Không chủ quan, lơ là với bệnh dại

Không chủ quan, lơ là với bệnh dại
12 giờ trướcBài gốc
Ngày 25/9, tại đường vào nhà văn hóa tiểu khu 9, thị trấn Thuận Châu, xuất hiện 1 con chó, trọng lượng khoảng 20 kg, có biểu hiện bất thường. Con chó đã cắn vào vùng mắt, bắp tay và vùng bụng cháu Nguyễn Văn Tuấn, 6 tuổi; cắn vào tay cháu Lò Duy Anh, 2 tuổi đang chơi trước cửa nhà. UBND thị trấn đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn, Đội Quản lý trật tự đô thị phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện xác minh thông tin; lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm theo quy định.
Theo kết quả xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương, mẫu bệnh phẩm dương tính với virus dại. Ngay sau khi nhận kết quả, UBND huyện đã ban hành quyết định công bố dịch bệnh dại động vật trên địa bàn thị trấn Thuận Châu. Chỉ đạo UBND thị trấn rà soát, thống kê số lượng chó trên địa bàn. Phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch theo quy định.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cấp vắc xin cho cán bộ thú y.
Ngăn chặn dịch bệnh dại ở vật nuôi, UBND thị trấn đã thành lập tổ tuyên truyền, vận động, kiểm tra, thực hiện các biện pháp xử lý đối với vật nuôi thả rông trên địa bàn (Tổ công tác 83).Ông Vũ Xuân Hồng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn, thông tin: Tổ công tác 83 phối hợp với tổ an ninh trật tự cơ sở đi tuần tra tại các tuyến đường, nhằm ngăn chặn, phát hiện, xử lý đối với vật nuôi thả rông không có rọ mõm. Quá trình xử lý sẽ ghi hình bằng điện thoại, nhằm xác định chủ vật nuôi, lập biên bản, xử lý vi phạm. Đối với vật nuôi sau khi bị bắt, sẽ tạm giữ tại sân UBND thị trấn; sau 48 giờ kể từ khi thu giữ, không có chủ vật nuôi đến nhận sẽ tổ chức tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
Tổ công tác 83 thị trấn Thuận Châu, bắt chó thả rông. Ảnh: Lan Hương (Thị trấn Thuận Châu).
Theo thống kê, toàn huyện có 17.750 con chó, mèo. Khống chế bệnh dại, huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và cơ quan chức năng thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Tăng cường công tác quản lý chó, mèo nuôi; thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông, động vật mắc bệnh dại, hoặc có dấu hiệu mắc bệnh dại; áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi. Rà soát, tổ chức tiêm vắc xin phòng dại cho vật nuôi... Đến nay, huyện đã tiêm 13.185 liều vắc xin phòng dại cho đàn vật nuôi, đạt hơn 78% so với kế hoạch.
Lãnh đạo xã Chiềng Ly (đứng đầu tiên bên tay phải) tuyên truyền nhân dân nuôi nhốt chó.
Nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của bệnh dại và các biện pháp phòng chống bệnh dại ở người, Trung tâm Y tế huyện tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn. Theo đó, đề nghị trạm y tế các xã, thị trấn chủ động giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn người dân tiêm phòng. Phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát, phát hiện các trường hợp bị động vật nghi dại cắn.
Cán bộ thú y xã Thôm Mòn tiêm vắc xin cho chó.
Ông Quàng Văn Châu, Giám đốc Trung tâm Y huyện, thông tin: Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây từ động vật sang người, chủ yếu qua các vết cắn do động vật mang virus dại. Nếu không điều trị, dự phòng kịp thời nguy cơ tử vong rất cao.Phòng, chống bệnh dại lây sang người cần lưu ý không chơi đùa, trêu chọc các con vật lạ, nhất là chó, mèo không rõ nguồn gốc. Khi bị chó, mèo… cào, cắn hoặc liếm trên vùng da bị tổn thương cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn và tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
Để bảo vệ chính mình và những người xung quanh, người nuôi động vật cần chủ động tiêm phòng dại cho vật nuôi, xích, nhốt, không thả động vật chạy rông, đeo rọ mõm khi ra đường; đến ngay cơ sở y tế khi bị cắn, cào. Thực hiện nghiêm việc khai báo với chính quyền địa phương; xử lý nghiêm các trường hợp thả rông chó, mèo theo quy định.
Cách xử lý ban đầu khi bị động vật cắn:
- Nếu bị chó, mèo cắn, cần rửa sạch vết thương ngay lập tức bằng xà phòng và nước sạch trong ít nhất 15 phút. Sau đó sát trùng bằng cồn hoặc dung dịch sát khuẩn.
- Sau khi sơ cứu, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng bệnh dại.
- Đối với trẻ nhỏ cần ngay lập tức báo cáo sự việc với người lớn khi bị động vật cắn.
- Biểu hiện bệnh dại có thể gồm: Sốt, đau đầu, mệt mỏi, và trong giai đoạn nặng hơn có thể gây ra sợ nước, sợ gió, co giật. Nếu xuất hiện các triệu chứng trên thì tỷ lệ tử vong gần 100%.
Trăng Hiền
Nguồn Sơn La : https://baosonla.org.vn/xa-hoi/khong-chu-quan-lo-la-voi-benh-dai-exbCPOiNR.html