Khởi tố nhóm đối tượng Phòng khám Đa khoa Quốc tế Đà Nẵng

Khởi tố nhóm đối tượng Phòng khám Đa khoa Quốc tế Đà Nẵng
14 giờ trướcBài gốc
Ngày 15/7, Cơ quan CSĐT Công an Tp. Đà Nẵng đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 7 đối tượng là quản lý nhân sự và nhân viên Phòng khám Đa khoa Quốc tế Đà Nẵng (địa chỉ 180 Trần Phú, quận Hải Châu cũ) để điều tra về hành vi “Lừa dối khách hàng” theo khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự.
Trong đó, 4 bị can bị bắt tạm giam gồm: Trương Thị Hạ Liên (SN 1976, trú phường Thanh Khê, Tp. Đà Nẵng); Nguyễn Thị Mỵ (SN 1985, trú phường Kim Liên, Tp. Hà Nội) và Nguyễn Kim Hoàng Yến (SN 1980, trú phường Đan Phượng, Tp. Hà Nội); Lê Thị Nhung (SN 1992, trú xã Thọ Lộc, tỉnh Thanh Hóa).
Tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhóm bác sĩ "dỏm" của Phòng khám Đa khoa Quốc tế Đà Nẵng (ảnh M.V)
Ba bị can còn lại bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú gồm: Trương Thị Kim Lụa (SN 1995, trú phường Hòa Xuân, Tp. Đà Nẵng), Võ Thành Trung (SN 1993, trú phường Liên Chiểu, Tp. Đà Nẵng) và Bùi Thị Thuận (SN 1994, trú phường Hải Châu, Tp. Đà Nẵng).
Theo điều tra, Phòng khám Đa khoa Quốc tế Đà Nẵng hoạt động với pháp nhân là Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Đà Nẵng, chuyên tiếp nhận điều trị các bệnh nam khoa, phụ khoa như cắt bao quy đầu, yếu sinh lý, bệnh lây qua đường tình dục, phá thai,…
Cơ sở này đã tuyển dụng một số người không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, thậm chí chưa học hết lớp 12, để giả làm bác sĩ khám bệnh, ra y lệnh điều trị. Trong khi đó, các bác sĩ có chứng chỉ hành nghề chỉ đăng ký trên giấy tờ nhưng lại không trực tiếp khám, điều trị.
Đáng chú ý, để qua mặt cơ quan chức năng, phòng khám này thiết kế lối thoát riêng, để nhóm bác sĩ “dỏm” nhanh chóng rời khỏi hiện trường khi có đoàn kiểm tra đột xuất; sau đó thay bằng bác sĩ đủ điều kiện hành nghề.
Quá trình hoạt động, đội ngũ quản lý của phòng khám đã tổ chức hoạt động khép kín. Trong đó, đội nhóm bác sĩ "dởm" liên kết với nhau, phân chia nhiệm vụ: người tư vấn, người thao tác thủ thuật, người đứng tên pháp lý. Mỗi người đều có nhiệm vụ riêng, không được giao tiếp hay tìm hiểu công việc của nhau. Để tỏ vẻ chuyên nghiệp, đa số nhân viên tại Phòng khám Đa khoa Quốc tế Đà Nẵng đều mặc áo bác sĩ, đeo bảng tên giả khi hoạt động tư vấn, khám chữa bệnh cho khách hàng.
Với thủ đoạn tinh vi, các đối tượng đã chỉ đạo nhân viên “vẽ bệnh”, đưa thông tin sai lệch, đẩy giá dịch vụ để khách hàng hoang mang và lựa chọn các gói điều trị giá cao từ 5 - 30 triệu đồng. Trường hợp khách chọn gói rẻ, nhân viên sẽ cố tình gây đau đớn, đưa ra nguy cơ biến chứng để ép nâng gói điều trị. Thậm chí các đối tượng vừa tư vấn ngay trên bàn mổ, vừa ra giá cao cho gói không đau. Vô thế, khách hàng đành ký giấy chuyển sang sử dụng gói dịch vụ không đau và nộp tiền tại chỗ cho các đối tượng.
Nếu khách hàng đến phòng khám thông qua tư vấn online thì chi phí từ 199.000 đến 1.000.000 đồng nhưng khi hoàn thành điều trị tại đây phải trả từ 10 đến 50 triệu đồng cho mỗi loại dịch vụ. Các công đoạn “vẽ bệnh”, nâng gói dịch vụ đều được thực hiện với kịch bản đã soạn sẵn với mục đích “móc túi” khách hàng cao nhất khi sử dụng dịch vụ tại phòng khám này.
Bước đầu, cơ quan chức năng xác định phòng khám đã thu lợi bất chính gần 376 triệu đồng từ 17 khách hàng. Vụ việc đang được Công an mở rộng điều tra.
Minh Hằng
Nguồn TCDN : https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/khoi-to-nhom-doi-tuong-phong-kham-da-khoa-quoc-te-da-nang-d59910.html