Khung cảnh Lễ Tốt nghiệp tại Đại học Havard. Ảnh: Havard University
Một bài đăng ngắn gọn nhưng đầy ẩn ý trên Facebook chính thức của Harvard đang lan truyền mạnh mẽ: “Without its international students, Harvard is not Harvard” (Không có sinh viên quốc tế, Harvard không còn là Harvard). Câu nói được đăng trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa ngôi trường danh tiếng và chính quyền liên bang Mỹ, sau các động thái siết chặt visa đối với sinh viên nước ngoài.
Cuối tháng 5/2025, Bộ An ninh Nội địa Mỹ thông báo thu hồi chứng nhận Chương trình Sinh viên và Trao đổi (SEVP) của Harvard. Lý do được đưa ra là trường không cung cấp đầy đủ thông tin về sinh viên quốc tế và bị cáo buộc “dung túng cho các nhóm có hành vi cực đoan, bài Do Thái hoặc có liên hệ với thế lực nước ngoài”.
Bài viết với dòng tuyên bố: "không có du học sinh, Havard không phải là Havard" trên trang Facebook của nhà trường. Ảnh: Havard University
Quyết định này đồng nghĩa với việc Harvard sẽ không còn đủ điều kiện pháp lý để tiếp nhận sinh viên quốc tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 6.800 sinh viên đến từ hơn 130 quốc gia đang theo học tại trường.
Quyền Hiệu trưởng Harvard, ông Alan Garber, gọi đây là hành vi “vi phạm Hiến pháp và mang tính trả đũa chính trị”.
Ông cho biết nhà trường đã đệ đơn kiện lên Tòa án Liên bang, yêu cầu tạm dừng thi hành quyết định của Chính phủ.
Đến ngày 23/5, một thẩm phán tại Boston đã chấp thuận đề nghị này, cho phép Harvard tiếp tục tuyển sinh quốc tế trong thời gian vụ kiện đang được xem xét.
Tuy nhiên, tranh cãi tiếp tục leo thang khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng sinh viên quốc tế chiếm tới 31% tổng số sinh viên của Harvard nhưng “không đóng góp tài chính tương xứng”.
Ông cũng yêu cầu trường công bố danh sách tên tuổi và quốc tịch của tất cả sinh viên quốc tế. Phát ngôn từ Nhà Trắng lập tức vấp phải phản ứng dữ dội từ giới học giả và dư luận, với nhiều ý kiến cho rằng điều đó vi phạm quyền riêng tư và đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của nền giáo dục tự do và đổi mới.
“Chúng tôi không thể đánh đổi chất lượng giáo dục vì sức ép chính trị,” ông Garber khẳng định. Ông cho rằng nếu việc tuyển sinh bị điều chỉnh theo điều hướng, thay vì dựa trên năng lực và sự đa dạng học thuật, thì tự do giáo dục sẽ không còn giữ được giá trị thật sự.
Ngoài tác động đến tuyển sinh, lệnh thu hồi còn ảnh hưởng sâu rộng đến các chương trình nghiên cứu quốc tế, lĩnh vực vốn là thế mạnh của Harvard.
Trường hiện duy trì hàng trăm dự án hợp tác với các viện và đại học từ Đức, Nhật Bản, Singapore và nhiều nước đang phát triển. Nhiều sáng kiến nghiên cứu liên ngành, từ y học đến biến đổi khí hậu, có nguy cơ bị gián đoạn do chuyên gia và sinh viên quốc tế không thể tham gia trực tiếp.
Trên mạng xã hội, nhiều cựu sinh viên và học giả quốc tế bày tỏ lo ngại. Một học viên quốc tế từng tốt nghiệp tại đây chia sẻ: “Chính sinh viên quốc tế đã làm nên bản sắc của Harvard, nơi đối thoại học thuật không bị giới hạn bởi biên giới.”
Một ý kiến khác châm biếm: “Nếu bạn là sinh viên giàu đến từ các nước đồng minh Mỹ thì bạn được hoan nghênh, còn nếu bạn ủng hộ Palestine hay đến từ Trung Quốc thì lại bị nghi ngờ.”
Trong khi đó, một số đại học tại Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore và châu Âu đã tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận sinh viên bị ảnh hưởng. Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông (HKUST) cho biết sẽ hỗ trợ học bổng, thủ tục visa và chuyển tiếp học thuật cho các sinh viên quốc tế từng đăng ký vào Harvard.
Giới quan sát nhận định, cuộc đối đầu giữa Harvard và Chính quyền Trump là biểu hiện điển hình cho căng thẳng giữa giới học thuật và những trào lưu chính trị bảo hộ đang nổi lên.
Vấn đề không chỉ nằm ở quyền tự chủ của một trường đại học danh tiếng, mà còn đặt ra câu hỏi rộng hơn về giới hạn của tự do học thuật trong một xã hội ngày càng bị phân cực.
Sự việc này có thể là tiền đề cho một cuộc tái định hình vai trò của giáo dục đại học trong lòng nước Mỹ. Khi các giá trị như đa dạng, khai phóng và toàn cầu hóa bị thách thức, điều đang bị đặt cược không chỉ là danh tiếng của Harvard, mà là tương lai của mô hình đại học Mỹ trong thế kỷ 21.
Hoàng Nam