Giấc mơ an cư ngày càng xa vời
Tại diễn đàn chuyên đề “Để thị trường bất động sản trở lại lành mạnh và phát triển” do Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội tổ chức ngày 16/11, ông Nguyễn Kim Khiêm, Tổng Giám đốc - Tổng Biên tập Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội cho rằng, lãng phí đất đai đang trở thành một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất, góp phần làm gia tăng giá bất động sản.
“Nhiều khu đô thị ở Hà Nội và các tỉnh khác bị bỏ hoang, tạo ra hình ảnh những “khu đô thị ma” trong khi quỹ đất cho nhà ở xã hội ngày càng thu hẹp. Điều này khiến giấc mơ an cư của người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp, trở nên xa vời. Thực tế này đã làm lỡ nhiều cơ hội phát triển địa phương và đất nước", ông Khiêm nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Kim Khiêm, Tổng Giám đốc - Tổng Biên tập Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội phát biểu đề dẫn diễn đàn
Về tình trạng đầu cơ đất đai, tạo giá ảo để thao túng thị trường, TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, chỉ ra: "Nếu tiền chỉ được chôn vào bất động sản, nó sẽ làm triệt tiêu nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh của nền kinh tế". Hệ quả này khiến giá đất ở nhiều địa phương tăng cao phi lý, làm phát sinh những khiếu kiện về đền bù đất đai, vốn đã chiếm tới 70 - 80% số vụ tranh chấp.
Dưới góc độ xã hội, giá nhà đất leo thang còn dẫn đến nhiều hệ lụy đáng lo ngại. Nhiều người trẻ không thể mua nhà hay thuê nhà phù hợp, điều này có thể ảnh hưởng đến quyết định kết hôn và sinh con. "Nếu không kiểm soát tốt, nguy cơ một thế hệ không có khả năng sở hữu nhà sẽ hiện hữu, gây bất ổn lâu dài cho xã hội", chuyên gia bất động sản Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cảnh báo.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu
Kỳ vọng vào Luật
Trước tình hình này, Luật Đất đai 2024 được kỳ vọng sẽ tạo ra bước chuyển biến quan trọng. Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường - Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, Luật Đất đai mới không chỉ đổi mới quy trình quy hoạch mà còn đưa ra những cách tiếp cận đất đai linh hoạt hơn, minh bạch hơn, giúp tháo gỡ các vướng mắc hiện tại.
Luật Đất đai 2024 có năm điểm mới nổi bật, trong đó có việc xây dựng hệ thống dữ liệu đất đai tập trung, số hóa thông tin từ trung ương đến địa phương. Hệ thống này sẽ được triển khai vào năm 2025, giúp Chính phủ và doanh nghiệp có dữ liệu đầy đủ để ra quyết định, thúc đẩy nền kinh tế số và chính phủ số. Ngoài ra, luật cũng phân cấp toàn bộ quyền giao đất, cho phép địa phương tự chủ trong phát triển, đồng thời tăng tính minh bạch trong giao dịch đất đai.
Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường - Nguyễn Thị Phương Hoa
Một điểm đặc biệt khác là việc luật đề cao nguyên tắc thương mại hóa quyền sử dụng đất, tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho việc chuyển đổi đất đai. Việc này sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực đất đai, tạo động lực phát triển hạ tầng và thị trường bất động sản. Tiến sĩ Cấn Văn Lực cũng kỳ vọng vào những cải cách này: "Nếu luật được thực thi hiệu quả, nó sẽ khơi thông nguồn lực và tăng khả năng thu hút đầu tư nước ngoài vào bất động sản”.
Tuy nhiên, để thị trường phát triển bền vững, chính sách tài khóa và thuế đóng vai trò điều tiết rất quan trọng. Ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng, cần sớm áp dụng các loại thuế liên quan đến nhà đất, đặc biệt là thuế điều tiết giá trị tăng lên để hạn chế đầu cơ. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng việc áp dụng thuế cần đúng thời điểm, nhất là khi nền kinh tế đang phục hồi yếu.
GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội
Bên cạnh đó, các giải pháp giảm lãi suất vay mua nhà đã được đề cập. Hiện nay, dù lãi suất đã giảm 3% so với năm trước, nhưng giá nhà vẫn quá cao so với mức thu nhập của người dân. "Chúng ta cần cơ cấu lại chi phí để đưa giá nhà về mức hợp lý, tạo điều kiện cho người thu nhập trung bình và thấp dễ dàng tiếp cận”, ông Cường nhấn mạnh.
Chính phủ cũng đang triển khai các gói tín dụng ưu đãi cho nhà ở xã hội, với tổng giá trị 30.000 tỷ đồng, trong đó một nửa đến từ phát hành trái phiếu và một nửa từ ngân sách địa phương. "Các chương trình này cần được giám sát và triển khai nhanh chóng để thực sự hỗ trợ người dân", ông Cấn Văn Lực đề xuất thêm.
TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV tham luận
Chia sẻ thêm về nhà ở, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM thừa nhận rằng, thị trường vẫn đang ở trạng thái “kim tự tháp ngược” khi thiếu các sản phẩm nhà ở vừa túi tiền. Phân khúc nhà ở xã hội cần được ưu tiên phát triển và các doanh nghiệp bất động sản cần tham gia mạnh mẽ hơn. “Chúng ta phải điều chỉnh cơ cấu sản phẩm sao cho cân đối, đảm bảo nhu cầu nhà ở của đa số người dân”, ông nhấn mạnh.
Các chuyên gia cũng kiến nghị cần đa dạng hóa nguồn vốn, giảm bớt sự phụ thuộc vào ngân hàng. “Thay vì chỉ trông chờ vào vốn tín dụng, chúng ta cần mở cửa cho các quỹ đầu tư nước ngoài và khơi thông nguồn vốn tư nhân. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn lực tài chính bền vững, tránh rủi ro thanh khoản khi thị trường biến động”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nêu.
Lệ Giang