Không còn hiện tượng cháy vé

Không còn hiện tượng cháy vé
16 giờ trướcBài gốc
Vé bán chậm, không hẳn vì khán giả "đuối sức"
Thời gian qua, thị trường concert Việt trở nên sôi động chưa từng thấy. Nhất là sau khi hai chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai (ATVNCG) và Anh trai say hi (ATSH) tạo hiệu ứng mạnh, dẫn đến làn sóng tổ chức concert và live show nở rộ. Sức hút từ các nghệ sĩ bước ra từ hai game show đình đám năm 2024 đã tạo tiền đề cho nhiều show diễn "sold out" (bán hết) trong thời gian ngắn, thậm chí concert ATVNCG ngày 3 với sức chứa hàng chục nghìn người "cháy vé" chỉ sau 30 phút.
Tuy nhiên, thị trường đang có dấu hiệu chững lại. Dù vẫn quy tụ nhiều gương mặt được yêu thích, các đêm concert gần đây không còn giữ được tốc độ bán vé ấn tượng như trước. Điển hình là đêm thứ 7 và 8 trong chuỗi ATVNCG, dự kiến diễn ra tại TPHCM vào ngày 6 và 7/9 - cũng là hai đêm cuối cùng của chuỗi concert - hiện vẫn còn nhiều hạng vé chưa bán hết. Trái ngược với 6 đêm trước đó, vé từng "cháy" sớm khiến người hâm mộ áp lực phải nhanh chóng giúp thần tượng lấp đầy sân khấu. Dù mới đi được khoảng 20% chặng đường mở bán, tâm lý "phải bán hết vé thật nhanh" vẫn đang đè nặng lên một bộ phận người hâm mộ.
Nhiều người nóng lòng vì concert đêm 7,8 ATVNCG chưa bán hết vé dù quá trình mở bán mới được 20% chặng đường.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra với concert Trạm Yêu - Chạm Yêu vào 23/8 quy tụ dàn sao Soobin, Trúc Nhân, Jun Phạm, Quốc Thiên, Cường Seven, Mono, Tăng Phúc, đêm nhạc Mơ màng men say của Bùi Công Nam - Quang Hùng Master D - Tăng Phúc, đại nhạc hội có Hà Anh Tuấn, Hồ Ngọc Hà, Noo Phước Thịnh, Đen… sau thời gian mở bán, vẫn còn nhiều vé chưa được tiêu thụ.
Không ít ý kiến trên mạng xã hội tranh luận, cho rằng khán giả đã "đuối sức" tài chính sau chuỗi sự kiện dồn dập. Nhận định với Tiền Phong, chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh cho rằng nguyên nhân sâu xa không nằm ở túi tiền người hâm mộ.
“Việc fan ‘đuối tài chính’ chắc chắn là một phần lý do, nhưng không phải yếu tố duy nhất và càng không nên xem là nguyên nhân nền tảng. Bản chất của việc bán vé chậm phản ánh sự thiếu đồng bộ giữa tốc độ tổ chức concert và chất lượng xây dựng thương hiệu sự kiện. Khi các show diễn được sản xuất theo kiểu cuốn chiếu, dàn dựng vội vàng, chưa kịp tạo cảm xúc và kỳ vọng rõ ràng trong lòng khán giả thì việc vé bán chậm là điều khó tránh.
Ngoài ra, còn một yếu tố khác ít được đề cập nhưng có ảnh hưởng rõ rệt, đó là sự ‘giống nhau’ về trải nghiệm mà các show đang mang lại. Dù nghệ sĩ khác nhau, nhưng cách dàn dựng sân khấu, cách giao tiếp truyền thông hay thậm chí nội dung trải nghiệm đang bị lặp lại đến mức công thức. Công chúng ngày càng tinh tường, và họ sẵn sàng chờ một trải nghiệm khác biệt hơn là chạy theo số lượng”, ông Hồng Quang Minh chia sẻ.
