Khởi tố Hoa hậu Thùy Tiên, liệu vương miện có bị tước?

Khởi tố Hoa hậu Thùy Tiên, liệu vương miện có bị tước?
11 giờ trướcBài gốc
Cảnh sát xác định kẹo Kera là của Thùy Tiên và các cổ đông Công ty Chị Em Rọt (CER) hợp tác làm ăn chung. Trong đó, Thùy Tiên được hưởng lợi nhuận theo thỏa thuận góp vốn tương đương 30%, các cổ đông còn lại góp 70%.
Đến thời điểm sai phạm bị phát hiện, Công ty CER bán hơn 135.000 hộp kẹo Kera cho hơn 30.000 khách hàng, thu về gần 18 tỉ đồng. Theo tỉ lệ góp vốn, số tiền Thùy Tiên nhận về gần 7 tỉ đồng.
Trước thông tin Hoa hậu Thùy Tiên bị khởi tố vì liên quan đến hành vi "Lừa dối khách hàng", rất nhiều bạn đọc đã bày tỏ sự quan tâm và thắc mắc: Liệu danh hiệu Hoa hậu Hòa bình quốc tế năm 2021 (Miss Grand International 2021) có bị thu hồi?
Hoa hậu Thùy Tiên bị khởi tố vì liên quan đến hành vi "Lừa dối khách hàng".
Giải đáp thắc mắc trên, luật sư Nguyễn Đình Thế, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết về quy định pháp lý tước danh hiệu, vương miện tại Việt Nam, theo Điều 18 Nghị định 144/2020, cơ quan nhà nước có thẩm quyền được quyền yêu cầu thu hồi danh hiệu, giải thưởng trong các trường hợp sau đây:
- Cá nhân đạt danh hiệu, giải thưởng vi phạm các quy định được quy định tại Điều 3 Nghị định này.
- Danh hiệu, giải thưởng được trao tại cuộc thi hoặc liên hoan không đúng với nội dung đề án trong hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận hoặc không phù hợp với nội dung thông báo đã được cấp.
Cụ thể, Điều 3 Nghị định 144/2020 quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn, bao gồm nhưng không giới hạn ở các hành vi sau:
- Chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Xuyên tạc lịch sử, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Xâm phạm an ninh quốc gia.
- Phủ nhận thành tựu cách mạng.
- Xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân.
- Phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
- Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.
- Phân biệt chủng tộc.
- Xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
- Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù dân tộc và ảnh hưởng xấu đến quan hệ đối ngoại.
- Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt hoặc hình thức biểu diễn có hành vi trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.
Ngoài ra, việc thu hồi danh hiệu cũng có thể được thực hiện nếu cuộc thi hoặc liên hoan tổ chức không đúng với nội dung đề án theo hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận hoặc nội dung thông báo đã được phê duyệt.
Trong trường hợp của Hoa hậu Thùy Tiên, hành vi quảng cáo sai sự thật về sản phẩm kẹo rau củ Kera thông qua việc sử dụng sức ảnh hưởng cá nhân, hình ảnh, lời nói và phương tiện truyền thông của mình đã có thể vi phạm quy định về hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn, cụ thể là hành vi “Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt hoặc hình thức biểu diễn có hành vi trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội” (theo Điều 3 Nghị định 144/2020).
Cụ thể, Hoa hậu Thùy Tiên đã tận dụng danh hiệu và hình ảnh cá nhân, vốn có sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng người hâm mộ, để quảng cáo cho sản phẩm có dấu hiệu không minh bạch về chất lượng, gây hiểu nhầm, lừa dối người tiêu dùng.
Hành vi này không chỉ làm suy giảm niềm tin của công chúng vào thương hiệu cá nhân của cô mà còn tác động tiêu cực đến đạo đức xã hội, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng khi người tiêu dùng bị dẫn dụ sử dụng sản phẩm không đảm bảo.
Việc sử dụng “phương tiện biểu đạt” ở đây bao gồm việc sử dụng hình ảnh, lời nói, video, mạng xã hội và các kênh truyền thông khác để truyền tải thông tin sai lệch về sản phẩm. Đây là một hình thức lợi dụng danh hiệu, sức ảnh hưởng cá nhân để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, làm tổn hại đến giá trị đạo đức và xã hội được pháp luật bảo vệ.
