Không an yên vì bờ biển ngày đêm bị xâm thực, xói lở

Không an yên vì bờ biển ngày đêm bị xâm thực, xói lở
8 giờ trướcBài gốc
Trước tình hình xâm thực, xói lở khẩn cấp tại bờ biển khu vực các bãi tắm Thuận An, gần đây nhất, cuối tháng 10/2024, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) TP Huế đã xuất kho khẩn cấp 4.150m2 vải địa kỹ thuật, 700m3 đá hộc; huy động lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật đến hiện trường tham gia hướng dẫn, đôn đốc các lực lượng triển khai xử lý khẩn cấp sạt lở bờ biển trên…
Sạt lở bờ biển nghiêm trọng tại bãi tắm Phú Thuận vào cuối năm 2024.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 10/2024 đến tháng 1/2025, tình trạng xâm thực, xói lở tại đoạn bờ biển nêu trên tiếp tục diễn biến phức tạp cần phải xử lý. Đối với đoạn sạt lở các bãi tắm ven biển Thuận An (khu vực giáp ranh giữa phường Thuận An, quận Thuận Hóa và xã Phú Thuận, huyện Phú Vang cũ), UBND TP Huế đã có báo cáo, đề xuất Bộ NN&PTNT (nay là Bộ NN&MT) đưa vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2026-2030 nguồn vốn đầu tư công do Bộ này quản lý để đầu tư xây dựng các công trình kè chống sạt lở bờ biển trên địa bàn thành phố, hiện đang chờ ý kiến phản hồi từ các Bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ.
Người dân cho biết, những năm gần đây, sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận và xã Phú Hải cũ diễn biến phức tạp ngay giữa mùa khô. Riêng đoạn xã Phú Thuận với tổng chiều dài bờ biển 4,4km đã có 3 vị trí sạt lở ăn sâu vào đất liền từ 20-40m, trên chiều dài khoảng 2km. Trong đó, khu vực bờ biển từ thôn Tân An đến Xuân An là trọng điểm của sạt lở, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 860 hộ dân với hơn 4.000 nhân khẩu. Từ trước đến nay, Phú Thuận đã được đầu tư gần 2,5km kè biển (kè bờ) và 0,55km kè ngầm, hiện còn 1,9km bờ biển chưa được đầu tư.
Mới đây, công trình kè chống sạt lở bờ biển với chiều dài hơn 1.400m đoạn qua thôn Tân An - Trung An - Xuân An, xã Phú Thuận cũ được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn khắc phục thiên tai đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Công trình nhằm mục tiêu khắc phục hậu quả thiên tai, ngăn chặn xói lở, xâm thực bờ biển, từng bước phục hồi đường bờ ven biển vốn có, bảo vệ an toàn cho người dân ở khu dân cư tập trung và hình thành diện tích đất rừng phòng hộ ven biển.
Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, hiện ở địa phương vẫn còn một số điểm chưa được đầu tư đồng bộ nên đã xảy ra tình trạng xâm thực bờ biển nghiêm trọng, đặc biệt là khu vực giáp với xã Phú Hải và bãi tắm Phú Thuận giáp với Thuận An (ngay đập Hòa Duân). Thời điểm cuối 2024 và đầu 2025, tại khu vực này, bờ biển bị xâm thực mạnh với chiều dài khoảng 250m và chỉ cách phá Tam Giang vài cây số. Sóng biển liên tục vỗ vào bờ khiến hệ thống kè đường ở khu vực này vỡ tan. Một số cây dương cảnh quan được trồng dọc bờ biển cũng bị sóng đánh ngã đổ.
Ông Nguyễn Văn Nhân (trú xã Phú Thuận cũ) kể, gần 25 năm trước, khu vực này là cửa biển rộng thênh thang, xuất hiện sau cơn đại hồng thủy 1999 ở Huế khiến hàng trăm người chết, mất tích. Để đảm bảo an toàn, tỉnh Thừa Thiên Huế lúc đó (nay là TP Huế) đã tiến hành hàn khẩu cửa biển Hòa Duân bằng cách đắp một con đập vào tháng 8/2000. Con đập này chính là khu vực ngày nay đang xảy ra sạt lở, xâm thực nặng.
“Năm đó cửa biển ở đây bị trổ, cuốn trôi một ngôi làng ra biển. Nay chưa mưa to, gió lớn nhưng đập Hòa Duân đã bị xâm thực nặng như thế. Tôi lo cửa biển lại bị mở ra thêm một lần nữa”, ông Nhân nói trong lo lắng.
Tương tự, hiện trạng bờ biển khu vực qua xã Giang Hải – Vinh Mỹ - Vinh Hiền cũ cũng bị xâm thực sâu vào đất liền từ 5- 10m, làm ảnh hưởng 100 hộ dân, công trình hạ tầng thiết yếu. Nếu công trình kè biển xử lý sạt lở khẩn cấp được đầu tư kịp thời sẽ bảo vệ hơn 100 hộ dân, tuyến đường ven biển và công trình hạ tầng thiết yếu.
Người dân các địa phương này phản ánh, hơn 4,5km bờ biển đã và đang gây xâm thực nghiêm trọng làm nước biển tràn vào khu dân cư. Người dân mong muốn cấp có thẩm quyền quan tâm, sớm có giải pháp kè, chắn bảo vệ các đoạn bờ biển nêu trên để người dân yên tâm ổn định cuộc sống, sản xuất.
Liên quan đến bức xúc, lo ngại của người dân về tình trạng xâm thực, xói lở bờ biển, Phó Chủ tịch UBND TP Huế Phan Quý Phương cho biết, với nguồn kinh phí đầu tư xây dựng kè phòng, chống sạt lở bờ biển rất lớn, trong lúc ngân sách thành phố chưa cân đối đủ để bố trí triển khai thực hiện.
Do đó, UBND TP Huế yêu cầu một số cơ quan, đơn vị và địa phương triển khai các phương án giải quyết trước mắt gồm, Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tổ chức khảo sát, phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất phương án xử lý khẩn cấp đoạn bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng với chiều dài khoảng 400m thuộc địa phận xã Giang Hải cũ, ngay trong năm 2025 để báo cáo UBND thành phố và các ngành có liên quan xem xét, cân đối, bố trí nguồn vốn triển khai thực hiện.
Trong thời gian tới, thành phố giao Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT nghiên cứu, lập dự án đầu tư đối với đoạn bờ biển bị sạt lở rất nặng với chiều dài hơn 1,5km từ xã Giang Hải đến xã Vinh Mỹ cũ; phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND thành phố đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí để đầu tư xử lý sạt lở bờ biển khu vực nêu trên.
Hải Lan
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/doi-song/khong-an-yen-vi-bo-bien-ngay-dem-bi-xam-thuc-xoi-lo--i775521/