Không cào bằng khi bố trí cán bộ tại phường, xã mới

Không cào bằng khi bố trí cán bộ tại phường, xã mới
11 giờ trướcBài gốc
Dự kiến trước ngày 1/7 tới, thành phố Hà Nội sẽ hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy mới ở cấp xã, phường. Quá trình bàn giao giữa cấp quận, huyện và xã phường đang diễn ra hiện khẩn trương để đảm bảo mô hình mới đi vào hoạt động thông suốt, không bị gián đoạn. Đài Hà Nội đã có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đình Cảnh xung quanh vấn đề này.
Dự kiến tên gọi 126 xã, phường mới ở Hà Nội sau sắp xếp
PV: Thưa ông. Sở Nội vụ được UBND TP Hà Nội giao chủ trì xây dựng phương án và đề án sắp xếp đơn vị hành chính cơ sở cấp xã, phường sau khi bỏ cấp huyện. Ông có thể cho biết kết quả lấy ý kiến nhân dân tại 30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô về phương án sắp xếp còn 126 đơn vị hành chính cấp xã cùng tên gọi mới?
Việc lấy ý kiến đại diện cử tri hộ gia đình tham gia góp ý phương án sắp xếp đơn vị hành chính cũng như tên gọi dự kiến của 126 xã, phường cho thấy tín hiệu rất tích cực. Toàn bộ cử tri Hà Nội đều thống nhất rất cao với phương án, đơn vị thấp nhất cũng đạt 92% và có 38 đơn vị hành chính cấp xã đạt tỷ lệ đồng thuận 100%. Nhân dân ủng hộ cao cách triển khai, chỉ đạo và phương pháp làm việc của lãnh đạo thành phố. Phương án đưa ra cũng được đánh giá hợp lý và khả thi. Gần như 100% người dân ủng hộ phương án tên gọi các xã phường do thành phố đề xuất.
Có thể nói các tiêu chí, tiêu chuẩn và nguyên tắc của Hà Nội đều được xây dựng trên cơ sở tuân thủ quy định của Trung ương, đảm bảo cả về tỷ lệ và số lượng. Trong quá trình triển khai, Hà Nội cũng xác định có nhiều yếu tố rất đặc thù. Đó là Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thủ đô; Luật Thủ đô và đặc biệt là hai quy hoạch do Thủ tướng phê duyệt gồm: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Những đặc thù này nhằm đảm bảo để bảo đảm tính liền mạch, không chia cắt trong quản lý, trong sự đồng bộ, liên thông của hệ thống kết cấu hạ tầng và phát huy hiệu quả của các khu vực trọng điểm, vùng động lực phát triển.
Cử tri phường Kim Giang lấy ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính phường, giai đoạn 2023 - 2025.
PV: Theo ông, vì sao có sự đồng thuận cao như vậy?
Sự đồng thuận cao của nhân dân Hà Nội trước hết xuất phát từ sự thống nhất và ủng hộ mạnh mẽ đối với tinh thần chỉ đạo của Trung ương. Đây là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, phù hợp nguyện vọng của nhân dân. Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính không chỉ nhằm khắc phục triệt để những hạn chế và bất cập trong thực tiễn hiện nay, mà còn tạo ra không gian mới, sức bật mới cho sự phát triển của Thủ đô trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn.
Bên cạnh đó, sự đồng thuận còn đến từ cách thức tổ chức thực hiện rất chặt chẽ, nghiêm túc và bài bản của lãnh đạo thành phố. Chúng tôi triển khai dựa trên những căn cứ khoa học rõ ràng, luôn đặt mục tiêu thống nhất và đồng thuận làm trọng tâm. Trong quá trình nghiên cứu, Sở Nội vụ đã xây dựng nhiều phương án tổ chức lại các đơn vị hành chính, đặc biệt là việc xác lập địa giới hành chính.
