Không bỏ trống địa bàn, bỏ lọt vụ việc trong PCCC&CNCH

Không bỏ trống địa bàn, bỏ lọt vụ việc trong PCCC&CNCH
12 giờ trướcBài gốc
Phóng viên Báo và phát thanh, truyền hình Gia Lai có cuộc trao đổi với thượng tá Nguyễn Hoàng Tuấn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (CA tỉnh Gia Lai) xung quanh vấn đề này.
Thượng tá Nguyễn Hoàng Tuấn. Ảnh: K.A
Thưa đồng chí, sau khi tỉnh Gia Lai (mới) chính thức vận hành, công tác PCCC&CNCH được đặt ra như thế nào để đảm bảo đồng bộ, kiểm soát chặt chẽ và không có khoảng trống trong quản lý địa bàn?
- Ngay sau khi có chủ trương hợp nhất hai tỉnh để thành lập tỉnh Gia Lai (mới), lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH (CA tỉnh) đã chủ động xây dựng phương án tổng thể, rà soát toàn bộ cơ sở thuộc diện quản lý PCCC hai địa bàn cũ. Trên cơ sở đó, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH được tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu quả, sát thực tế và địa bàn. Hiện, toàn tỉnh có 7 Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực, được phân công phụ trách theo từng địa bàn, khu vực.
Chẳng hạn, Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực số 1 đảm trách khu vực đô thị, trung tâm hành chính của tỉnh; Đội Chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khu vực số 2, khu vực số 3 đảm trách địa bàn khu kinh tế, khu công nghiệp; Đội Khu vực An Khê, Ayun Pa trước đây, nay là khu vực 6 và khu vực 7 sẽ giữ nguyên hiện trạng địa bàn phụ trách để tránh xáo trộn, gián đoạn những nhiệm vụ đang thực hiện.
Việc kiểm tra, hướng dẫn thực hiện quy định về PCCC được tổ chức lại theo cụm địa bàn liên kết, kết hợp giữa lực lượng chính quy và lực lượng PCCC cơ sở. Đặc biệt, trong quá trình tổ chức kiểm tra, chúng tôi yêu cầu không chỉ nhắc nhở rồi để đó, mà phải kiên quyết khắc phục. Với những cơ sở không đảm bảo an toàn, CA tỉnh kiên quyết đình chỉ hoạt động tạm thời hoặc yêu cầu cải tạo, giảm quy mô tính chất hoạt động ngay theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành. Đây là nhiệm vụ ưu tiên trong 6 tháng cuối năm 2025, nhằm đảm bảo toàn hệ thống vận hành đồng bộ, không bị động.
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tăng cường công tác kiểm tra, khắc phục và hướng dẫn các phương án xử lý tình huống cháy tại DN trong khu công nghiệp của tỉnh. - Trong ảnh: Lực lượng Cảnh sát chữa cháy hướng dẫn cho lực lượng PCCC hoạt động tại Khu công nghiệp Nhơn Hòa (phường An Nhơn Nam). Ảnh: K.A
Từ ngày 1.7.2025, Luật PCCC&CNCH chính thức có hiệu lực, vậy điều này có ảnh hưởng như thế nào đến định hướng triển khai công tác của lực lượng PCCC trên địa bàn tỉnh mới?
- Luật PCCC&CNCH năm 2024 đã bổ sung nhiều điểm quan trọng, đặt ra yêu cầu rất cụ thể đối với người đứng đầu cơ sở, buộc các cá nhân này phải chủ động phòng ngừa và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy nổ do thiếu sót từ khâu kiểm tra, duy tu, vận hành hệ thống PCCC. Ngoài ra, Luật cũng mở rộng phạm vi điều chỉnh, tăng mức xử phạt và đặc biệt là bổ sung quy định về tổ chức lực lượng PCCC tại chỗ theo hướng bài bản, rõ trách nhiệm.
Trên cơ sở đó, CA tỉnh Gia Lai đã triển khai ngay đợt cao điểm tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Luật PCCC&CNCH mới tại các địa bàn có nguy cơ cao như các khu công nghiệp; các cơ sở nguy hiểm cháy, nổ… Tính đến hết tháng 6.2025, chúng tôi đã tiếp cận và hướng dẫn trực tiếp cho hơn 1.200 cơ sở trọng điểm. Hầu hết đã cập nhật phương án PCCC, tổ chức tập huấn, ký cam kết thực hiện nghiêm.
Việc thực thi Luật PCCC&CNCH năm 2024 không chỉ dừng ở việc tuyên truyền, vận động mà được chúng tôi gắn trực tiếp với hoạt động kiểm tra định kỳ. Theo đó, các đội công tác được giao chỉ tiêu cụ thể, có kiểm tra, đánh giá, từ đó nâng cao ý thức tự phòng, tự quản cho người dân và cơ quan, đơn vị.
Trong điều kiện còn chênh lệch về năng lực giữa các vùng, nhất là vùng sâu vùng xa, đơn vị có giải pháp gì để nâng cao hiệu quả PCCC&CNCH tại chỗ, ứng phó kịp thời nếu có sự cố xảy ra?
- Thực tế cho thấy, vùng sâu, vùng xa, vùng giáp ranh luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao, trong khi lực lượng và phương tiện tại chỗ còn hạn chế. Với phương châm “chủ động từ cơ sở, kiểm soát tại chỗ, không để cháy nhỏ thành cháy lớn”, chúng tôi xác định rõ lực lượng PCCC cơ sở là tuyến đầu trong phòng ngừa và ứng phó sự cố. Hiện nay, các xã, phường trên địa bàn tỉnh đều có lực lượng dân phòng, lực lượng ANTT tại cơ sở, các thành viên trong hai lực lượng này được tập huấn kỹ năng xử lý tình huống, sử dụng thiết bị và phối hợp khi xảy ra cháy rừng, cháy nhà dân, cháy kho bãi…
Riêng trong quý II/2025, chúng tôi đã tổ chức hơn chục đợt huấn luyện, diễn tập tại các khu vực, địa bàn miền núi. Đây không chỉ là dịp để rèn kỹ năng mà còn giúp các địa phương rà soát và hoàn thiện phương án phối hợp, từ báo tin, huy động lực lượng đến triển khai phương tiện.
Điều đáng mừng là nhiều xã, phường đã chủ động xây dựng phương án phòng ngừa phù hợp đặc thù địa hình, mùa vụ và tập quán sinh hoạt. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo sát, kiểm tra định kỳ và khuyến khích nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng”, nhằm hình thành thế trận phòng cháy hiệu quả, bao phủ toàn diện, không để trống địa bàn.
Xin cảm ơn đồng chí!
KIỀU ANH
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/khong-bo-trong-dia-ban-bo-lot-vu-viec-trong-pccccnch-post330968.html