp phần bồi đắp tâm hồn, nuôi dưỡng nhân cách cho người dân ở khắp mọi vùng, miền của Tổ quốc… “Đã có nhiều làng quê đáng sống, nâng cao được nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân; đồng thời, nhiều địa phương đã làm tốt việc xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, như: Kon Tum hay các sự kiện kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - những minh chứng rõ nét cho sức mạnh của văn hóa trong đời sống cộng đồng”, ông Nguyễn Văn Hùng dẫn chứng.
Cũng theo chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, lĩnh vực du lịch cũng đã phục hồi và phát triển mạnh sau đại dịch Covid-19; nhiều địa phương đạt được chỉ số tăng trưởng ấn tượng, thậm chí vượt xa giai đoạn trước đại dịch Covid-19… Đặc biệt, đối với lĩnh vực thể dục thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thể dục thể thao giai đoạn mới và Kết luận 70 của Bộ Chính trị, chú trọng đến việc cải thiện thành tích trên các đấu trường quốc tế. Tuy nhiên, việc cải thiện, nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam cần phải có thời gian và có sự đầu tư lớn, bài bản, khoa học và lâu dài - điều mà các nền kinh tế lớn trên thế giới đã thực hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Để tháo gỡ điểm nghẽn trong lĩnh vực quản lý, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã đề nghị phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan để sửa đổi về thể chế, như: sửa đổi thông tư về chế độ, chính sách, thù lao cho các diễn viên hay cải thiện chế độ, chính sách cho các vận động viên… “Mong muốn là vậy nhưng văn hóa là lĩnh vực đặc thù, không thể có kết quả trong ngày một, ngày hai mà cần phải có thời gian để thực hiện”, ĐBQH Nguyễn Văn Hùng bày tỏ.
Cần sự đồng hành, chung sức và đồng lòng của toàn xã hội
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết: một trong những điểm nổi bật trong báo cáo của Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV này là việc đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa - lĩnh vực mới, có nhiều tiềm năng và được Chính phủ đặc biệt quan tâm… “Lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị về phát triển ngành công nghiệp văn hóa, và trước đó đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng chiến lược phát triển lĩnh vực này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
Thực tế, phát triển công nghiệp văn hóa là xu hướng tất yếu, nhưng Việt Nam là quốc gia đi sau so với các nước. Do vậy, muốn phát triển lĩnh vực này đòi hỏi phải “đi tắt, đón đầu”, bằng cách dựa trên 3 trụ cột: Vai trò kiến tạo của nhà nước trong việc ban hành chính sách; sự tham gia của nhà đầu tư để khai thác và phát triển tài nguyên văn hóa và vai trò sáng tạo của văn nghệ sĩ nhằm làm phong phú hơn nội dung văn hóa.
Các ĐBQH tỉnh Kon Tum tham dự phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ Tám. Ảnh: PV
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, tại kỳ họp này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét và thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật Quảng cáo (sửa đổi) và Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa hóa giai đoạn 2025-2035. Theo đó, điểm mới của Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm là “địa phương biết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”… Còn với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, dự thảo cũng đã tiếp cận nhiều điều mới và được sửa theo hướng phát triển quảng cáo thành một ngành công nghiệp văn hóa, đóng góp vào ngân sách nhà nước để phục vụ đời sống Nhân dân... Đặc biệt, đối với Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 cũng sẽ được thực hiện trên tinh thần phân cấp, phân quyền; nguồn vốn sẽ được công khai, minh bạch, không có cơ chế xin - cho.
“Việc sửa đổi, bổ sung các luật là tất yếu, phù hợp với nhu cầu thực tiễn và dựa trên các nguyên tắc minh bạch, phân cấp rõ ràng. Do đó, mong muốn các ĐBQH ủng hộ để khơi thông nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa, hướng tới xây dựng nền văn hóa tiên tiến, giàu bản sắc, lan tỏa sức mạnh mềm của Việt Nam ra quốc tế”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng bày tỏ.
Nghi thức chạy ói tại Lễ hội Đền Cờn (Nghệ An). Ảnh: T.Cường
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, lĩnh vực văn hóa không chỉ đơn thuần là nhiệm vụ của một ngành, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Do đó, cần có sự đồng hành của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và mọi người dân để văn hóa Việt Nam thực sự phát triển bền vững.
Bên hành lang kỳ họp, nhiều đại biểu cho rằng: Việc đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước;... Đồng thời, việc thực hiện Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Diệp Anh