Không cấm dạy thêm, nhưng cần nâng cao chất lượng dạy thật

Không cấm dạy thêm, nhưng cần nâng cao chất lượng dạy thật
2 ngày trướcBài gốc
Chỉ cấm những hiện tượng tiêu cực
Từ ngày 14/2, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GDĐT chính thức có hiệu lực với nhiều quy định nhằm hạn chế hành vi ép học sinh phải học thêm.
Bộ GDĐT cho biết, khi xây dựng thông tư mới về dạy thêm, học thêm, Bộ xác định chỉ cấm những hiện tượng tiêu cực, không cấm những nhu cầu có thực và chính đáng của cả người dạy và người học.
Đây được xem là quy định phù hợp với tình hình thực tế và bỏ được tư duy “không quản được thì cấm” trong việc xây dựng các quy định của pháp luật.
Một giờ học chính khóa của cô và trò Trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ, Hà Nội).
Theo thông tư mới ban hành, có 3 trường hợp không được dạy thêm gồm: học sinh tiểu học; giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường; giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Thông tư mới quy định, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Thông tư cũng tăng trách nhiệm quản lý của hiệu trưởng đối với giáo viên thuộc sự quản lý của mình khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường bằng quy định: “Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm”.
Cần nâng cao chất lượng dạy thật, học thật
Lâu nay, vấn đề dạy thêm, học thêm luôn thu hút sự quan tâm được biệt của xã hội. Nhiều hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm, học thêm đã được chỉ ra như: giáo viên dạy trên trường dạy lấy lệ để ép học sinh phải học thêm; dạy thêm, học thêm làm tăng áp lực tài chính cho phụ huynh; học sinh không đi học thêm bị giáo viên “trù dập”…
Thực tế, việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật. Chị Nguyễn Ánh Hồng, một phụ huynh ở Hà Nội cho rằng, với chương trình học như hiện nay, học sinh cần phải học thêm, bồi dưỡng kiến thức. Vấn đề quan trọng là cách quản lý việc dạy thêm, học thêm như thế nào để hạn chế biến tướng, tiêu cực.
Giáo viên một trường THPT trên địa bàn TP Hà Nội cũng cho rằng, quy định mới nhằm hạn chế tiêu cực của dạy thêm học thêm, nhưng khi thông tư có hiệu lực, việc tổ chức, quản lý việc dạy thêm, học thêm có đúng như quy định nêu ra hay không là bài toán đặt ra.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, điều quan trọng số một hiện nay là làm sao nâng cao chất lượng dạy thật, học thật ở ngay tại các lớp, các nhà trường, từ đó để học sinh có đủ kiến thức, tham gia lớp học tiếp theo và trải qua các kỳ thi mà không cần học thêm.
Thông tin về thông tư mới, Bộ GDĐT cho biết, thông tư được xây dựng trên các quan điểm, dạy thêm, học thêm liên quan đến hoạt động giáo dục, tới học sinh và giáo viên nên cần phải quản lý thông qua việc ban hành các quy định nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của giáo viên, học sinh, gia đình học sinh theo các quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm không ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường; không ảnh hưởng tới việc thực hiện chương trình môn học của giáo viên.
Ngoài ra, việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm lợi ích của học sinh; ngăn chặn các nguy cơ dẫn đến tình trạng học sinh mặc dù không có nguyện vọng, không có nhu cầu nhưng vẫn phải đi học thêm ở các lớp dạy thêm do nhà trường, giáo viên tổ chức.
Nguyễn Hoài
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/khong-cam-day-them-nhung-can-nang-cao-chat-luong-day-that-10297807.html