Chúng tôi dựa trên hiện trạng địa lý, dân cư cũng như thực tiễn quản lý để nhận diện những vấn đề bất cập đã được cán bộ, đảng viên và dư luận phản ánh trong suốt thời gian dài. Đồng thời, chúng tôi cũng cập nhật các bản đồ quy hoạch mới, đặc biệt là hai quyết định quy hoạch vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tất cả nhằm đảm bảo xử lý được các tồn tại mang tính lịch sử, đáp ứng yêu cầu quản lý hiện tại và tạo nền tảng ổn định cho sự phát triển bền vững của Hà Nội trong tương lai.
PV: Trong đợt sắp xếp đơn vị hành chính lần này, Hà Nội phân định địa giới hành chính các xã, phường theo những yếu tố tự nhiên như: ven sông, tuyến đường... Chủ trương sắp xếp này dựa trên cơ sở thực tiễn nào, thưa ông?
Do yếu tố lịch sử để lại, địa bàn Hà Nội hiện tồn tại nhiều điểm bất cập trong quản lý hành chính. Nhiều khu dân cư, tổ dân phố, hay thậm chí cả phường bị chồng lấn, đan xen nhau thiếu hợp lý. Ví dụ, một khu đô thị lại do 3-4 phường cùng quản lý, hoặc một tổ dân phố trải dài qua nhiều tuyến đường. Điều này khiến công tác quản lý nhà nước phức tạp, thiếu thống nhất, đồng thời gây không ít khó khăn cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính.
Chính vì vậy, trong quá trình tham mưu, Sở Nội vụ đã đề xuất thành phố rằng, đối với các quận nội đô, việc xác lập địa giới hành chính mới nên dựa theo tuyến đường, tuyến sông hoặc hồ. Mục tiêu là tạo ranh giới rõ ràng, hợp lý, thuận tiện hơn cho công tác tổ chức, quản lý của chính quyền địa phương, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân và các tổ chức trong giao dịch, liên hệ công tác với chính quyền.
Còn đối với khu vực cấp huyện, cấp xã, đặc biệt là các huyện ngoại thành, chúng tôi đề xuất một hướng tiếp cận khác. Do đặc thù văn hóa làng xã, yếu tố dòng họ và sự gắn bó lâu đời của người dân với mảnh đất của mình, việc cắt theo các tuyến đường có thể ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần, văn hóa cũng như tư liệu sản xuất của người dân. Có những trường hợp người dân cư trú tại một địa điểm, nhưng đất canh tác hoặc nghĩa trang lại nằm ở một địa bàn khác. Nếu cắt ranh giới theo tuyến giao thông sẽ gây ra những xáo trộn không đáng có.
Do vậy, với khu vực này, chúng tôi đề xuất giữ nguyên địa giới hành chính hiện có của các xã. Với những danh giới hiện trạng có sự bất cập, chồng lấn, đan xen, chúng tôi kiên quyết xử lý dứt điểm, cắt bỏ những phần không hợp lý.
Ví dụ điển hình là khu công nghiệp Thạch Thất – Quốc Oai. Hiện nay, khu công nghiệp này do cả hai huyện cùng quản lý, gây khó khăn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết thủ tục hành chính hay triển khai các nhiệm vụ như phòng chống dịch, cấp nước, điện, hạ tầng... Trên cơ sở đó, chúng tôi đã đề xuất điều chỉnh về một đơn vị hành chính cấp xã mới, do một địa phương thống nhất quản lý. Cách làm này không chỉ thuận lợi hơn cho công tác quản lý nhà nước mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp đang hoạt động tại đây.