Về thẩm quyền, theo Điều 17 và Điều 18 của Nghị định 144/2020, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc tiếp nhận thông báo và ra quyết định thu hồi danh hiệu, giải thưởng bao gồm:
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi tổ chức biểu diễn, tiếp nhận thông báo từ các cơ quan, đơn vị trực thuộc các Bộ, Ban, ngành Trung ương hoặc các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, xã hội nghề nghiệp và tổ chức kinh tế trung ương.
- Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi tổ chức biểu diễn, tiếp nhận thông báo từ các tổ chức, cá nhân khác.
Tuy nhiên, đối với trường hợp Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021 Nguyễn Thúc Thùy Tiên, việc tước vương miện sẽ không thuộc phạm vi quyết định của các cơ quan nhà nước Việt Nam mà phụ thuộc hoàn toàn vào quy chế và thẩm quyền của Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand International – một tổ chức quốc tế với quy định và cơ chế quản lý danh hiệu riêng biệt.
Theo đó, Hoa hậu Hòa bình Quốc tế (Miss Grand International) là cuộc thi sắc đẹp quốc tế do ông Nawat Itsaragrisil sáng lập và làm Chủ tịch. Quyền duy trì hoặc tước bỏ danh hiệu, vương miện của người đẹp nằm trong thẩm quyền của Ban tổ chức do ông Nawat đại diện.
Trước đây, ông Nawat từng cho biết trên livestream: “Queen Tiên (Hoa hậu Thùy Tiên) không còn hợp đồng với chúng tôi nữa, cô đã hết hạn khoảng 2 năm rồi.”
Nếu điều này là chính xác thì có nghĩa là về mặt hợp đồng, Hoa hậu Thùy Tiên đã hoàn thành nghĩa vụ với tổ chức cuộc thi từ lâu. Do đó có thể các vấn đề pháp lý phát sinh liên quan đến cô sẽ là trách nhiệm cá nhân, không ảnh hưởng đến tổ chức Miss Grand International.
“Tuy nhiên, không loại trừ khả năng Ban tổ chức có thể xem xét tước vương miện nếu hành vi của hoa hậu gây ảnh hưởng xấu đến danh tiếng, uy tín của cuộc thi và tổ chức, dựa trên tiền lệ tước danh hiệu các hoa hậu trong quá khứ” - LS Thế nói.
LS Thế nhấn mạnh vụ việc là lời cảnh tỉnh dành cho người nổi tiếng, nhất là những người giữ danh hiệu quốc tế, cần tuân thủ nghiêm túc pháp luật và chuẩn mực đạo đức nhằm bảo vệ danh dự cá nhân và uy tín tổ chức. Ban tổ chức cuộc thi cần xây dựng quy chế rõ ràng, minh bạch để xử lý vi phạm và phối hợp với cơ quan pháp luật khi cần. Đồng thời, người hâm mộ và xã hội cần tiếp nhận thông tin khách quan, tránh lan truyền tin tức chưa được xác minh đầy đủ.
Như vậy, vụ việc Hoa hậu Thùy Tiên là vấn đề pháp lý nghiêm trọng ảnh hưởng đến danh tiếng cá nhân và có thể gây ảnh hưởng đến uy tín cuộc thi. Khả năng bị tước vương miện phụ thuộc vào quyết định của Ban tổ chức Miss Grand International dựa trên quy chế và mức độ ảnh hưởng của vụ việc.
Hoa hậu Hòa bình Quốc tế (Miss Grand International) là một cuộc thi sắc đẹp quốc tế thường niên được sáng lập và đặt trụ sở tại Bangkok, Thái Lan do Nawat Itsaragrisil điều hành hướng tới thông điệp “Chấm dứt chiến tranh và bạo lực”.
Cuộc thi Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2021 được tổ chức tại Thái Lan, do một Tổ chức tại Thái Lan điều hành nên pháp luật Việt Nam không thể điều chỉnh việc thu hồi danh hiệu của cuộc thi này; trừ trường hợp Việt Nam và Thái Lan cùng xây dựng, ký kết hiệp định song phương về việc chế tài đối với tổ chức, cá nhân tham gia các cuộc thi hoa hậu được các tổ chức, cá nhân tổ chức trên lãnh thổ Thái Lan, Việt Nam có hành vi vi phạm pháp luật của Việt Nam, Thái Lan.
Luật sư Trương Văn Tuấn, Đoàn Luật sư TP.HCM
THẢO HIỀN
Nguồn PLO : https://plo.vn/khoi-to-hoa-hau-thuy-tien-lieu-vuong-mien-co-bi-tuoc-post850640.html