Không có cái gọi là 'tù nhân lương tâm' ở Việt Nam

Không có cái gọi là 'tù nhân lương tâm' ở Việt Nam
7 giờ trướcBài gốc
Trịnh Bá Phương tại bục khai báo trong phiên tòa được xét xử công khai theo đúng quy định của pháp luật
Toan tính từ sự ngụy tạo của thuật ngữ “tù nhân lương tâm”
Thời gian gần đây, một số tổ chức nước ngoài cùng một số cá nhân đội lốt “nhà hoạt động nhân quyền” lại tiếp tục tung ra những thông tin bóp méo, xuyên tạc thực tế tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Một trong những thủ đoạn quen thuộc là gán ghép, đánh tráo bản chất các vụ án hình sự thành “đàn áp tự do”, các đối tượng vi phạm pháp luật trở thành “tù nhân lương tâm”.
Việc tổ chức Human Rights Watch (tạm gọi Theo dõi nhân quyền) có trụ sở tại New York (Mỹ) mới đây đưa ra những thông tin sai sự thật, xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam chẳng có gì mới mẻ và chẳng làm một ai ngạc nhiên. Đó là điều mà tổ chức này vẫn thường “mũ ni che tai” trước thực tế sống động, sáng rõ tại nước ta để đưa ra những thông tin, đánh giá lệch lạc, sai trái liên quan tới vấn đề nhân quyền.
Không biết lấy số liệu từ nguồn nào, Human Rights Watch “bỗng” tung ra thông tin mà họ cho là “ở Việt Nam, hiện có hơn 170 tù nhân chính trị bị giam giữ chỉ vì đã thực thi các quyền cơ bản của mình” (?). Tổ chức có trụ sở bên Mỹ này còn “phán” rằng, các blogger và nhà hoạt động nhân quyền hàng ngày phải đối mặt với nạn sách nhiễu, đe dọa, theo dõi của công an... Human Rights Watch cũng nêu ra “ví dụ” là trường hợp Trịnh Bá Phương - một người vi phạm pháp luật đã bị xét xử, kết án đúng quy định pháp luật - để “minh chứng” cho điều mà tổ chức này là cho là “tù nhân chính trị bị giam giữ chỉ vì đã thực thi các quyền cơ bản của mình”.
Human Rights Watch và một số tổ chức tương tự trước đó đã nhiều lần đưa ra những bản báo cáo thiếu tính khách quan, thiên lệch, không dựa trên nguồn tin đáng tin cậy, thậm chí sử dụng thông tin sai sự thật từ các trang mạng phản động, xuyên tạc và không kiểm chứng. Đây là biểu hiện rõ ràng của việc can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam, đồng thời phản ánh toan tính chính trị đứng sau chiêu bài “dân chủ, nhân quyền”.
Việc cố tình gán cho các đối tượng vi phạm pháp luật cái mác “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị” nhằm đánh lừa dư luận quốc tế, gây sức ép đối ngoại với Việt Nam, đồng thời tạo dựng hình ảnh “bất đồng chính kiến” để cổ súy, tài trợ và xây dựng lực lượng chống phá chế độ từ bên trong. Đây là một âm mưu lâu dài, tinh vi, nằm trong chiến lược “diễn biến hòa bình” mà các thế lực thù địch luôn ráo riết triển khai nhằm lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và làm xói mòn nền tảng pháp lý của Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa.
Trong nền tư pháp của Việt Nam, không có khái niệm “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị” hay “nhà bất đồng chính kiến”. Đây không phải là các thuật ngữ pháp lý được định danh trong bất kỳ bộ luật, văn bản quy phạm pháp luật nào hiện hành của Việt Nam. Theo quy định, mọi cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật hình sự đều phải bị điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đúng theo quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự.
Việc gán ghép khái niệm “tù nhân lương tâm” cho các đối tượng phạm pháp là sự đánh tráo khái niệm nhằm che đậy bản chất vi phạm pháp luật, đồng thời tạo cớ để xuyên tạc chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Không chỉ thế, một số tổ chức phản động lưu vong và cá nhân bất mãn còn lợi dụng các cá nhân này làm “ngọn cờ” để cổ vũ, xúi giục thêm nhiều hành vi chống phá, gây mất ổn định xã hội và ảnh hưởng tới an ninh quốc gia.