Trong các phương án sắp xếp đơn vị hành chính, chúng tôi căn cứ vị trí trung tâm chính trị - hành chính, truyền thống lịch sử - văn hóa của Thủ đô. Có rất nhiều khu vực quan trọng như trung tâm, di tích danh thắng, mà chỉ khi sáp nhập thành đơn vị hành chính mới thì mới đảm bảo được tính đồng bộ, không bị chia cắt. Trong phát triển kinh tế - xã hội, Hà Nội cũng đang hình thành nhiều khu đô thị mới có vai trò như động lực tăng trưởng. Trong quy hoạch, Hà Nội cũng là vùng động lực phát triển của lưu vực sông Hồng - khu kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Do đó, các cảng, logistics và trung tâm đầu mối giao thông sẽ được tổ chức theo định hướng quy hoạch đơn vị hành chính cơ sở, để đảm bảo hiệu quả trong quản lý và đầu tư khai thác.
KCN Thạch Thất Quốc Oai
PV: Trong phương án đặt tên đơn vị hành chính xã, phường sau sắp xếp của Hà Nội, có một điểm rất đặc biệt là duy trì 100% tên gọi của các đơn vị hành chính cấp huyện hiện có. Ngoài ra, cũng có những tên mới được đề xuất. Vì sao, Hà Nội đưa ra phương án đặt tên này?
Hà Nội là Thủ đô, giữ vai trò trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, do vậy nhiều địa danh, đặc biệt là tên các quận, huyện, đã đi sâu vào tiềm thức và tình cảm của người dân cả nước, không chỉ riêng người dân Thủ đô. Việc giữ lại tên của một số địa danh tiêu biểu trong số 30 quận, huyện – trong đó có những phường mang tính đại diện – không chỉ nhằm đảm bảo tính kế thừa và giữ gìn truyền thống, mà còn thể hiện tình cảm trân trọng của người dân Hà Nội cũng như nhân dân cả nước.
Đối với các phường mới không thuộc các địa danh tiêu biểu, không gắn liền các di tích nổi bật hay địa danh quen thuộc, chúng tôi lựa chọn những tên gọi gắn liền với các di sản văn hóa, yếu tố lịch sử, truyền thống. Cách làm này đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ rất lớn của nhân dân, thể hiện rõ qua kết quả lấy ý kiến cử tri về việc đặt tên các xã, phường mới được hình thành.
Một trong những nguyên tắc để đặt tên cho xã, phương mới là căn cứ vào truyền thống lịch sử, các tên gọi đã hình thành từ lâu đời của nhiều xã, nhiều địa phương để xây dựng phương án đặt tên. Đây là những tên gọi quen thuộc, gắn bó mật thiết với người dân, vì vậy cũng nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn từ nhân dân.
Tên gọi Hoàn Kiếm được giữ lại để đặt cho phường mới.
Ngay từ khi xây dựng phương án, chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương. Những ý kiến phản ánh của nhân dân đều được chính quyền quận, huyện cùng với lãnh đạo Sở Nội vụ trao đổi, thảo luận kỹ lưỡng. Trên cơ sở đó, chúng tôi tổng hợp và báo cáo, đề xuất lãnh đạo thành phố xem xét, điều chỉnh cả về tên gọi, địa danh hành chính, cũng như đảm bảo phù hợp điều kiện sản xuất, sinh sống cụ thể của từng địa bàn cư dân.
PV: Câu chuyện điều chỉnh mà ông vừa nhắc tới có phải là tổ chức lại việc lấy ý kiến nhân dân về tên gọi của xã Bất Bạt (hợp nhất từ bốn xã Tòng Bạt, Thuần Mỹ, Sơn Đà, Cẩm Lĩnh), thay cho Cẩm Đà như dự thảo trước đó?
Khi lấy ý kiến nhân dân về đơn vị hành chính này thì cơ bản nhận được sự đồng thuận rất cao, trên 90%. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều cán bộ chủ chốt cũng phản ánh rằng, đây vốn là địa bàn của một đơn vị hành chính cũ – như huyện Quảng Oai hay Bất Bạt trước đây. Do vậy, nhiều người đề xuất sử dụng lại tên gọi cũ Bất Bạt, vốn đã tồn tại từ xa xưa, bao gồm phạm vi của cả 4 xã hiện nay.
