Kể từ ngày 30/3/2025, thực hiện theo Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều cơ sở nhà ở nhiều tầng, chung cư mini và nhà trọ chưa đáp ứng yêu cầu phòng cháy, chữa cháy sẽ buộc phải dừng hoạt động cho đến khi hoàn tất việc khắc phục.
Nhiều chung cư mini, nhà trọ không bảo đảm phòng cháy, chữa cháy
Gia đình ông Vương Văn Chiến (phường Quang Trung, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) tận dụng ngôi nhà 5 tầng vừa để ở, vừa kinh doanh nhà trọ. Ngày 4/4, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra điều kiện phòng cháy, chữa cháy của gia đình ông Chiến, kết quả không bảo đảm theo quy định.
Gia đình ông Vương Văn Chiến tận dụng nhà ở để cho thuê trọ nên nhiều điều kiện về phòng cháy, chữa cháy không bảo đảm theo đúng quy định.
Cụ thể, cơ sở chưa có thiết bị báo cháy, thiếu lối ra thoát nạn, điều kiện ngăn cháy đối với các công năng chưa đúng quy định,… “Ủy ban nhân dân phường đã lập biên bản vi phạm phòng cháy, chữa cháy đối với chủ cơ sở; đồng thời yêu cầu cơ sở dừng hoạt động cho thuê trọ để khắc phục điều kiện về phòng cháy, chữa cháy”, ông Nguyễn Tiến Kiên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Quang Trung, quận Hà Đông cho biết.
Như vậy, 5 hộ đang thuê trọ nhà ông Chiến sẽ phải tìm nơi ở mới. Chị L.T.T, một người thuê nhà tại đây không giấu được lo lắng: “Bây giờ để tìm được một chỗ trọ mới thật sự không dễ dàng. Quanh đây chúng tôi cũng không biết nhà nào đạt đủ điều kiện. Tôi lo rằng nếu chỗ nào đủ điều kiện thì giá cũng sẽ rất cao”.
Theo Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chủ các cơ sở nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ (chung cư mini) và nhà cho thuê trọ phải thực hiện các giải pháp nâng cấp, bổ sung hệ thống an toàn phòng cháy, chữa cháy và hoàn thành trước ngày 30/3/2025. Quy định nêu rõ: Sau thời gian trên, nếu không tổ chức thực hiện phải dừng hoạt động cho đến khi thực hiện xong.
Đây cũng là lo lắng chung của rất nhiều người thuê trọ những ngày qua. Theo Trung tá Nguyễn Văn Lợi, Phó Trưởng Công an phường Quang Trung, trên địa bàn phường có 30 cơ sở hoạt động kinh doanh nhà trọ. Tại thời điểm rà soát cuối tháng 3 thì tất cả các cơ sở đều không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy.
Phần lớn các nhà trọ hiện nay không bố trí được lối thoát nạn thứ 2 theo đúng quy định.
“Vướng mắc nhất của các cơ sở này là không có lối thoát nạn thứ 2 theo quy định. Bởi đa số đây đều là nhà xây dựng với mục đích ban đầu để ở, sau đó mới cho thuê. Diện tích đất không còn để cải tạo nữa, các cơ sở này gần như không thể khắc phục”, Trung tá Nguyễn Văn Lợi cho biết.
Xã Tân Triều, huyện Thanh Trì là một trong những địa bàn có số lượng nhà trọ, chung cư mini cao nhất của thành phố Hà Nội. Theo ông Nguyễn Văn Lăng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Triều, hiện nay toàn xã có 659 cơ sở cho thuê nhà trọ, chung cư mini, tỷ lệ các đơn vị đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy rất thấp (chỉ vài chục cơ sở).
“Nếu thực hiện theo đúng Chỉ thị 19 thì rất nhiều cơ sở phải dừng hoạt động, theo đó là hàng trăm, thậm chí cả nghìn người thuê nhà phải tìm kiếm nơi ở mới. Nhưng với điều kiện tại địa phương như hiện nay thì người dân chỉ có cách sang các khu vực khác”, ông Nguyễn Văn Lăng chia sẻ.
Tại Hà Nội, hiện có khoảng 37.000 cơ sở kinh doanh nhà trọ, chung cư mini. Phần lớn các công trình này đều xây dựng từ lâu, không bảo đảm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Tháng 7/2024, cơ quan chức năng đã yêu cầu dừng hoạt động 22 chung cư mini và gần 16.500 nhà trọ do vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, tính đến ngày 2/4/2025, trên địa bàn thành phố có 1.046 cơ sở nhà trọ, chung cư mini vi phạm phòng cháy, chữa cháy. Trong đó, 209 cơ sở tự ngừng hoạt động trước hạn, số còn lại 837 cơ sở bị đề nghị buộc dừng hoạt động theo quy định, hơn 15.500 người thuê trọ bị ảnh hưởng.
