Đã đủ sức răn đe
Từ ngày 1/1/2025, Nghị định 168/2024/NĐ - CP (Nghị định 168) của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe đã chính thức có hiệu lực.
Tại Nghị định 168/2024/NĐ - CP, hàng loạt hành vi vi phạm giao thông phải chịu mức xử phạt hành chính cao gấp nhiều lần, thậm chí hàng chục lần so với trước đây, đặc biệt là nhóm lỗi có tính chất cố ý và là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới tai nạn. Ví dụ như: với người điều khiển ô tô vi phạm không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông mức phạt tiền 18 - 20 triệu đồng, cao gấp 4 lần quy định cũ. Hành vi: quay đầu xe trên đường cao tốc, đi ngược chiều hoặc lùi xe trên cao tốc, đi mô tô vào đường cao tốc... có mức phạt cao gấp 2 - 3 lần.
Một số hành vi như: vận chuyển hàng trên xe không chằng buộc chắc chắn; cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát của người thực thi công vụ; không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông... sẽ có mức phạt cao gấp 3 - 30 lần so với hiện hành. Mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn gây tai nạn giao thông mức phạt tăng rất mạnh đến 36 - 50 lần. Vi phạm liên quan đến nồng độ cồn bị xử phạt hành chính gần gấp đôi trước đây.
Cùng với việc áp dụng mức xử phạt mới theo Nghị định 168, các lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trên diện rộng, với cường độ liên tục và cho thấy hiệu quả mạnh mẽ. Anh Lê Văn Khánh (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ) cho biết: “Kể từ khi Nghị định 168 được áp dụng tôi mới thực sự chú tâm tìm hiểu mức xử phạt vi phạm giao thông. Mức phạt thật sự rất cao khiến tôi cũng như nhiều người đã biết sợ vi phạm”.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng chia sẻ, có thể khẳng định, Nghị định 168 đã được quan tâm nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực giao thông. Sức lan tỏa từ văn bản cho đến thực tế vô cùng mạnh mẽ, tạo hiệu ứng rất tích cực, khiến người dân chấp hành luật giao thông tốt hơn hẳn.
Cảnh sát giao thông Hà Nội kiểm tra xử lý lái xe vi phạm trên đường Phạm Văn Đồng. Ảnh: Phạm Hùng
"Nghị định 168 đã thành công với mục đích răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm. Nhưng đồng thời cũng xuất hiện những ý kiến trái chiều cho rằng mức phạt nặng như vậy nhằm mục đích tận thu, hoặc không phù hợp với thu nhập của người dân, dễ dẫn đến tiêu cực, xin - cho trong xử phạt vi phạm giao thông. Nếu ngay lúc này lại bàn tăng thêm mức phạt nữa sẽ không phù hợp với thực tế” - ông Nguyễn Mạnh Thắng nói.
Mức xử phạt hành chính cao đối với hành vi vi phạm luật giao thông là cần thiết, bởi nó ngăn ngừa nguy cơ gây mất an toàn cho sức khỏe và tính mạng con người. Nhưng nếu cứ tăng cao liên tục, mức phạt sẽ không mang lại hiệu quả mong muốn, thậm chí còn dễ dẫn đến tiêu cực trong công tác xử lý. Mức phạt cần được xem xét một cách linh hoạt tùy theo hoàn cảnh thực tế. Sau một thời gian áp dụng nếu ý thức tham gia giao thông đi vào nền nếp, có thể nghiên cứu giảm xuống. Ngược lại nếu phạt nặng rồi mà nhiều người dân vẫn không chấp hành thì hãy bàn đến tăng thêm. Như hiện nay, Nghị định 168 đã giúp giảm mạnh vi phạm thì chỉ nên duy trì cho tốt, chưa nên tăng thêm mức phạt.
Luật sư Phan Thị Thanh Hiền
Đồng quan điểm, thạc sĩ xã hội học Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, tiếp tục tăng nặng mức phạt, thậm chí gấp 2 - 3 lần so với Nghị định 168 sẽ không mang đến hiệu quả như mong muốn. “Bản chất hình thức xử phạt hành chính là hành động nhân văn, phạt tiền thay vì phạt tù để cảnh cáo, nhắc nhở, chấn chỉnh ý thức người vi phạm. Nếu phạt tiền quá cao, vượt hơn cả mức người vi phạm đáp ứng được sẽ đẩy họ đến gần những hành vi tiêu cực, chống đối, mất đi tính nhân văn của luật pháp” - ông Nguyễn Anh Tuấn nói.
