Không có người dưới 20 tuổi mắc liên cầu lợn

Không có người dưới 20 tuổi mắc liên cầu lợn
3 giờ trướcBài gốc
Một thanh niên hôn mê, tím tái toàn thân vì mắc liên cầu lợn. Ảnh: BVĐK tỉnh Bắc Ninh.
Bác sĩ Lê Nguyễn Duy Thịnh, Viện Pasteur TP.HCM, cho biết TP.HCM là địa phương có mắc liên cầu lợn nhiều nhất khu vực phía nam. Tỷ lệ mắc ở nam là 75%, trong khi nữ giới chỉ chiếm 25%.
Các ca bệnh chủ yếu được phát hiện và điều trị ở bệnh viện tuyến cuối, với những biểu hiện như viêm màng não mủ, nhiễm trùng huyết.
Độ tuổi mắc liên cầu lợn nhiều nhất là 50-59, chiếm 33%, nhóm 40-49 chiếm 28%, không có ca bệnh nào dưới 20 tuổi. 30% ca bệnh là nông dân chăn nuôi gia súc, 10,1% có vận chuyển, giết mổ lợn.
Tỷ lệ người bệnh có tiếp xúc với lợn, thịt lợn, ăn uống sản phẩm chưa nấu chín từ thịt lợn trong hai tuần trước khi khởi bệnh là 68,8% và 84% ca bệnh điều trị khỏi trong 3 tuần. Tác nhân phát hiện được chủ yếu là Streptococcus suis 2.
Bác sĩ Thịnh khuyến cáo người dân cần tránh tiếp xúc trực tiếp với lợn, thịt lợn ốm hay ăn thực phẩm từ lợn chưa được chế biến an toàn.
Bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp do vi khuẩn liên cầu lợn Streptococcus suis (S. suis) lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ lợn mắc bệnh.
Ở thể sốc nhiễm khuẩn, bệnh nhân thường có phát ban xuất huyết thành từng đám lan tỏa kèm theo rối loạn đông máu nội mạch rải rác, dễ ttiến triển nhanh thành suy đa phủ tạng, tỷ lệ không qua khỏi 5-20%, nếu khỏi thì thời gian hồi phục thường kéo dài.
Bệnh liên cầu lợn ở người do vi khuẩn S. suis gồm 35 type huyết thanh khác nhau, trong đó vi khuẩn S. suis type 1 và 2 thường gây bệnh cho lợn và type huyết thanh 2 có khả năng lây sang người là chủ yếu. Một số ca bệnh rải rác tại vài quốc gia trên thế giới, có ghi nhận các type 4, 5, 7, 9, 14.
Vi khuẩn S. suis xâm nhập qua các vùng tổn thương hở, trên da hoặc niêm mạc, khu trú và phát triển tại chỗ, qua hạch bạch huyết vào máu và gây bệnh cho nhiều cơ quan, phủ tạng. Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 2 ngày (dao động từ 3 giờ đến 14 ngày).
Bệnh liên cầu lợn được Bộ Y tế xếp vào bệnh truyền nhiễm phải báo cáo tháng, bệnh nhóm B. Bệnh này có tỷ lệ không qua khỏi tương đối cao, nhiều biến chứng nếu không kịp thời phát hiện, thời gian điều trị kéo dài.
Trong khoảng vài năm trở lại đây, bệnh có xu hướng tăng tại một vài nước khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, thịt lợn là một trong những món ăn quen thuộc trong những dịp lễ truyền thống, trong các cuộc họp mặt gia đình, bạn bè, đồng nghiệp... Việc ăn món tiết canh lợn sống, phủ tạng lợn vốn là thói quen, bên cạnh việc xử lý thịt lợn sống chưa kỹ tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh liên cầu lợn nếu lợn mắc bệnh.
Theo bác sĩ Thịnh, bệnh viện các tuyến, công lập và ngoài công lập, cần giám sát phát hiện bệnh, để kịp thời kiểm soát và điều trị cho người dân, giảm tỷ lệ không qua khỏi.
Nguyễn Thuận
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/khong-co-nguoi-duoi-20-tuoi-mac-lien-cau-lon-post1513154.html