Sau khi Nghị định 168/2024 có hiệu lực, cùng với việc xử lý quyết liệt của lực lượng chức năng, tình hình vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã thay đổi rõ rệt theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên thời gian gần đây ghi nhận tình trạng một bộ phận người dân bắt đầu có tâm lý chủ quan, "nhờn luật", nghĩ rằng CSGT sẽ không xử phạt vào các khung giờ cao điểm nên cố tình vi phạm.
Điều khiển xe máy đi ngược chiều - đây là hành vi vô cùng nguy hiểm cho những người tham gia giao thông
Liên tiếp trong nhiều ngày qua, lực lượng Cảnh sát giao thông - Công an TP. Hà Nội đã tích cực sử dụng trang thiết bị nghiệp vụ hiện đại để ghi hình, xử lý các hành vi vi phạm luật giao thông, đặc biệt trong giờ cao điểm tại những tuyến đường trọng điểm của Thủ đô.
Trong chiều nay 6/5, tổ công tác Đội CSGT đường bộ số 3 khi bố trí cán bộ, chiến sĩ lập chốt xử lý vi phạm tại ngã tư Láng Hạ - Thái Hà đã phát hiện, lập biên bản nhiều trường hợp vi phạm.
Các lỗi vi phạm chủ yếu bao gồm: đi ngược chiều, đi lên vỉa hè, vượt đèn đỏ,... Đây đều là những hành vi nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT và làm gia tăng nguy cơ ùn tắc, mất mỹ quan đô thị.
Để tăng cường hiệu quả xử lý vi phạm, các trang thiết bị nghiệp vụ hiện đại được cán bộ, chiến sĩ sử dụng để ghi hình vi phạm, đảm bảo xử lý đúng người, đúng lỗi.
Ngoài ra, hệ thống camera giám sát giao thông được lắp trên tuyến cũng là kênh ghi nhận vi phạm hiệu quả của lực lượng chức năng. Các hành vi vi phạm sẽ được ghi lại và truyền dữ liệu về Trung tâm Điều khiển và Chỉ huy giao thông - CATP để xử phạt nguội.
Theo Trung tá Đặng Hồng Giang, Đội trưởng Đội CSGT đường bộ số 3: "Những trường hợp có thể dừng xe tại chỗ, Tổ công tác sẽ trực tiếp lập biên bản xử lý; với các trường hợp chưa dừng được phương tiện, hình ảnh ghi nhận được sẽ được dùng làm căn cứ để xác minh và gửi thông báo xử phạt nguội. Việc tăng cường sử dụng camera và thiết bị nghiệp vụ giúp nâng cao hiệu quả xử lý, đồng thời góp phần điều chỉnh hành vi của người tham gia giao thông theo hướng tuân thủ pháp luật hơn".
Trước đó, Đội CSGT đường bộ số 6 cũng đã triển khai tổ công tác hóa trang ghi hình vi phạm tại khu vực nút giao Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu.
Thông qua thiết bị camera cầm tay, tổ hóa trang đã ghi nhận được hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện.
Tại trụ sở giải quyết phạt nguội, người vi phạm được cán bộ cho xem lại hình ảnh vi phạm của mình.
Hình ảnh vi phạm đầy đủ thông tin về ngày giờ và địa điểm vi phạm khiến người vi phạm "tâm phục khẩu phục" ký vào biên bản xử phạt.
Mới đây, Công an thành phố Hà Nội đã công bố 14 điểm tiếp nhận giải quyết phạt nguội. Đặc biệt, giai đoạn 2025 - 2030, thành phố dự kiến lắp đặt thêm hơn 40.000 camera giám sát, trong đó gần 24.000 camera phục vụ giám sát an ninh, trật tự và xử lý vi phạm, hơn 16.000 camera sẽ được sử dụng để phục vụ quản lý nhà nước về an toàn giao thông, hạ tầng giao thông, môi trường và trật tự đô thị.
Thời gian tới, lực lượng CSGT sẽ tiếp tục mở rộng việc ghi hình, xử lý và áp dụng hình thức phạt nguội trên toàn địa bàn thành phố, đặc biệt tập trung vào các khung giờ cao điểm và các tuyến phố đông dân cư nhằm lập lại trật tự, an toàn giao thông, hướng tới một Thủ đô văn minh, hiện đại.
Diệu Phú