Chính vì vậy, Thường trực Huyện ủy Ba Vì cùng với lãnh đạo huyện đã chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến lại và sẽ họp HĐND huyện để biểu quyết, thống nhất lại phương án đặt tên. Điều này cho thấy rằng, trong quá trình thực hiện, dù đã có sự thống nhất cao từ phía cử tri, nhưng khi tiếp nhận thêm ý kiến phản ánh phù hợp thực tiễn và được đông đảo dư luận đồng tình, thì chúng tôi sẵn sàng tiếp thu và điều chỉnh kịp thời.
Tôi cho rằng, cách làm này sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân Thủ đô đối với chủ trương và các phương án mà thành phố đưa ra, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính, bảo đảm tiến độ theo yêu cầu của Trung ương.
PV: Vậy, ông có thể nói rõ hơn về mô hình tổ chức mới tại đơn vị hành chính cơ sở sẽ được bố trí thế nào?
Các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp xã cũng như các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cấp xã đang được Hà Nội xây dựng phương án tổ chức lại theo đúng định hướng chỉ đạo của Chính phủ. Chúng tôi tuyệt đối chấp hành nghiêm túc Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các nghị định hướng dẫn thi hành.
Hiện tại, theo đề xuất của Chính phủ, mô hình tổ chức sẽ gồm: Văn phòng Hội đồng nhân dân và UBND; Phòng Kinh tế - Hạ tầng - Đô thị; Phòng Văn hóa - Xã hội; và Trung tâm phục vụ hành chính công. Trước mắt, Hà Nội cũng đang đề xuất theo định hướng này. Tuy nhiên, mọi việc vẫn đang chờ vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) cũng như các nghị định hướng dẫn cụ thể từ Chính phủ.
Trong đó, Hà Nội có một đặc thù rất đáng chú ý là mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công. Hiện nay, thành phố đang thực hiện thí điểm mô hình này trên toàn thành phố, với 20-22 trung tâm phục vụ hành chính công cấp khu vực, cùng với đó là 34 điểm giao dịch cụ thể tại các địa phương.
Qua hơn 6 tháng triển khai thí điểm, mô hình này đã mang lại hiệu quả rất tích cực, nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao từ người dân. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, trong tương lai gần, Trung tâm phục vụ hành chính công nên được xem là một tổ chức hành chính riêng biệt. Nếu được xác định là một phòng chuyên môn trực thuộc UBND cấp xã, thì việc bố trí 4 phòng như vậy đối với Hà Nội hoàn toàn phù hợp.
Sở Nội vụ cũng đã báo cáo, kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét lại tên gọi cũng như cách tổ chức các phòng, tùy theo chức năng, nhiệm vụ, khối lượng công việc và đặc thù thực tiễn của từng địa phương. Ví dụ, như Hà Nội là đô thị đặc biệt, có khối lượng công việc lớn, tính chất nhiệm vụ phức tạp và yêu cầu cao, thì mô hình tổ chức các phòng tại cấp xã của Hà Nội rõ ràng cần khác biệt với những địa phương có quy mô nhỏ hơn hoặc áp lực công việc thấp hơn.
PV: Là đơn vị xây dựng Đề án, Sở Nội vụ tiếp nhận phản ánh, tâm tư của cán bộ trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính thế nào?
Trên thực tế, Hà Nội có những phường quy mô dân số gần 100.000 người. Trong khi đó, mô hình tổ chức theo phường cũ chỉ từ 15 đến 22 cán bộ công chức, nhưng vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nghị định 33 của Chính phủ cũng đã cho phép tăng thêm số lượng công chức tại các phường có dân số vượt mức quy định.
Trong quá trình sắp xếp lại các đơn vị hành chính, thành phố Hà Nội xuất hiện nhiều phường mới có quy mô dân cư rất lớn. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, với mô hình tổ chức mới, cùng với năng lực, trình độ và sự chủ động của đội ngũ cán bộ từ cấp quận, huyện, hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu công việc.
