Nhật Bản và Bỉ hiện đang phải đối mặt với dịch cúm tồi tệ nhất trong nhiều năm qua. Bỉ quá tải bệnh viện do lượng người nhập viện tăng cao, còn diễn biến dịch ở Nhật Bản thì nhận được sự quan tâm đặc biệt sau khi minh tinh Đài Loan (Trung Quốc) Từ Hy Viên qua đời tại quốc gia này vì bệnh cúm.
Dịch cúm đang lan rộng ở Nhật Bản là một bệnh theo mùa. Bệnh cúm thường lây lan từ tháng 12 đến tháng 3, trùng với thời điểm thời tiết giá lạnh. Theo Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản, nước này đã có hơn 9,5 triệu ca mắc cúm, từ ngày 2/9/2024 - 26/1/2025. Đặc biệt, giai đoạn đỉnh dịch vào tuần cuối của tháng 12 từ ngày 23 - 29/12, số lượng ca mắc cúm lên tới 318.000 trường hợp, cao gấp hơn ba lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên số ca mắc cúm hằng tuần đạt kỷ lục kể từ năm 1999.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế Nhật Bản thì tuần từ ngày 20-26/1, nước này ghi nhận gần 54.600 ca bệnh mới, giảm gần 40% so với tuần trước đó. Hiện, tình trạng quá tải và khan hiếm thuốc điều trị cúm tại các cơ sở y tế của Nhật Bản cũng đã giảm bớt khi số ca mắc cúm mới vào cuối tháng 1 đã giảm 1/6 so với đỉnh dịch. Tuy nhiên, Bộ Y tế nước này cảnh báo vẫn không thể chủ quan do số lượng người nhiễm cúm B có dấu hiệu tăng, thay thế cho thể cúm loại A đang phổ biến hiện nay.
Các triệu chứng của bệnh cúm theo mùa có thể bao gồm: sốt đột ngột, ho, nhức đầu, mệt mỏi khắp cơ thể và những triệu chứng khác. Hầu hết mọi người sẽ hồi phục trong vòng một hoặc hai tuần. Tuy nhiên, một số người có thể gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn và phải điều trị lâu hơn như đau tim, viêm phổi, viêm cơ tim hoặc viêm cơ tim, có thể dẫn đến tử vong.
Nhật Bản ước tính nếu tính cả chi phí điều trị cúm và ảnh hưởng kinh tế do người lao động phải nghỉ ốm, thì mùa cúm năm 2025 có thể gây thiệt hại lên tới khoảng 6.300 tỷ yen (khoảng hơn 41 tỷ USD).
Các cơ sở y tế của nước Bỉ cũng đang trong tình trạng quá tải do dịch cúm. Đây là đợt dịch tồi tệ nhất tại nước này kể từ sau đại dịch Covid. Nhiều người bị nhiễm bệnh kể cả các bác sĩ và thậm chí cả những người đã tiêm vaccine. Số lượng ca khám bệnh liên quan đến các triệu chứng cúm được ghi nhận trong tuần này cao gấp đôi so với thời điểm cao điểm của mùa trước.
Theo bản tin hàng tuần về các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do Viện y tế công cộng Sciensano công bố tuần này, số lượng ca khám về các triệu chứng cúm đã gia tăng, lên tới 1.199 người trên 100.000 dân và trên thực tế, con số này thậm chí có thể còn cao hơn.
Không chủ quan với dịch bệnh cúm mùa
Tại Việt Nam, dịch cúm đang có xu hướng gia tăng nhưng mức độ gây bệnh nặng không có nhiều thay đổi. Một số bệnh viện lớn ở khu vực phía Bắc ghi nhận sự bùng phát số ca mắc cúm mùa, bao gồm cả những ca nặng cần phải thở máy ECMO.
Bộ Y tế cho biết các chủng cúm hiện nay chủ yếu là A/H1N1, A/H3N2, cúm B, không có sự thay đổi đáng kể về độc lực. Tuy nhiên, người dân vẫn cần cẩn trọng và không nên lơ là trong công tác phòng ngừa. Điều đáng chú ý là trong dịp Tết vừa qua, khi người dân di chuyển và thay đổi môi trường sinh hoạt, số ca mắc cúm gia tăng tại các bệnh viện lớn. Sau kỳ nghỉ Tết, khi quay lại với công việc, mọi người di chuyển đến nhiều địa phương khác nhau, tạo cơ hội cho virus cúm lây lan mạnh mẽ tại các khu vực làm việc và trong cộng đồng.
Theo thông tin từ hệ thống tiêm chủng VNVC, cúm mùa là bệnh lây lan nhanh chóng và có khả năng gây thành dịch với hàng chục ca mắc. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng một tỷ người mắc cúm mùa, trong đó 3-5 triệu ca trở nặng và từ 290.000 - 650.000 người tử vong. Tại các quốc gia có mùa lạnh, cúm thường bùng phát vào cuối năm, như ở Nhật Bản, nơi số ca nhiễm ghi nhận tăng mạnh vào quý IV năm 2024 và đầu năm 2025. Trong khi đó, tại Việt Nam, bệnh cúm lại có thể xuất hiện quanh năm.
Bệnh cúm mùa tưởng là lành tính nhưng biến chứng cao
Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, trung bình mỗi ngày có khoảng 10 ca mắc cúm biến chứng nặng phải điều trị, chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi, với hai chủng cúm A và cúm B. Chỉ tính riêng tại Hà Nội, số trẻ mắc cúm trong tháng 1/2025 là khoảng 825 trẻ. Đáng nói khoảng 30-45% trẻ mắc bệnh vào điều trị khi có các biến chứng như viêm phổi, viêm phế quản, thậm chí xuất hiện một số những biến chứng hiếm gặp trong đợt dịch này.