Không máy móc, cứng nhắc
Đông đảo người dân cho rằng, sự ra đời của Nghị định 168 là đúng đắn và cần thiết, nhằm chấn chỉnh ý thức của người tham gia giao thông, từng bước xây dựng nề nếp, văn hóa giao thông. Sau một thời gian dài thói quen nhờn luật, coi thường luật giao thông lan rộng trong bộ phận không nhỏ cộng đồng xã hội, Nghị định 168 đã xuất hiện đúng lúc, trở thành hồi chuông cảnh tỉnh. Nhưng nhân đó lại tiếp tục gia tăng mức phạt đến quá cao là động thái tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Ông Bùi Văn Hoa (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì) chia sẻ: “Mức phạt như hiện nay đã rất nặng rồi, nặng hơn nữa thì người dân không đáp ứng nổi. Nhiều người sẽ buộc phải từ bỏ phương tiện để tránh nộp phạt, nhất là những người có thu nhập thấp. Cứ phạt rồi lại phạt nặng hơn nữa là máy móc, cứng nhắc, cần xem xét kỹ”. Nhiều người dân cũng cho biết, phạt đến 150 hay 200 triệu đồng thì họ thà bỏ xe, hoặc chịu xử lý hình sự chứ không đủ sức nộp phạt.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Lê Trung Hiếu phân tích, về lâu dài mức phạt nặng sẽ góp phần tạo thói quen, nền nếp, văn hóa giao thông cho người dân. Nhưng thực tế là có rất nhiều vấn đề, tình huống diễn ra hàng ngày có thể tác động đến hành vi giao thông của mỗi người dân. Ví dụ như: hạ tầng chậm phát triển trong khi xe cá nhân gia tăng quá nhanh; hay phương tiện vận tải công cộng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại; tổ chức giao thông chưa hợp lý… đều là những bất cập, tồn tại thực tế tác động đến giao thông và ý thức, hành vi của người dân.
Thay vì tăng mức xử phạt lên rất cao, lực lượng chức năng nên tập trung vào xử lý vi phạm, đầu tư hệ thống trang thiết bị, công nghệ hiện đại để giám sát giao thông, tăng cường xử phạt nguội, bảo đảm minh bạch, công bằng và thực thi hiệu quả Nghị định 168. Thực tế cho thấy, do lực lượng mỏng, thiếu hệ thống camera giám sát trên diện rộng nên sau một thời gian, nhiều hành vi vi phạm luật giao thông đang có dấu hiệu tái diễn phức tạp trở lại, nhất là tại những đô thị đông dân cư, phương tiện, hạ tầng quá tải như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Không chỉ giám sát người tham gia giao thông mà còn cần phải giám sát cả người xử phạt. Áp dụng công nghệ vào sẽ giải quyết được cả hai vấn đề này.
Chuyên gia giao thông, thạc sĩ Đỗ Cao Phan
Muốn xây dựng văn hóa giao thông không chỉ trông chờ vào xử phạt, mà còn cần phải giải quyết những vấn đề người dân đang gặp phải. “Theo tôi nên duy trì mức xử phạt vi phạm giao thông như Nghị định 168 đang áp dụng. Đồng thời, cần nỗ lực đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là tăng cường năng lực của hệ thống vận tải công cộng, giảm thiểu phương tiện cá nhân” - ông Lê Trung Hiếu nói.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhìn nhận: “Việc cần làm hiện nay không phải là tăng thêm mức phạt giao thông một cách cứng nhắc, dùng áp lực để răn đe. Mà cần phải song song thực hiện nghiêm các quy định hiện có với đầu tư phát triển hạ tầng, tuyên truyền giáo dục về pháp luật giao thông cho người dân, nhất là thế hệ trẻ”. Vị chuyên gia này cũng khẳng định xử phạt nặng không phải “cây đũa thần” đủ năng lực giải quyết hết vi phạm giao thông. Đó chỉ là một trong những biện pháp cần làm thực chất, quyết liệt để xây dựng văn hóa giao thông.
Có thể thấy rõ, dù mới chỉ là một đề xuất trên nghị trường, việc gia tăng hơn nữa mức phạt vi phạm giao thông đang không nhận được sự ủng hộ từ đông đảo Nhân dân cũng như các chuyên gia. Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan chức năng cần hết sức thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng và đặc biệt có sự tham khảo ý kiến Nhân dân để làm rõ lợi - hại của đề xuất này. Xử phạt nghiêm vi phạm giao thông là việc cần làm, nhưng mức phạt phải phù hợp với thực tế, đủ mạnh để người dân biết sợ, nhưng không quá cao khiến người dân bức xúc.
Thói quen lưu thông tùy tiện, coi thường luật lệ đã tồn tại rất lâu trong bộ phận không nhỏ người dân. Đáng nói là thói quen đó lây lan từ người lớn sang thanh thiếu niên, trở thành thách thức với cả một cộng đồng. Thay vì tập trung vào việc gia tăng mức phạt, thời điểm này cần tập trung vào giáo dục ý thức giao thông, tuyên truyền luật pháp cho mọi tầng lớp Nhân dân. Bên cạnh xử phạt hành chính cần xem xét đưa vào áp dụng thêm những hình thức phạt khác như: lao động công ích; bắt buộc học tập luật giao thông; tịch thu phương tiện… Như vậy sẽ mang đến hiệu quả toàn diện và lâu bền hơn là chỉ phạt tiền.
Thạc sĩ tâm lý xã hội Nguyễn Anh Minh
Minh Tường