Mô hình tổ chức của phường cũ chỉ từ 15 đến 22 cán bộ công chức.
Phương án của Sở Nội vụ cũng không áp dụng dàn đều số lượng cán bộ cho tất cả các đơn vị hành chính xã, phường mới. Những xã, phường có khối lượng công việc lớn sẽ được bố trí nhiều cán bộ hơn so với những nơi có nhiệm vụ đơn giản hơn. Việc phân bổ này dựa trên các yếu tố như diện tích, dân số, số lượng tổ dân phố và khối lượng thủ tục hành chính.
Hiện nay, Chính phủ chưa đưa ra quy định cụ thể về biên chế đối với các đơn vị hành chính cấp xã, phường mới. Vì vậy, chúng tôi vẫn giữ nguyên số lượng biên chế hiện có ở cấp huyện và cấp xã, phường. Trên cơ sở đó, thành phố sẽ tính toán, bố trí lại cho phù hợp, đảm bảo đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, đủ thời gian và thời lượng để thực hiện tốt nhiệm vụ, phục vụ nhân dân và tổ chức một cách hiệu quả.
Dĩ nhiên, trong quá trình tinh giản bộ máy và sắp xếp lại đội ngũ, yếu tố tâm lý và tư tưởng là điều không thể tránh khỏi. Thời gian qua, Sở Nội vụ cũng đang tiếp nhận và giải quyết khá nhiều hồ sơ của cán bộ xin nghỉ theo các Nghị định 178 và 67 của Chính phủ. Thành phố đã ban hành hướng dẫn cụ thể về tiêu chí để rà soát, đánh giá, phân loại và thực hiện tinh giản đội ngũ. Tuy nhiên, quá trình này sẽ cần một khoảng thời gian đủ dài. Trung ương đã cho phép thực hiện trong vòng 5 năm, nên không thể nóng vội, càng không thể “ngày một, ngày hai” đánh giá hết toàn bộ thực trạng đội ngũ cán bộ. Hiệu quả công việc sẽ là yếu tố then chốt trong việc sắp xếp và bố trí nhân sự phù hợp.
Tất cả những nội dung liên quan đến công tác sắp xếp, tổ chức lại bộ máy chúng tôi đều tính toán rất kỹ lưỡng. Riêng với Hà Nội, đội ngũ cán bộ công chức và biên chế hiện nay khá lớn. Cụ thể, thành phố đang có 8.056 cán bộ bán chuyên trách và gần 9.000 cán bộ, công chức cấp xã.
Chính vì vậy, khi thực hiện tinh gọn bộ máy, chấm dứt nhiệm vụ của lực lượng bán chuyên trách và bố trí lại đội ngũ cán bộ công chức cấp huyện, cấp xã về các địa phương, môi trường làm việc mới, địa điểm làm việc mới... chắc chắn sẽ tác động không nhỏ đến tâm lý, tình cảm của cán bộ.
Tuy nhiên, thành phố đã chuẩn bị và định hướng rất cụ thể với những chỉ đạo sát sao để đảm bảo toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức sẽ tiếp tục phát huy năng lực, trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ, đặc biệt là phục vụ người dân hiệu quả nhất. Điều này góp phần thúc đẩy sự phát triển đồng đều giữa các địa phương cũng như thành phố.
PV: Vậy, chức năng, nhiệm vụ có bị chồng chéo sau sắp xếp thưa ông?
Chúng tôi khẳng định sẽ không để xảy ra tình trạng chồng chéo, dẫm chân hoặc bỏ sót nhiệm vụ. Trên cơ sở số phòng chuyên môn, chức năng nhiệm vụ và khối lượng công việc, Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND thành phố ban hành định hướng cụ thể, từ chức năng – nhiệm vụ, vị trí việc làm cho đến yêu cầu chuyên môn, khối lượng công việc, trình độ đào tạo. Tất cả cán bộ, công chức sẽ được sắp xếp hợp lý, không để trùng lặp hoặc thiếu hụt chức năng giữa các phòng và đơn vị, đảm bảo bộ máy hoạt động hiệu quả và toàn diện.