Thực tế cho thấy, phần lớn các đối tượng bị tuyên án vì hành vi “tuyên truyền chống Nhà nước” hay “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” đều đã thừa nhận hành vi phạm tội, thậm chí khai rõ việc nhận tiền tài trợ từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài để thực hiện hành vi chống phá. Một số người từng được “vinh danh” là “tù nhân lương tâm” sau khi ra tù đã công khai hối hận, cho biết từng bị lôi kéo, dụ dỗ, hoặc ảo tưởng vào danh tiếng hão huyền do truyền thông phản động tạo dựng.
Bất kỳ ai vi phạm pháp luật đều bị xử lý
Trong bất kỳ Nhà nước pháp quyền nào, thượng tôn pháp luật là nguyên tắc cơ bản, là nền tảng để duy trì trật tự xã hội và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Tại Việt Nam, nguyên tắc này được đề cao và thực thi nhất quán trong mọi hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Và cũng như các quốc gia khác, tại Việt Nam, việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác... Những hành vi tuyên truyền xuyên tạc, bịa đặt, kích động vi phạm pháp luật, chống phá Nhà nước; âm mưu tổ chức hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân đều bị xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật nhằm giữ gìn an ninh trật tự, giữ gìn ổn định chính trị - xã hội.
Hiến pháp - đạo luật gốc của Nhà nước Việt Nam - hiến định rõ ràng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Điều 14 ghi: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Điều 15 hiến định: “1. Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. 2. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. 3. Công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. 4. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.
Có thể khẳng định hiến định, quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân tương đồng với luật pháp quốc tế phổ quát trên thế giới. Trong đó, khoản 2, Điều 29 “Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền năm 1948” nêu rõ: “Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra ngõ hầu những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn”.
Thượng tôn pháp luật cùng với một hệ thống pháp luật hoàn thiện thống nhất giúp bộ máy Nhà nước vận hành trơn tru, thúc đẩy đất nước phát triển, bảo vệ, bảo đảm các quyền cơ bản được hiến định của công dân. Do đó, thượng tôn pháp luật, tuân thủ pháp luật là điều tất yếu với mọi cá nhân, tổ chức trên lãnh thổ Việt Nam. Đó cũng chính là để bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của mọi cá nhân, tổ chức.
Bất kỳ ai, tổ chức nào nếu vi phạm pháp luật đều phải bị điều tra, truy tố, xét xử và kết án nghiêm minh theo pháp luật. Nói cách khác, ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm” mà chỉ có các bị can, bị cáo, tội phạm vi phạm pháp luật hình sự bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam - điều hiển nhiên được cộng đồng quốc tế thừa nhận, tôn trọng. Bất kỳ ai vi phạm pháp luật, dù ở cương vị nào và với danh nghĩa gì, đều phải bị xử lý nghiêm minh. Việc áp dụng pháp luật hình sự đối với các hành vi chống phá Nhà nước, tuyên truyền xuyên tạc, kích động bạo lực… là việc làm cần thiết, nhằm bảo đảm môi trường ổn định cho đất nước phát triển, bảo vệ cuộc sống bình yên cho hàng triệu người dân.
Cái gọi là “tù nhân lương tâm” chỉ là một sản phẩm chính trị được các thế lực thù địch thêu dệt nhằm xuyên tạc tình hình nhân quyền, bóp méo pháp luật và công lý tại Việt Nam. Đây là hành vi nguy hiểm, nhằm che đậy sự thật, gây chia rẽ nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc và can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia có chủ quyền. Không có cái gọi là “tù nhân lương tâm” ở Việt Nam, mà chỉ có những người đã vi phạm pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đây là nguyên tắc của một xã hội công bằng, văn minh, thượng tôn pháp luật và đó cũng chính là con đường mà Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã, đang và sẽ kiên định theo đuổi.
(Còn nữa)
Hoàng Hà
Nguồn ANTĐ : https://anninhthudo.vn/khong-co-cai-goi-la-tu-nhan-luong-tam-o-viet-nam-post617729.antd