Không còn ai phải sống trong nhà tạm, dột nát

Không còn ai phải sống trong nhà tạm, dột nát
một ngày trướcBài gốc
Có thể khẳng định, chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát là một bước tiến quan trọng, đánh dấu sự phát triển của đất nước cùng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đời sống nhân dân.
Bởi thế, ngay khi Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, chương trình đã nhận được quan tâm, hưởng ứng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, cùng sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng xã hội. Nhờ đó, dù mới qua 8 tháng thực hiện, chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, với nhiều địa phương đã hoàn thành mục tiêu đề ra.
Hưởng ứng chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát của Chính phủ, chương trình "Đồng hành cùng vùng khó" của Báo Tin tức và Dân tộc đã phối hợp cùng Agribank Long An trao tặng 3 căn nhà Đại đoàn kết cho người dân tại xã Vĩnh Hưng (Tây Ninh). Trong ảnh là căn nhà khang trang của chị Nguyễn Thị Khuyên được chương trình hỗ trợ cùng sự đóng góp của họ hàng.
Số liệu báo cáo của các địa phương trên phần mềm cập nhật đến hết ngày 19/7/2025 cho thấy, cả nước đã hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát được 266.511 căn; trong đó có 231.513 căn đã khánh thành và 34.998 căn đang xây dựng. Đồng thời, tính đến đầu tháng 7, tổng nguồn lực đã huy động (gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và xã hội hóa) đạt trên 17.802 tỷ đồng, cùng trên 113,4 nghìn lượt người với trên 1 triệu ngày công lao động cho công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
Theo Bộ Dân tộc và Tôn giáo, đến nay, cả nước đã có 19/34 địa phương hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho cả ba nhóm đối tượng; trong đó, những địa phương dù có dân số đông hay vùng cao như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Cần Thơ, Hải Phòng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Đồng Tháp, An Giang, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai… đã sớm hoàn thành kế hoạch trước hạn.
Như vậy, tính trên tổng số 277.420 căn nhà tạm, nhà dột nát cần hỗ trợ, ước tính các địa phương trên cả nước còn phải tiếp tục xây dựng khoảng 10.909 căn nữa để về đích.
Có thể nói, để có một căn nhà vững chắc che mưa che nắng, thật sự đối với những người dân còn khó khăn, đó là ước mơ, là nguyện vọng của cả cuộc đời. Hình ảnh những người dân nghẹn ngào, xúc động không nói nên lời khi nhận bàn giao căn nhà mới đã thể hiện được điều đó.
“Lấy nhau 26 năm, vợ chồng tôi phải sống trong căn nhà lá dột nát, tường trống, mùa mưa mối mọt ăn hết vách, con cái ngủ mà thấp thỏm lo âu. Từ nay, chúng tôi đã có căn nhà mới, cuộc sống đã bước sang một trang khác. Chúng tôi sẽ cố gắng nuôi dạy các con nên người để góp ích cho xã hội”, chị Nguyễn Thị Khuyên, 47 tuổi, ngụ tại xã Vĩnh Hưng, tỉnh Tây Ninh đã xúc động khi nhận căn nhà mới từ chương trình.
Chị Nguyễn Thị Khuyên xúc động khi nhận được căn nhà Đại đoàn kết từ chương trình.
Việc hàng trăm ngàn căn nhà tạm, nhà dột nát đã được thay thế bằng những căn nhà mới khang trang, vững chãi hơn trong thời gian ngắn cho thấy chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã trở thành một phong trào có quy mô và sức lan tỏa rộng khắp. Với quyết tâm chính trị từ Trung ương đến địa phương, cùng sự quan tâm sâu sát, chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là sự chung sức, đồng lòng hưởng ứng của các đơn vị, doanh nghiệp, người dân… chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát đã thực sự chuyển hóa thành một chính sách quốc gia mang đậm tính nhân văn và đầy nghĩa đồng bào; góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, không để bất kỳ ai bị bỏ lại phía sau trên con đường phát triển của đất nước.
Những ngôi nhà mới khang trang, kiên cố đã thay thế những căn nhà tạm bợ, lụp xụp trước kia không chỉ là chỗ trú thân mà còn là niềm tin, là điểm tựa, là động lực để người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Thực tế cũng đã ghi nhận, một mái nhà kiên cố không chỉ bảo vệ người dân khỏi mưa gió, thiên tai mà còn tạo môi trường sống tích cực, khích lệ tinh thần, giúp trẻ em được học hành đầy đủ, người lớn có điều kiện làm ăn, sản xuất.
Nhiều địa phương sau khi xóa nhà tạm đã ghi nhận chuyển biến rõ rệt về mức sống và chất lượng sống của người dân. Các hộ gia đình có nhà mới đã chủ động hơn trong việc phát triển kinh tế hộ, tham gia các mô hình nông nghiệp, chăn nuôi, làm dịch vụ… Từ đó, chương trình không chỉ xóa đi hình ảnh những căn nhà dột nát mà còn góp phần xóa đi tâm lý mặc cảm, tự ti, giúp người dân tự tin hơn trong hành trình vươn lên thoát nghèo.
Không những thế, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát còn góp phần xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững; từ đó nâng cao tiêu chí về đời sống vật chất và tinh thần trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đặc biệt ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Quyết tâm hoàn thành cơ bản chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước mới đây cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đặt mục tiêu mới: Hoàn thành trên phạm vi cả nước trước ngày 31/8/2025, sớm hơn 2 tháng so kế hoạch; trong đó, hỗ trợ nhà ở cho thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng hoàn thành trước ngày 27/7.
Để thực hiện quyết tâm này, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương tập trung toàn lực, triển khai thần tốc, thần tốc hơn nữa công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn cả nước. Những căn còn lại chưa xây dựng thì đồng loạt khởi công trước ngày 20/6/2025 để kịp hoàn thành trước ngày 31/8/2025. Trong triển khai, Thủ tướng cũng đã yêu cầu thực hiện “6 rõ: rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền, rõ thời gian, rõ kết quả” và “4 thật: nói thật, làm thật, hiệu quả thật, người dân thụ hưởng thật”.
Với tinh thần “ai có gì giúp nấy", “ai có công giúp công, ai có của giúp của”, “ai có nhiều giúp nhiều, ai có ít giúp ít", một căn nhà vững chãi không chỉ là nơi che mưa nắng mà nó còn là biểu tượng của sự đoàn kết, sự cưu mang, của nghĩa đồng bào. Ở góc độ chính trị - xã hội, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã củng cố được niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước và vào những chính sách thật sự mang lại lợi ích cho người dân.
Mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát với tinh thần nhân văn, quyết liệt trong hành động cùng tinh thần đoàn kết, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc sẽ sớm hoàn thành, đánh dấu một thành tựu có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, “về đích” không phải là điểm kết thúc, mà là khởi đầu cho một phát triển mới, hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân trong giai đoạn mới - giai đoạn phát triển, vươn mình của dân tộc.
Minh Thuyết/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/goc-nhin/khong-con-ai-phai-song-trong-nha-tam-dot-nat-20250724103129867.htm