Không có cơ sở giải quyết trợ cấp mất việc khi giải thể hạt giao thông các huyện

Không có cơ sở giải quyết trợ cấp mất việc khi giải thể hạt giao thông các huyện
2 ngày trướcBài gốc
Hạt giao thông các huyện ở Hải Dương giải thể từ 1/1. Trong ảnh: Đồng chí Hồ Ngọc Lâm, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nam Sách đến dự, động viên tại lễ công bố quyết định giải thể Hạt Giao thông huyện Nam Sách
Vừa qua, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương đã có các công văn trả lời một số văn bản, đơn đề nghị của UBND cấp huyện và của Công đoàn cơ sở Hạt giao thông đường bộ huyện về việc hướng dẫn giải quyết chế độ hoặc đề nghị giải quyết trợ cấp mất việc làm cho người lao động khi giải thể hạt giao thông.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương, việc chấm dứt hợp đồng lao động do giải thể Hạt giao thông huyện được áp dụng theo khoản 7 điều 34 Bộ luật Lao động là "người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động”.
Công nhân tại các Hạt giao thông huyện sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc
Do đó, người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc (mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng lương, tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi thôi việc, trừ một số trường hợp khác theo quy định).
Đồng thời, việc giải thể hạt giao thông các huyện không thuộc các trường hợp được giải quyết trợ cấp mất việc làm nên không có cơ sở giải quyết trợ cấp mất việc làm cho người lao động. Việc giải quyết chế độ cho người lao động theo trợ cấp thôi việc là phù hợp theo quy định.
Thực hiện giải thể Hạt giao thông, UBND các huyện có trách nhiệm hướng dẫn, thực hiện giải quyết chế độ cho người lao động của Hạt giao thông theo quy định; công đoàn cơ sở Hạt giao thông các huyện cần đối chiếu với hướng dẫn để giải thích cho người lao động.
Trước đó, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã có văn bản đề nghị UBND các huyện hướng dẫn các Hạt giao thông về việc chấm dứt hợp đồng lao động, giải quyết chế độ, trợ cấp thôi việc cho người lao động.
Ưu tiên thanh toán các khoản tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các quyền lợi khác của người lao động.
Rà soát các trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp thôi việc để thanh toán dứt điểm cho người lao động...
9 Hạt giao thông ở 9 huyện của Hải Dương giải thể từ ngày 1/1.
Trước khi giải thể, 9 hạt giao thông có 207 người làm việc (gồm hạt trưởng, phó hạt trưởng, kế toán, kỹ sư, công nhân duy tu, bảo dưỡng...). Toàn bộ người lao động được đóng bảo hiểm đầy đủ, thời gian đóng bảo hiểm xã hội trung bình là 17,95 năm, người có năm đóng bảo hiểm xã hội cao nhất là 37 năm, người thấp nhất dưới 2 năm.
Về phương án xử lý nhân sự sau giải thể, người trước khi chuyển đến hạt giao thông làm việc là cán bộ, công chức, viên chức thì UBND các huyện rà soát, nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn đối với công chức, viên chức, vị trí việc làm được phê duyệt còn thiếu tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND huyện thì quan tâm xem xét, tiếp nhận theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định. Đối với người không có nhu cầu chuyển sang làm công chức, viên chức thì thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động và được hưởng chế độ theo quy định của Bộ luật Lao động.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn UBND các huyện thực hiện việc chấm dứt hợp đồng lao động, giải quyết chế độ, trợ cấp thôi việc cho công nhân và người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.
PHONG TUYẾT
Nguồn Hải Dương : https://baohaiduong.vn/khong-co-co-so-giai-quyet-tro-cap-mat-viec-khi-giai-the-hat-giao-thong-cac-huyen-402290.html