Sau khi bỏ cấp huyện, chính quyền cấp xã, phường phải có đủ khả năng đáp ứng mọi yêu cầu về phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời phục vụ doanh nghiệp, tổ chức và người dân tốt nhất.
Chúng tôi đã tổng hợp đầy đủ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn. Thành phố đang thực hiện đúng theo định hướng chung của Trung ương. Tuy nhiên, cơ cấu tổ chức bộ máy, nguyên tắc tổ chức thế nào thì vẫn phải chờ Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và các nghị định hướng dẫn thi hành. Tôi tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo sát sao của Trung ương, Hà Nội sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ này trong thời gian tới.
PV: Những băn khoăn, lo lắng của người dân khi thay đổi địa giới hành chính sẽ đươc giải quyết thế nào, thưa ông?
Tôi nghĩ rằng điều trăn trở lớn nhất chính là tâm lý và sự tiếp cận của người dân khi có sự thay đổi đơn vị hành chính. Thực tế cho thấy, không ít người dân còn băn khoăn, lo lắng, ví dụ như việc con cái sẽ học ở đâu, chăm sóc y tế sẽ được thực hiện thế nào, và đặc biệt là liệu việc giải quyết thủ tục hành chính có thuận tiện hơn không khi địa bàn hành chính mới rộng hơn. Đây là những điều rất xác đáng và chúng tôi đang tiếp thu nghiêm túc để có những điều chỉnh, sắp xếp hợp lý, đảm bảo sự thuận lợi tối đa cho người dân trong quá trình chuyển đổi.
Liên quan đến các loại giấy tờ của người dân và tổ chức sau khi thành lập 126 đơn vị hành chính mới, thành phố đang chờ hướng dẫn chính thức của Bộ Công an và Tư pháp. Sau khi có chỉ đạo cụ thể, các sở, ngành chức năng của Hà Nội sẽ chủ động tham mưu, hướng dẫn triển khai theo đúng định hướng và quy định của các bộ, ngành Trung ương. Mục tiêu là đảm bảo quyền lợi, tránh phát sinh thủ tục phức tạp, không gây xáo trộn cho tổ chức và cá nhân.
PV: Làm thế nào để vừa đảm bảo sắp xếp cán bộ khoa học, hợp lý trong khi vẫn đảm bảo hiệu quả phục vụ người dân, duy trì sự ổn định tổ chức trong giai đoạn chuyển tiếp?
Thời gian tới, thành phố sẽ chỉ đạo các quận, huyện căn cứ số lượng đơn vị hành chính mới được chia tách để chủ động đề xuất phương án bố trí bộ máy, biên chế phù hợp các địa phương.
Việc sắp xếp sẽ dựa trên trình độ đào tạo và chuyên môn nghiệp vụ, đảm bảo mỗi đơn vị hành chính cấp xã đều có đầy đủ cán bộ ở các lĩnh vực trọng yếu như xây dựng, tài chính, văn hóa, xã hội... Điều này bộ máy vận hành thông suốt, không gián đoạn và đặc biệt không gây ảnh hưởng đến tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong quá trình chuyển đổi.
