Khởi tố, bắt tạm giam 2 người Trung Quốc xâm phạm lăng mộ vua Lê Túc Tông

Khởi tố, bắt tạm giam 2 người Trung Quốc xâm phạm lăng mộ vua Lê Túc Tông
4 giờ trướcBài gốc
Theo thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa, hai đối tượng bị bắt là Shen JiangYang (sinh năm 1982) và Deng ZhiJi (sinh năm 1984), cùng trú tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Hai người này bị khởi tố và tạm giam để điều tra về hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, theo điều 319 Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Hai đối tượng Shen JiangYang và Deng ZhiJi và các dụng cụ dùng để đào bới lăng mộ vua Lê Túc Tông. Ảnh: Công an Thanh Hóa
Cùng tham gia vụ đào trộm còn một đối tượng khác, cũng mang quốc tịch Trung Quốc. Tuy nhiên, người này đã rời khỏi Việt Nam trước khi sự việc bị phát hiện.
Cơ quan chức năng Việt Nam hiện đang phối hợp với phía Trung Quốc để đề nghị hỗ trợ tư pháp, xử lý theo quy định pháp luật nếu đủ căn cứ.
Vụ việc được phát hiện vào ngày 3.5 bởi Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản Thanh Hóa khi kiểm tra khu vực lăng vua Lê Túc Tông. Ngay sau đó, Sở VHTTDL Thanh Hóa đã phối hợp với Công an tỉnh, UBND các huyện Ngọc Lặc, Thọ Xuân cùng các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra hiện trường.
Lực lượng chức năng ghi nhận một hố đào trái phép tại khu lăng mộ, sâu 1,6 m, rộng 90 cm x 52 cm. Tại đây, cơ quan chức năng thu giữ 14 mảnh bia đá có khắc chữ Hán cổ, trong đó có dòng chữ “Đại Việt Túc Tông Nhượng...” thể hiện miếu hiệu của vua Lê Túc Tông.
Ngoài ra, còn phát hiện 15 mảnh gạch cổ màu xám đen, hoa văn và chất liệu phù hợp với niên đại thời Lê.
Hiện trường lăng mộ vua Lê Túc Tông bị đào bới
Các hiện vật đã được niêm phong và chuyển về kho bảo quản của Khu di tích Lam Kinh để phục vụ công tác điều tra và giám định chuyên môn.
Ngay sau khi vụ việc được phát hiện, Bộ VHTTDL đã có động thái chỉ đạo quyết liệt. Ngày 7.5, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương ký Công văn số 2096/BVHTTDL-DSVH gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, yêu cầu đánh giá mức độ thiệt hại tại lăng mộ vua Lê Túc Tông và kiểm tra toàn diện hiện trạng các di tích trên địa bàn nhằm ngăn chặn nguy cơ tái diễn các hành vi xâm hại.
Bộ cũng đề nghị Thanh Hóa đề xuất phương án xử lý, đồng thời tăng cường biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh cho hệ thống di tích, cổ vật, bảo vật quốc gia.
Công văn nhấn mạnh vai trò của cộng đồng trong công tác phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm, đề nghị các địa phương vận động người dân tham gia bảo vệ di sản.
Về phía địa phương, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo như Công văn số 6467/UBND-VHXH và số 6657/UBND-VHXH, yêu cầu các sở, ban ngành, địa phương siết chặt công tác bảo vệ di tích, đặc biệt tại các khu vực trọng điểm như Lam Kinh.
Ngày 13.5, Sở VHTTDL Thanh Hóa tiếp tục có Công văn số 2145/SVHTTDL-DSVH gửi các đơn vị liên quan, yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn chặn hành vi đào bới, trộm cắp và buôn bán trái phép cổ vật trên toàn địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo từ Sở VHTTDL Thanh Hóa, ngoài phần bị xâm phạm tại lăng vua Lê Túc Tông, hiện trạng các hạng mục khác trong quần thể Lam Kinh vẫn được bảo vệ nguyên vẹn. Hệ thống camera giám sát, hàng rào bảo vệ, mốc giới di tích được duy trì thường xuyên. Các công trình kiến trúc, bia đá, bảo vật quốc gia tại khu di tích vẫn trong tình trạng an toàn.
Lăng vua Lê Túc Tông là một trong những công trình quan trọng trong quần thể Khu di tích Lam Kinh – nơi yên nghỉ của nhiều vị vua triều Hậu Lê. Không chỉ có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, khu di tích còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc với người dân cả nước.
Lăng mộ vua Lê Túc Tông thuộc Khu di tích lịch sử Lam Kinh
Hành vi xâm phạm mộ phần, đào trộm cổ vật không chỉ vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn đi ngược lại thuần phong mỹ tục, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử bày tỏ bức xúc, cho rằng đây là lời cảnh tỉnh về công tác bảo vệ di sản, nhất là khi những kẻ vi phạm có yếu tố nước ngoài.
Cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ động cơ và hành vi của các đối tượng, đồng thời mở rộng điều tra để xác định có hay không sự tiếp tay từ bên trong. Vụ án cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc phối hợp bảo vệ di tích, đặc biệt tại những địa điểm có giá trị cao về lịch sử và văn hóa.
NGUYỄN LINH
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/phap-luat/khoi-to-bat-tam-giam-2-nguoi-trung-quoc-xam-pham-lang-mo-vua-le-tuc-tong-135350.html