Không chủ quan trước bệnh cúm mùa

Không chủ quan trước bệnh cúm mùa
5 giờ trướcBài gốc
Đang được điều trị tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), chị Nguyễn Thị Thùy D. ở xã Bản Giang (huyện Tam Đường) kể lại, cách đây 5 ngày chị có biểu hiện ho, hắt hơi, sổ mũi. Ban đầu nghĩ là cảm cúm thông thường nên chị tự mua thuốc về điều trị. Nhưng uống thuốc không thấy khỏi lại bị chóng mặt, ho ngày càng nhiều và có đờm kèm theo sốt kéo dài; cơ thể mệt mỏi, đau nhức nên gia đình đưa chị đi khám.
Sau khi xét nghiệm, chị D. có kết quả dương tính với cúm B và bị viêm phổi, bác sĩ yêu cầu chị nhập viện để điều trị. Vào viện chị D. được các y, bác sĩ đưa phác đồ điều trị kháng Virus, điều trị viêm phổi, truyền dịch bù nước điện giải, dùng thuốc giảm đau và hạ sốt… Đến nay, sức khỏe của chị D. đang tiến triển tốt và không còn bị sốt liên tục, kéo dài.
Bác sĩ chuyên khoa I Hảng Láo Lử - Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Trường hợp như bệnh nhân D. điều trị tại khoa không phải hiếm gặp, nhưng nếu bệnh nhân không vào viện điều trị kịp thời, sẽ gây ra nhiều biến chứng rất nguy hiểm. Bởi hiện nay, vẫn còn nhiều người dân vẫn chủ quan khi mắc cúm nghĩ là cảm thông thường, đến khi cơ thể có biểu hiện nặng mới nghĩ đến nhập viện. Trong khi, cảm thông thường tác nhân gây bệnh là do các loại Virus thuộc chủng Rhinovirrus hoặc Enterovirrus. Triệu chứng ít nghiêm trọng hơn, có thể tự khỏi sau một tuần. Còn bệnh cúm mùa tác nhân gây bệnh là loại virút cúm A, cúm B gây ra và có triệu chứng gần giống như cảm thông thường. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi, họng do hắt hơi, ho khạc.
Bác sĩ Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) khám sức khỏe cho bệnh nhân bị cúm mùa.
Đặc biệt, bệnh cúm mùa để nặng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim, suy hô hấp cấp tính, suy đa cơ quan… nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Tính từ tháng 9/2024 đến nay, Khoa Truyền nhiễm tiếp nhận 108 bệnh nhân đến điều trị cúm mùa, trong đó vẫn có ca mắc cúm mùa bệnh tiến triển nặng mới nhập viện điều trị.
Để chủ động phòng, chống bệnh cúm mùa, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, ngành Y tế tỉnh yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh triển khai các hoạt động tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp đến khám bệnh nghi mắc bệnh cúm mùa và có nguy cơ gây dịch (viêm phổi do virút, cúm A, B...). Bên cạnh đó, đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị bệnh nhân. Thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo ngay tại buồng bệnh và trong cơ sở khám, chữa bệnh.
Đồng thời, khuyến cáo người dân tăng cường vệ sinh cá nhân như: rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối ấm. Che miệng, mũi khi ho, hắt hơi. Thường xuyên vệ sinh nhà ở và vật dụng sinh hoạt hàng ngày sạch sẽ. Vào mùa lạnh, người dân phải mặc ấm, thường xuyên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, nhất là những nơi công cộng, tập trung đông người. Tăng cường tập thể dục, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc cúm. Tiêm phòng vắcxin cúm mùa. Khi có triệu chứng như: ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà, mà liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
Với những khuyến cáo của ngành Y tế, hy vọng mỗi người dân trong tỉnh nêu cao tinh thần tự giác, chủ động phòng, chống bệnh cúm mùa, từ đó bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Ánh Hồng
Nguồn Lai Châu : https://baolaichau.vn/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/kh%C3%B4ng-ch%E1%BB%A7-quan-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-b%E1%BB%87nh-c%C3%BAm-m%C3%B9a