Khống chế dịch tả lợn châu Phi

Khống chế dịch tả lợn châu Phi
7 giờ trướcBài gốc
Phụ trách địa bàn phường Chiềng Sinh, nhiều ngày nay, khi phát hiện ổ dịch tại các tổ, bản, anh Lù Văn Tiên, viên chức Trạm Kỹ thuật nông nghiệp khu vực XII luôn bám địa bàn để phối hợp với chính quyền địa phương thành lập các đội phản ứng nhanh, tiêu hủy lợn mắc bệnh và khử trùng chuồng trại, ngăn dịch bệnh lây lan.
Đội phản ứng nhanh tiêu hủy lợn mắc bệnh tại gia đình chị Lò Thị Ánh, bản Kềm, phường Chiềng Sinh.
Anh Tiên thông tin: Từ khi phát hiện ổ dịch vào ngày 8/6 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 6 hộ chăn nuôi ở 3 tổ, bản làm 131 con lợn bị nhiễm bệnh, buộc phải tiêu hủy, tổng trọng lượng 10.557 kg. Chúng tôi đã hướng dẫn hộ chăn nuôi thực hiện phun hóa chất tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột quanh khu vực chăn nuôi, khẩn trương khoanh vùng, dập dịch.
Nhân dân phường Chiềng sinh phun hóa chất khử khuẩn khu chăn nuôi.
Bà Lò Thị Ánh, bản Kềm, phường Chiềng Sinh, chia sẻ: Gia đình tôi nuôi 12 con lợn, bị mắc dịch tả lợn châu Phi buộc phải tiêu hủy, gây thiệt hại lớn đối với gia đình. Hiện nay, gia đình đã phun hóa chất, rắc vôi bột khử khuẩn chuồng trại theo hướng dẫn của cán bộ thú y. Tôi mong các cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ gia đình sớm có điều kiện tái đàn, phục hồi chăn nuôi.
Tại xã Mường Bú, sau khi phát hiện ổ dịch vào ngày 19/6, xã cử cán bộ chuyên môn trực tiếp xuống các bản, tiểu khu thành lập đội phản ứng nhanh để tiêu hủy 92 con lợn bệnh, tổng trọng lượng trên 5.000 kg, hỗ trợ lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ thiệt hại. Đồng thời, cấp trên 100 lít hóa chất REBENCID 50 và 500 kg vôi bột cho các bản thực hiện tiêu độc khử trùng chuồng trại, vùng nguy cơ; lập 3 chốt kiểm soát dịch tăng cường kiểm soát vận chuyển, buôn bán lợn trên địa bàn…
Cán bộ xã Mường Bú cấp vôi bột khử trùng chuồng trại cho nhân dân.
Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết: Từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 49 lượt tổ, bản của 25 xã, phường trong tỉnh, buộc tiêu hủy 1.301 con, tổng trọng lượng trên 64,2 tấn. Chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Môi trường có văn bản chỉ đạo các Trạm Kỹ thuật nông nghiệp khu vực triển khai thực hiện tiêm phòng tại địa bàn trọng điểm. Đến nay, Chi cục phân bổ trên 310 lít hóa chất, 1.640 kg vôi bột cho các địa phương phun tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi tại hộ có dịch, vùng nguy cơ. Phối hợp với lực lượng chức năng kiểm dịch, kiểm soát giết mổ lợn và sản phẩm từ lợn; ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép.
Đối với các hộ chăn nuôi, khuyến cáo áp dụng các biện pháp phòng dịch từ sớm, thực hiện “5 không” trong phòng dịch: Không giấu dịch, không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
Tại các cơ sở chăn nuôi, định kỳ thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc khu vực chăn nuôi bằng vôi bột hoặc hóa chất; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc đối với người, phương tiện ra, vào khu vực chăn nuôi. Tuyên truyền các hộ thực hiện tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn lợn, đó là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay.
Bà Lò Thị Nhất, tiểu khu 1, xã Mường Bú, cho biết: Vắc xin dịch tả lợn châu Phi giá khoảng 60.000 đồng/liều, cao nhất trong các loại vắc xin cho gia súc, nhưng chỉ cần tiêm một liều duy nhất, hiệu quả kéo dài tới 6 tháng. Gia đình tôi duy trì tiêm phòng cho đàn lợn nên không xảy ra dịch như trước.
Nhân dân xã Mường Bú rắc vôi bột khử trùng khu vực chăn nuôi.
Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa có thuốc chữa, nên việc phòng ngừa hết sức quan trọng. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, các hộ chăn nuôi cần nâng cao ý thức, chủ động phương án xử lý, đầu tư nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học, khép kín, từ khâu chọn giống đến bảo quản thức ăn, để đàn lợn phát triển khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, đẩy lùi dịch tả lợn châu Phi, giảm thiểu thiệt hại kinh tế.
Lò Thái
Nguồn Sơn La : https://baosonla.org.vn/ban-can-biet/khong-che-dich-ta-lon-chau-phi-17qM2OwNR.html