Động thái này của lãnh đạo UBND TP.Đông Hà cho thấy đã có một số cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố có biểu hiện làm việc “cầm chừng”, chờ sắp xếp tổ chức bộ máy. Và thực tế như văn bản nêu rõ là một số đơn vị chuyên môn đã thiếu chủ động kiểm tra, rà soát nhiệm vụ; chưa kịp thời chủ động tham mưu UBND thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Bộ máy chính quyền được thiết lập dựa trên nguyên tắc phân chia chức năng nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị chuyên môn. Các cơ quan, đơn vị này sẽ là những mắt xích không thể thiếu khi vận hành bộ máy. Và bộ máy này chỉ vận hành nhịp nhàng, trơn tru khi tất cả các mắt xích đều hoạt động đúng và đủ công suất. Chỉ cần một mắt xích “lạc nhịp” là cả dây chuyền vận hành bị ngưng trệ.
Bộ máy chính quyền vận hành để quản lý, phục vụ Nhân dân và phát triển kinh tế xã hội, nên sự ngưng trệ dù chỉ trong thời gian ngắn của một bộ phận cũng sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ, ảnh hưởng đến cả quá trình phát triển chung của xã hội và nghiêm trọng hơn nó còn làm méo mó đi hình ảnh của chính quyền với người dân.
Chính quyền cấp huyện sắp giải thể và sáp nhập tỉnh có thể là lý do nhiều người dùng để lý giải cho thái độ làm việc thiếu trách nhiệm nói trên. Thái độ này không phải mới xuất hiện lần đầu trong bộ máy chính quyền tỉnh ta. Giữa tháng 3/2025, khi thông tin về việc sáp nhập xã, sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, một số cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc trong bộ máy chính quyền của tỉnh cũng từng có tâm lý dao động.
Thời điểm đó, ông Hà Sỹ Đồng, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã ban hành một văn bản yêu cầu cán bộ công chức giữ vững kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu quả thực hiện công vụ. Nội dung văn bản này cũng nêu rõ, thời gian qua, trước thông tin về việc sáp nhập xã, sáp nhập tỉnh, không tổ chức cấp huyện, một số cán bộ, công chức, viên chức có tâm lý dao động, ảnh hưởng đến kỷ luật, kỷ cương hành chính và hiệu quả thực hiện công vụ.
Cũng thời điểm đó, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu xem việc tuân thủ kỷ cương, sẵn sàng thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng như tinh thần trách nhiệm, ý chí chiến đấu của cán bộ, đảng viên (đặc biệt là đội ngũ đảng viên lãnh đạo) trong thực thi nhiệm vụ ở thời điểm khó khăn này là một tiêu chí rất quan trọng trong việc sàng lọc, lựa chọn cán bộ, công chức, viên chức đưa vào bộ máy mới. Vì việc này tác động tiêu cực đến kỷ luật, kỷ cương hành chính và chất lượng thực thi công vụ.
Sáp nhập các tỉnh, thành là cuộc cách mạng để tinh gọn bộ máy nhưng cũng là cơ hội để lựa chọn cán bộ phù hợp, đủ năng lực, đủ tinh thần trách nhiệm dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Người không có trách nhiệm, làm việc cầm chừng dù vẫn nhận đủ lương từ tiền thuế của người dân không xứng đáng có vị trí trong bộ máy mới.
Nhìn một cách công tâm, thông tin về sáp nhập các tỉnh, huyện, thành phố khiến nhiều cán bộ, công chức lo lắng, phân tâm, ảnh hưởng đến tâm trạng làm việc cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, cuộc sống xã hội vẫn phải tiếp diễn mỗi ngày. Ngành y tế vẫn phải hoạt động vì luôn có người bệnh. Ngành giáo dục không thể ngừng khi hàng trăm ngàn học sinh hàng ngày vẫn đang đến lớp. Những dự án, những công trình trọng điểm phục vụ cho sự phát triển kinh tế, xã hội vẫn phải xây dựng. Thủ tục hành chính như xin cấp sổ đỏ, giấy khai sinh, giấy báo tử vẫn phải cấp đúng thời hạn. Hay thậm chí, chợ xép ở một góc quê cũng không thể đóng cửa vì phải phục vụ bữa cơm của hàng trăm hộ dân mỗi ngày...
Khi tất cả những hoạt động thiếu yếu của xã hội vẫn phải diễn ra thì bộ máy hành chính vẫn phải hoạt động, thậm chí còn hoạt động với cường độ cao hơn để phục vụ yêu cầu của người dân. Vì đó là trách nhiệm. Đây cũng chính là thời điểm để lãnh đạo các địa phương, người đứng đầu các tổ chức thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, bằng cách làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền, vận động để ổn định tâm lý cho cán bộ, công chức do mình quản lý.
Trong hoàn cảnh hiện nay, cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị, địa phương cần quan tâm thực hiện tốt các nội dung, như: quán triệt, giáo dục, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong tinh gọn bộ máy cho tất cả cán bộ, đảng viên. Tìm hiểu kỹ nguyên nhân, từ đó nhắc nhở, chấn chỉnh, động viên để nâng cao nhận thức, xác định lại thái độ trong công việc cho những nhân lực có biểu hiện sao nhãng nhiệm vụ, làm việc cầm chừng. Cần phải có biện pháp mạnh của tổ chức đối với những người dù đã được nhắc nhở nhưng vẫn tiếp tục thể hiện thái độ làm việc thiếu trách nhiệm, bởi đây chính là đối tượng cần phải loại bỏ để hướng tới mục đích tinh gọn bộ máy.
Khi tham gia vào bộ máy chính quyền, mỗi cán bộ, công chức hay viên chức đều được giao một nhiệm vụ nhất định. Trách nhiệm luôn đi kèm với quyền lợi. Khi cán bộ không thực hiện hết trách nhiệm thì sẽ không thể đòi hỏi quyền lợi. Vì vậy, không thể có bất cứ lý do nào để bao biện cho thái độ làm việc “cầm chừng” như đã xảy ra trong thời gian qua.
Thiên Phong