Dự báo nguồn cung nhà trọ giá rẻ giảm mạnh
Các cơ sở nếu muốn tiếp tục hoạt động cho thuê thì bắt buộc phải đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất. Tuy nhiên, chi phí cải tạo không hề nhỏ, có thể lên đến hàng trăm triệu đồng cho một tòa nhà.
Luật sư Lương Thành Đạt, Giám đốc Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn Vì chân lý Themis, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội phân tích: “Đối với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, khoản đầu tư lớn này sẽ tạo áp lực tài chính, buộc họ phải xem xét tăng giá cho thuê phòng để bù đắp dần. Thực tế nhiều khu trọ ở Hà Nội thông báo tăng 300.000-500.000 đồng/tháng (tương đương tăng 15-20%) so với trước, gây gánh nặng cho người thuê”.
Nhiều chủ nhà trọ không có điều kiện tài chính hoặc nhà quá cũ không thể cải tạo đạt chuẩn đã chọn giải pháp đóng cửa.
Nhiều chủ nhà trọ không có điều kiện tài chính hoặc nhà quá cũ không thể cải tạo đạt chuẩn đã chọn giải pháp đóng cửa, từ đây đặt ra vấn đề nguồn cung nhà trọ giá rẻ có nguy cơ sụt giảm. Đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp là sinh viên, công nhân và người thu nhập thấp.
Dự báo xu hướng này sẽ tiếp diễn ít nhất trong ngắn hạn, cho đến khi có nguồn cung mới an toàn, hợp chuẩn (như các ký túc xá, nhà ở xã hội cho thuê) bù đắp cho phần thiếu hụt. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn, đây là việc làm vô cùng cần thiết và nhận được rất nhiều sự đồng thuận, luật sư Lương Thành Đạt nhận định.
Người thuê nhà có thể yêu cầu bồi thường, hỗ trợ từ chủ nhà trọ
Nếu các nhà trọ, chung cư mini phải đóng cửa do không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy thì người thuê nhà chịu nhiều thiệt hại, từ mất chỗ ở, tốn kém chi phí cho đến nguy cơ mất tiền cọc, tài sản. Họ lại không được hưởng cơ chế đền bù tự động từ nhà nước.
Tuy nhiên, theo luật sư Lương Thành Đạt, việc để công trình bị đình chỉ do không tuân thủ yêu cầu phòng cháy, chữa cháy là lỗi của phía chủ sở hữu. Do đó, người thuê trọ, người mua căn hộ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu họ cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Luật sư Lương Thành Đạt, Giám đốc Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn Vì chân lý Themis, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Cụ thể, người thuê có thể đòi chủ nhà hoàn trả tiền cọc, tiền thuê những ngày chưa ở hết, hoặc thậm chí bồi thường chi phí chuyển nhà, chênh lệch tiền thuê (nếu chứng minh được).
Người mua căn hộ có thể yêu cầu chủ đầu tư, bên bán bồi thường thiệt hại vì không cung cấp được chỗ ở an toàn như cam kết, giá trị tài sản giảm...
Mặc dù vậy, khả năng đòi bồi thường phụ thuộc vào hợp đồng giữa hai bên. Nếu hợp đồng mua bán, thuê trọ không quy định rõ ràng điều khoản về phòng cháy, chữa cháy hoặc trách nhiệm trong trường hợp nhà không đủ điều kiện ở, việc yêu cầu bồi thường sẽ gặp nhiều khó khăn. Người thuê, mua có thể phải khởi kiện dân sự để đòi quyền lợi và tòa án sẽ xem xét từng trường hợp cụ thể để quyết định mức bồi thường (nếu có).
Để giảm thiểu tác động tiêu cực tới người dân và duy trì trật tự xã hội, các chuyên gia đưa ra giải pháp: Chính quyền địa phương có trách nhiệm thông báo công khai, kịp thời cho cư dân trong các nhà trọ, chung cư mini biết về quyết định đình chỉ; thông báo sớm giúp người thuê có thời gian tìm nơi ở mới, tránh bị dồn vào tình thế khẩn cấp.
Đồng thời, các phường, xã có thể tổng hợp danh sách các nhà cho thuê an toàn, đạt chuẩn phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn (hoặc lân cận) để giới thiệu cho người dân chuyển đến. Việc này nhằm bảo đảm người thuê trọ, nhất là sinh viên và lao động nhập cư, dễ dàng tìm được chỗ ở an toàn sau khi rời nơi cũ.
Trong trường hợp số lượng người thuê phải di dời lớn, địa phương có thể cân nhắc phương án tạm cư, thí dụ trưng dụng nhà văn hóa, ký túc xá trường học hoặc quỹ nhà ở xã hội chưa sử dụng hết để bố trí tạm thời cho một số lao động, sinh viên khó khăn, giúp họ có thời gian tìm chỗ ở lâu dài.
Ngoài ra, có thể hỗ trợ tài chính khẩn cấp (một lần) cho hộ gia đình đặc biệt khó khăn phải thuê nhà mới trong điều kiện ngân sách địa phương cho phép.
LÊ ĐỨC