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, hiện đang có 8 người lớn mắc cúm, biến chứng nặng, hầu hết là cúm A, được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng suy hô hấp. Trong đó, một bệnh nhân 58 tuổi đang phải chạy ECMO. Trước đó, ông bị ho, sốt, tự mua thuốc uống, đến lúc không đỡ mới vào viện, xét nghiệm cho kết quả bị cúm A. Sau đó, bệnh diễn biến nặng nhanh, khó thở tăng. Lúc được chuyển từ Tuyên Quang vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, phổi bệnh nhân đã tổn thương gần như toàn bộ, sốc nhiễm khuẩn, suy thận. Dù thở máy, lọc máu nhưng vẫn suy hô hấp nặng nên bệnh nhân được chỉ định đặt ECMO.
Chỉ từ cảm cúm mùa bình thường với biểu hiện sốt cao và ho, con của anh Nguyễn Văn Vĩnh (thành phố Hải Dương) khi được đưa đến bệnh viện tuyến huyện đã trở bệnh trở nặng và phải chuyển lên tuyến trung ương. Anh Vĩnh chia sẻ: “Lúc đầu cháu chỉ điều trị cúm tại bệnh viện tuyến huyện thôi, nhưng trong quá trình điều trị tại đây, cháu bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng nên chân bị sưng phù. Các bác sĩ ở đây không tìm ra nguyên nhân, bệnh ngày càng nặng hơn nên gia đình đưa cháu lên bệnh viện trung ương”.
Sau khi sốt nhiều ngày không hạ, kèm thêm biếng ăn và quấy khóc, gia đình của một em bé 18 tháng tuổi mới quyết định đưa vào điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, thì đã bị chẩn đoán mắc cúm A đã có biến chứng viêm phổi. Mẹ của em bé là chị Nguyễn Hồng Ngọc, huyện Hoài Đức, cho biết: “Trước khi ở viện, ở nhà cháu có sốt, có thời điểm sốt cao 39,5 độ. Gia đình lo lắng cho vào viện, lúc mới vào test chưa lên cúm nhưng ngày hôm sau thì dương tính với cúm A, lúc này cháu đã có biểu hiện thở khó, viêm phổi”.
TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương, cho hay: “Miền Bắc nói chung hiện nay lưu hành cả hai chủng cúm A và cúm B, nhưng năm nay thì số cúm A nhiều hơn. Về biểu hiện lâm sàng, cả hai nhóm cúm A và cúm B đều có biến chứng có đặc điểm khác so với trước đây, trong đó có những biến chứng mà trong thời gian gần đây chúng tôi mới ghi nhận như viêm não sau khi mắc cúm, hoặc thậm chí có một số trường hợp là tắc mạch não sau khi mắc cúm, ngoài ra vẫn có những biến chứng mà chúng ta vẫn thường gặp là viêm phổi, viêm phế quản”.
Các bác sĩ khuyến cáo biện pháp quan trọng nhất để dự phòng cúm cho trẻ là tiêm vaccine phòng bệnh theo đúng lịch. Bên cạnh đó, khi thấy người bệnh có những biểu hiện bất thường về sức khỏe, như sốt cao li bì, khó thở, thở nhanh thì cần đưa tới các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh tự ý mua thuốc điều trị dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Ý thức tự giữ gìn sức khỏe cho bản thân và cộng đồng
Đến lịch tiêm vaccine cúm cho con trai, chị Nguyễn Thị Hằng tìm hiểu và nghe tư vấn thêm về tình hình dịch cúm hiện nay. Chị Hằng lo hệ miễn dịch của con còn non yếu, bản thân chị cũng vừa trải qua một đợt cảm cúm nên luôn phòng ngừa để bảo vệ cho con như đeo khẩu trang, tránh nơi đông người và tiêm vaccine phòng cúm mùa cho con và cho bản thân.
Chị Nguyễn Thị Hằng, phường Văn Phú, quận Hà Đông, cho biết: “Thực tế xung quanh mình, hàng xóm lẫn cơ quan mọi người đều bị ho, sốt nhiều nên mình rất lo. Mình có hỏi bác sĩ xem là mẹ có tiêm được không vì trước giờ mình cũng chủ quan. Được sự tư vấn của bác sĩ nên hôm nay cả hai mẹ con cùng tiêm luôn”.
Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm mùa, nhu cầu tiêm vaccine phòng cúm gia tăng. Nhiều người nghĩ cúm là bệnh nhẹ nên không khám sớm. Tuy nhiên, với người có bệnh nền, cúm có thể gây biến chứng nặng. Khi nhập viện muộn, bệnh nhân suy đa cơ quan, điều trị rất khó khăn. Phát hiện sớm là yếu tố quyết định. Các bác sĩ lưu ý cúm ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đến những người có bệnh lý phổi tắc nghẽn mạn tính do virus cúm tác động trực tiếp lên phổi. Các trường hợp đã có tổn thương phổi từ trước sẽ dễ tiến triển nặng hơn so với người khỏe mạnh.
Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
Để chủ động phòng chống cúm mùa, người dân cần:
- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải, khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần, hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
- Đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người.
- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; tiêm vaccine cúm mùa phòng bệnh.
- Thực hiện lối sống lành mạnh; ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm; tăng cường vận động thể lực để nâng cao sức khỏe.
Lê Chi
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/khong-chu-quan-voi-cum-mua-301744.htm