Hiện nay, công tác tham mưu, đề xuất phương án sắp xếp đội ngũ cán bộ đang được giao cho các quận, huyện chủ động thực hiện. Thành phố đang khẩn trương hoàn thiện đề án tổng thể để báo cáo Chính phủ trước ngày 30/4. Sau khi đề án được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt, thành phố sẽ chính thức triển khai việc hướng dẫn cụ thể mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ và bố trí đội ngũ cán bộ.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, chính quyền cấp huyện hiện tại sẽ vận hành và thực hiện đầy đủ nhiệm vụ đến hết ngày 30/6. Từ ngày 1/7 tới, mô hình tổ chức hành chính xã, phường mới sẽ chính thức hoạt động. Trong giai đoạn chuyển tiếp, cấp huyện vẫn sẽ đóng vai trò phối hợp, hỗ trợ tích cực cho thành phố trong việc tổ chức thực hiện đề án một cách hiệu quả, nhịp nhàng và đúng tiến độ.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt, với mục tiêu trước ngày 1/7 phải hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy mới ở cấp xã. Quá trình bàn giao giữa cấp huyện và cấp xã cần được thực hiện khẩn trương, bài bản để đảm bảo khi mô hình mới đi vào hoạt động, mọi nhiệm vụ đều diễn ra thông suốt, không bị gián đoạn.
Thành phố đặc biệt chú trọng tới những dịch vụ công thiết yếu trực tiếp phục vụ đời sống người dân trong giai đoạn chuyển tiếp như: vệ sinh môi trường, xử lý rác thải, cấp nước và duy trì hạ tầng kỹ thuật đô thị. Lãnh đạo thành phố xác định rõ: chỉ cần để xảy ra gián đoạn dù chỉ một ngày trong xử lý rác thải, cấp nước hay điện sinh hoạt, hậu quả đối với người dân sẽ rất lớn. Vì vậy, trong quá trình sắp xếp, thành phố đã và đang tập trung chỉ đạo để các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, đảm bảo mọi hoạt động thiết yếu liên quan đến người dân được duy trì ổn định.
PV: Vậy, những nhiệm vụ còn dang dở của cấp huyện sẽ được xử lý thế nào để đảm bảo tiến độ nêu trên, thưa ông?
Cấp huyện vẫn còn nhiều công việc đang trong quá trình thực hiện, từ nhiệm vụ chính trị cho đến các dự án đầu tư xây dựng cơ bản. Thành phố sẽ có cơ chế xử lý chuyển tiếp các nhiệm vụ dở để tuân thủ đúng quy định pháp luật và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương.
Cụ thể, các dự án đầu tư sẽ tiếp tục được triển khai theo đúng tiến độ, đồng thời thành phố sẽ phân công rõ đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện, quyết toán, giải quyết các vấn đề tài chính liên quan. Tất cả các nội dung này sẽ được thực hiện minh bạch, bài bản, trên tinh thần bảo đảm lợi ích của người dân và sự phát triển ổn định của địa phương.
PV: Sau khi lấy ý kiến nhân dân, lộ trình tiếp theo của đề án là gì, thưa ông?
Ngay sau khi hoàn tất việc lấy ý kiến nhân dân và nhận được xác nhận, thống nhất của Văn phòng Hội đồng nhân dân thành phố, Hà Nội đã xây dựng lộ trình triển khai cụ thể để đảm bảo tiến độ sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã theo đúng yêu cầu của Trung ương.
Theo đó, ngày 28/4, Thường trực Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sẽ họp, xem xét và thông qua chủ trương về phương án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã.
Tiếp đó, ngày 29/4, HĐND thành phố sẽ tiến hành kỳ họp chuyên đề (bất thường) để ban hành nghị quyết tán thành chủ trương sắp xếp theo đúng quy định pháp luật.
Ngay sau khi nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố được thông qua, Sở Nội vụ sẽ khẩn trương hoàn thiện đề án chính thức, trình UBND thành phố phê duyệt, ký ban hành và gửi Bộ Nội vụ, Chính phủ cùng các cơ quan Trung ương theo đúng trình tự, thủ tục.
Thành phố quyết tâm hoàn thành việc gửi đề án chính thức trước ngày 30/4, bảo đảm tiến độ chung theo yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.
Xin trân trọng cảm ơn ông./.
Thực hiện: Khiếu Hương
Biên tập: Minh Hoàn
Đồ họa: Thanh Nga
Khiếu Hương
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/khong-cao-bang-khi-bo-tri-can-bo-tai-phuong-xa-moi-325692.htm