“Cháy vé” không phải là thước đo thành công
Trước làn sóng tranh cãi về việc concert không còn “cháy vé”, chuyên gia truyền thông chỉ ra đây không phải là thất bại, mà là dấu hiệu tích cực cho giai đoạn thanh lọc của thị trường. Ông nói thị trường concert Việt mới chỉ tăng tốc vài năm trở lại đây, chưa đủ lâu để gọi là bão hòa. Thực tế, những gì đang diễn ra là bước điều chỉnh cần thiết để cân bằng lại nguồn lực và cách làm show sau thời kỳ bùng nổ hậu COVID-19.
“Chúng ta đang bước vào chu kỳ thử nghiệm của các đơn vị tổ chức. Sau giai đoạn tăng tốc chóng mặt vì nhu cầu hậu COVID-19 và các hiệu ứng FOMO (sợ bị bỏ lỡ), giờ là lúc thị trường cần ‘hạ nhiệt’ để cân đối lại nguồn lực, mô hình kinh doanh và cách tiếp cận khán giả. Đây không phải là tín hiệu tiêu cực mà là một giai đoạn quan trọng để thanh lọc và định hình sự phát triển bền vững”, ông Minh nói.
Chuyên gia cũng cho rằng không nên lấy tốc độ bán vé làm thước đo duy nhất cho chất lượng concert. Ở nhiều quốc gia có thị trường âm nhạc phát triển, việc vé được bán trong nhiều tuần là điều bình thường. Điều quan trọng là show phải chạm tới cảm xúc khán giả, mang lại trải nghiệm xứng đáng với chi phí bỏ ra và có sức lan tỏa truyền thông sau đó.
“Thất bại thực sự là khi một concert không chạm tới cảm xúc, không để lại giá trị trải nghiệm cho khán giả, hoặc khiến thương hiệu nghệ sĩ tổn hại. Ở Việt Nam, khái niệm ‘cháy vé’ thường được dùng như một chỉ số để đánh bóng, nhưng khi nào nó trở thành áp lực và lối mòn, thì chính người làm show sẽ là người bị phản đòn đầu tiên”, chuyên gia nhấn mạnh.
Từ góc độ tổ chức, ông Hồng Quang Minh thấy một concert thành công cần có ba yếu tố, đầu tiên là chất lượng nghệ thuật và cảm xúc, thứ hai là sự an toàn thoải mái về không gian, dịch vụ, cuối cùng là khả năng tạo dư âm truyền thông bền vững sau concert. “Một show bán vé chậm nhưng vẫn kín chỗ và được khen về cảm xúc thì đáng giá hơn nhiều một show ‘cháy vé’ nhưng khán giả ra về trong sự hụt hẫng”.
Ngoài ra, chuyên gia truyền thông cũng đưa ra khuyến nghị điểm các nghệ sĩ nên xem lại chiến lược trình làng concert của mình ở thời điểm hiện tại. Sự thành công trong quá khứ không đảm bảo hiệu ứng ở hiện tại, nếu không có bước đi mới mẻ. Thay vào đó, nghệ sĩ cần chọn thời điểm ra show phù hợp với chu kỳ sáng tạo và cảm xúc của bản thân, đồng thời đầu tư vào nội dung và không gian biểu diễn khác biệt, thậm chí là làm show ở những không gian “phi truyền thống” hơn.
“Không ít nghệ sĩ nước ngoài lựa chọn biểu diễn ở nhà thờ, viện bảo tàng hay thậm chí là khu phố nhỏ, vì họ hiểu cảm xúc không nằm ở độ lớn, mà nằm ở chiều sâu trải nghiệm. Các nghệ sĩ Việt nếu muốn giữ sức nóng lâu dài, cũng nên cân nhắc làm show như một tác phẩm nghệ thuật có lớp lang chứ không đơn thuần chỉ là một buổi biểu diễn”, ông Hồng Quang Minh kết luận.
Hà Trang
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/khong-con-hien-tuong-chay-ve-post1763465.tpo